Thông tư 05-TT/BNV(13) năm 1988 hướng dẫn Điều lệ đăng ký và quản lý hộ tịch do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 05-TT/BNV(13)
Ngày ban hành 04/06/1988
Ngày có hiệu lực 04/06/1988
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Phạm Tâm Long
Lĩnh vực Quyền dân sự

BỘ NỘI VỤ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05-TT/BNV(13)

Hà Nội, ngày 04 tháng 6 năm 1988

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 5-TT/BNV NGÀY 4/6/1988 CỦA BỘ NỘI VỤ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐIỀU LỆ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ KHẨU

Ngày 7 tháng 1 năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 4-HĐBT ban hành Điều lệ mới về đăng ký và quản lý hộ khẩu.
Căn cứ vào nội dung của bản Điều lệ nói trên, Bộ Nội vụ ra Thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể như sau:

I. VỀ NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Việc đăng ký hộ khẩu thường trú

Điều 2 của Điều lệ quy định: "Mỗi công dân được quyền và có trách nhiệm đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi ở thường xuyên của mình". Nơi ở thường xuyên là nơi gắn với công tác, saản xuất, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người ấy.

Những người do công tác, học tập có thời hạn dưới 6 tháng thì đăng ký tạm trú; từ 6 tháng trở lên thì đăng ký hộ khẩu thường trú theo thời hạn công tác, học tập.

2. Việc đăng ký hộ gia đình

Những người có quan hệ về gia đình (quy định tại điều 3 của Điều lệ) là: Bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột hoặc quan hệ thân thuộc, gắn bó với nhau trong cuộc sống hàng ngày ở cùng một nhà hoặc một phòng ở, thì đăng ký là một hộ gia đình. Những người có quan hệ với nhau về gia đình như trên cùng ở trong nhà tập thể cũng tách ra đăng ký hộ gia đình. Người chỉ có một mình cũng đăng ký coi như một hộ (hộ độc thân).

Trường hợp trong hộ có người đã tách gia đình riêng hoặc đã có quyết định của Toà án cho ly hôn thì được tách hộ. Trường hợp nhiều hộ tự nguyện xin hợp lại thành một hộ, có lý do chính đáng thì được hợp hộ.

Mỗi gia đình cử một người từ 18 tuổi trở lên là nhân khẩu thường trú trong hộ làm chủ hộ để thực hiện các quy định về đăng ký, quản lý hộ khẩu ở trong hộ của mình. Trường hợp không có người 18 tuổi trở lên thì cử người nhiều tuổi nhất ở trong hộ làm chủ hộ.

3. Việc đăng ký hộ khẩu ở nhà tập thể

Nhân khẩu ở nhà tập thể quy định tại điều 4 của Điều lệ là những cán bộ, công nhân, viên chức (kể cả công nhân, nhân viên quốc phòng và công nhân công an) học sinh, xã viên, hội viên của các cơ quan và tổ chức không đăng ký ở hộ gia đình, mà ở chung với nhau tại nhà ở tập thể của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội (gọi tắt là cơ quan và tổ chức) thì đăng ký là nhân khẩu tập thể do công an quận, huyện, thị xã , thành phố thuộc tỉnh trực tiếp đăng ký với từng người.

Những người do cơ quan và tổ chức cử phụ trách nhà ở tập thể phải là người trong ban quản lý nhà tập thể và phải là nhân khẩu thường trú ở trong nhà tập thể đó, có điều kiện để thường xuyên đôn đốc những người ở trong nhà tập thể của mình chấp hành những quy định về đăng ký quản lý hộ khẩu. Khi cần thay người phụ trách ở nhà tập thể, cơ quan và tổ chức báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký và quản lý hộ khẩu biết.

4. Việc đăng ký hộ khẩu thường trú đối với quân đội nhân dân và công an nhân dân

a. Những người là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, cán bộ, công nhân, nhân viên quốc phòng của quân đội nhân dân và của công an, nhân dân được đăng ký hộ khẩu thường trú với gia đình hoặc đăng ký hộ khẩu riêng theo quy định ở điều 5 của Điều lệ là những người thuộc diện dưới đây:

- Người ấy đang làm việc ổn định, hàng ngày ngoài giờ làm việc được về ở với gia đình, và gia đình cùng trong một thành phố, thị xã, hoặc một huyện. Riêng ở các thành phố trực thuộc trung ương thì trong phạm vi nội thành.

- Người ấy đang công tác ổn định ở địa bàn giáp ranh cũng có hoàn cảnh như trên.

- Trường hợp cả vợ và chồng đều là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, nhân viên quốc phòng của quân đội nhân dân và của công an nhân dân đang công tác ổn định cùng một cơ quan, đơn vị hoặc khác cơ quan, đơn vị nhưng cùng một thành phố, thị xã, hoặc một huyện (thành phố trực thuộc Trung ương thì trong phạm vi nội thành) thường xuyên hàng ngày về ở với nhau cũng được đăng ký hộ riêng.

b. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ quản các cấp sau đây được cấp giấy giới thiệu đăng ký hộ khẩu cho người của đơn vị mình:

- Các tổng cục, vụ, cục, viện, trường hoặc cấp tương đương nếu là người của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ nội vụ.

- Các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, học viện quân sự, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố, đặc khu, Giám đốc công an tỉnh, thành phố, đặc khu.

- Ban chỉ huy quân sự hoặc trưởng công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Người cấp giấy giới thiệu đăng ký hộ khẩu phải chịu trách nhiệm cấp đúng người có đủ điều kiện quy định trong điều 5 của Điều lệ đăng ký quản lý hộ khẩu.

c. Những người không phải là quân đội nhân dân và công an nhân dân mà ở trong khu vực cơ quan; doanh trại của quân đội, hoặc của công an, phải đăng ký hộ khẩu tách riêng khỏi tập thể cơ quan, doanh trại và phải chịu sự kiểm tra, quản lý của cơ quan quản lý hộ khẩu sở tại.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ NGUYÊN TẮC, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ HỘ KHẨU:

1. Việc lập sổ hộ khẩu

Đơn vị được lập sổ hộ khẩu quy định tại điều 7 của Điều lệ là hộ gia đình, nhà ở tập thể và xóm, ấp, bản. Sổ hộ khẩu là tài liệu làm căn cứ để xác định việc đăng ký hộ khẩu thường trú của từng hộ gia đình hoặc từng đơn vị lập sổ. Sổ này do công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp và được lưu giữ một bản để thực hiện việc đăng ký, quản lý hộ khẩu; công an xã và người phụ trách nhà ở tập thể cũng được giữ một bản sao để thực hiện việc quản lý hộ khẩu ở xã hoặc nhà ở tập thể của mình.

[...]