Nghị định 4-HĐBT năm 1988 về điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 4-HĐBT
Ngày ban hành 07/01/1988
Ngày có hiệu lực 07/01/1988
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Quyền dân sự

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4-HĐBT

Hà Nội, ngày 07 tháng 1 năm 1988

  

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 4-HĐBT NGÀY 7-1-1988 BAN HÀNH ĐIỀU LỆ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ KHẨU 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Nay ban hành bản Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu kèm theo Nghị định này.

Điều 2.- Điều lệ này thi hành thống nhất trong cả nước và có hiệu lực kể từ ngày ban hành, các văn bản ban hành trước đây trái với bản Điều lệ này đều bị bãi bỏ.

Điều 3.- Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 4.- Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra đôn đốc việc thi hành Điều lệ này.

 

 

Phạm Hùng

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ
ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ KHẨU
(Ban hành kèm theo Nghị định số 4-HĐBT ngày 7-1-1988).

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Đăng ký và quản lý hộ khẩu là biện pháp quan trọng của Nhà nước để quản lý xã hội; bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; xác định việc cư trú hợp pháp để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.

Điều 2.- Công dân được quyền và có trách nhiệm đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi ở thường xuyên của mình. Không đăng ký hộ khẩu thường trú ở nơi này nhưng lại thường xuyên cư trú ở nơi khác.

Điều 3.- Những người có quan hệ về gia đình hoặc quan hệ thân thuộc cùng ở trong một nhà hoặc một phòng ở thì đăng ký là một hộ.

Mỗi hộ phải cử một người có trách nhiệm chính làm chủ hộ để thực hiện các quy định về đăng ký và quản lý hộ khẩu trong hộ của mình.

Điều 4.- Những người của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội (gọi tắt là cơ quan và tổ chức) mà cùng ở chung trong một nhà hoặc một phòng thì đăng ký hộ khẩu ở tập thể và cơ quan đăng ký hộ khẩu phải trực tiếp đăng ký với từng người.

Các cơ quan và tổ chức phải cử người để đôn đốc những người ở trong nhà tập thể của mình chấp hành những quy định về đăng ký và quản lý hộ khẩu.

Điều 5.- Cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân và công an nhân dân ở tập thể trong doanh trại, nhà ở tập thể của quân đội, công an thì quản lý theo quy định riêng của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ.

Những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, cán bộ công nhân, nhân viên quốc phòng của quân đội nhân dân và của công an nhân dân hàng ngày ngoài giờ làm việc về ở với bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con cùng trong một thành phố, thị xã, thị trấn, một huyện thì đăng ký hộ khẩu thường trú cùng với hộ gia đình.

Những người không phải là quân đội, công an mà ở trong khu vực doanh trại, nhà ở tập thể của quân đội, của công an đều thực hiện theo những quy định trong Điều lệ này.

Chương 2:

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ KHẨU

Điều 6.- Mỗi người từ 15 tuổi trở lên tự khai một bản khai nhân khẩu đầy đủ chính xác theo mẫu hướng dẫn thống nhất của Bộ Nội vụ.

Điều 7.- Lập sổ hộ khẩu: ở thành phố, thị xã, thị trấn lập theo từng hộ, ở nông thôn lập theo xóm, ấp, bản. Đối với nhà ở tập thể của cơ quan và tổ chức thì lập theo từng nhà ở hoặc phòng ở tập thể của cán bộ, công nhân, viên chức, hội viên.

[...]