Nghị định 158/2005/NĐ-CP về việc đăng ký và quản lý hộ tịch

Số hiệu 158/2005/NĐ-CP
Ngày ban hành 27/12/2005
Ngày có hiệu lực 01/04/2006
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Quyền dân sự

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 158/2005/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2005 

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ TỊCH

CHÍNH PHỦ

 Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
 Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;
 Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình ngày 09 tháng 6 năm 2000;
 Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Hộ tịch và đăng ký hộ tịch

 1. Hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết.

 2. Đăng ký hộ tịch theo quy định của Nghị định này là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

 a) Xác nhận các sự kiện: sinh; kết hôn; tử; nuôi con nuôi; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính, bổ sung, điều chỉnh hộ tịch; xác định lại giới tính; xác định lại dân tộc;

 b) Căn cứ vào quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ghi vào sổ hộ tịch các việc: xác định cha, mẹ, con; thay đổi quốc tịch; ly hôn; hủy việc kết hôn trái pháp luật; chấm dứt nuôi con nuôi.

 3. Việc đăng ký kết hôn; nhận cha, mẹ, con; nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Điều 2. Mục đích quản lý hộ tịch

 Quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của chính quyền các cấp, nhằm theo dõi thực trạng và sự biến động về hộ tịch, trên cơ sở đó bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và gia đình, đồng thời góp phần xây dựng các chính sách về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Điều 3. Quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch

 Cá nhân có quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch.

 Người có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đăng ký hộ tịch phải tự giác đăng ký các sự kiện hộ tịch theo quy định của Nghị định này.

 Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm tạo điều kiện thuận tiện để mọi cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch.

Điều 4. Nguyên tắc đăng ký và quản lý hộ tịch

 1. Mọi sự kiện hộ tịch phải được đăng ký đầy đủ, kịp thời, chính xác theo quy định của Nghị định này.

 2. Mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một nơi theo đúng thẩm quyền quy định của Nghị định này.

 3. Cơ quan quản lý hộ tịch cấp trên phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo đối với cơ quan quản lý hộ tịch cấp dưới; trường hợp phát hiện thấy sai phạm phải chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

 4. Cơ quan đăng ký hộ tịch phải niêm yết công khai, chính xác các quy định về giấy tờ mà người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình hoặc nộp khi đăng ký hộ tịch, thời hạn giải quyết và lệ phí đăng ký hộ tịch.

Điều 5. Giá trị pháp lý của giấy tờ hộ tịch

 1. Giấy tờ hộ tịch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân theo quy định của pháp luật về hộ tịch là căn cứ pháp lý xác nhận sự kiện hộ tịch của cá nhân đó.

 2. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

 3. Giấy tờ hộ tịch do Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam) cấp có giá trị như giấy tờ hộ tịch được cấp ở trong nước.

[...]