Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 05/2013/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 36/2013/NĐ-CP về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 05/2013/TT-BNV
Ngày ban hành 25/06/2013
Ngày có hiệu lực 10/08/2013
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2013/TT-BNV

Hà Nội, ngày 25 tháng 06 năm 2013

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 36/2013/NĐ-CP NGÀY 22 THÁNG 4 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VỊ TRÍ VIỆC LÀM VÀ CƠ CẤU NGẠCH CÔNG CHỨC

Căn cứ Nghị định số 61/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức;

Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức (sau đây viết tắt là Nghị định số 36/2013/NĐ-CP),

Chương 1.

PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ VIỆC LÀM VÀ CƠ CẤU NGẠCH CÔNG CHỨC

Điều 1. Thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan, tổ chức, đơn vị

Việc thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện như sau:

1. Từng cá nhân cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành thống kê công việc hiện đang được giao đảm nhận.

2. Việc thống kê công việc phải tuân thủ nguyên tắc chỉ thống kê các công việc có tính chất thường xuyên, liên tục, ổn định, lâu dài, lặp đi lặp lại, gồm:

a) Những công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương của các tổ chức cấu thành;

b) Những công việc thực thi, thừa hành thuộc về chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (gọi chung là công việc chuyên môn nghiệp vụ);

c) Những công việc thực thi, thừa hành mang tính phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành (gọi chung là công việc hỗ trợ, phục vụ).

3. Không thống kê những công việc có tính thời vụ, đột xuất hoặc công việc không thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

4. Thống kê công việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện trình tự từ đơn vị cấp dưới lên đơn vị cấp trên trong cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

5. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và bản thống kê các công việc của cán bộ, công chức và người lao động, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm thống kê công việc của tổ chức, đơn vị mình quản lý và báo cáo cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp.

6. Việc thống kê công việc của từng cá nhân cán bộ, công chức và người lao động; việc thống kê công việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Phụ lục số 1A và Phụ lục số 1B ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Phân nhóm công việc

1. Trên cơ sở thống kê công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ đạo, triển khai việc tổng hợp và phân nhóm công việc như sau:

a) Các nhóm công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành;

b) Các nhóm công việc hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ;

c) Các nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ.

2. Việc phân nhóm công việc thực hiện theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Các yếu tố ảnh hưởng

1. Vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:

a) Đối với cơ quan, tổ chức ở Trung ương:

- Tính chất, đặc điểm, mức độ phức tạp và quy mô, phạm vi, đối tượng quản lý;

[...]