Thông tư 05/2011/TT-BNV hướng dẫn tổ chức, hoạt động của tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 05/2011/TT-BNV
Ngày ban hành 12/02/2011
Ngày có hiệu lực 12/02/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Trần Văn Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 05/2011/TT-BNV

Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2011

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC PHỤ TRÁCH BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIII VÀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2011 - 2016

Căn cứ Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 (sửa đổi, bổ sung năm 2001);
Căn cứ Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 1018 NQ/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21 tháng 01 năm 2011 về công bố ngày bầu cử và thành lập Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016;
Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Bộ Nội vụ hướng dẫn tổ chức, hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn tổ chức, hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 ở địa phương.

2. Đối với các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân thì việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn và ở các đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu.

Chương 2.

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC PHỤ TRÁCH BẦU CỬ

Điều 3. Thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã

1. Thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh:

a) Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.

b) Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có từ hai mươi mốt đến ba mươi mốt người gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký và các ủy viên là đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, một số cơ quan, tổ chức hữu quan;

c) Thời hạn thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chậm nhất chín mươi lăm ngày trước ngày bầu cử, tức là chậm nhất ngày 16 tháng 02 năm 2011;

d) Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 4, Điều 1 và khoản 4, Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2010;

đ) Sau khi thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử và Chính phủ (thông qua Bộ Nội vụ) về danh sách thành viên Ủy ban bầu cử cấp tỉnh kèm theo chức danh, số điện thoại, số Fax, địa chỉ Email cụ thể của từng thành viên.

2. Thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện:

a) Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp;

b) Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện có từ mười một đến mười lăm người, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký và các ủy viên là đại diện của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, một số cơ quan, tổ chức hữu quan;

c) Thời hạn thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện chậm nhất là chín mươi lăm ngày trước ngày bầu cử, tức là chậm nhất ngày 16 tháng 02 năm 2011;

d) Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện theo quy định tại khoản 4, Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2010.

3. Thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã:

a) Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp;

b) Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có từ chín đến mười một người, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký và các ủy viên là đại diện của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, một số cơ quan, tổ chức hữu quan;

c) Thời hạn thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã chậm nhất là chín mươi lăm ngày trước ngày bầu cử, tức là chậm nhất ngày 16 tháng 02 năm 2011;

[...]