BỘ
XÂY DỰNG
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
05/2001/TT-BXD
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2001
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 05/2001/TT-BXD NGÀY 30 THÁNG 8 NĂM 2001
HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định số 15/CP
ngày 4/3/1994 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số
52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5 tháng 5 năm
2000 của Chính phủ;
Để đảm bảo chất lượng, an toàn công trình trong quá trình vận hành, khai
thác, sử dụng; Bộ Xây dựng hướng dẫn công tác bảo trì công trình xây dựng như
sau:
Phần 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
1.1. Công trình xây dựng thuộc mọi
nguồn vốn và mọi hình thức sở hữu đều phải thực hiện công tác bảo trì theo quy
định của Thông tư này.
1.2. Công trình xây dựng áp dụng
Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số
17/2000/QĐ-BXD ngày 2/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và trường hợp công trình
được phép của cấp có thẩm quyền thay đổi chức năng sử dụng ban đầu, đơn vị tư vấn
thiết kế phải lập quy trình bảo trì công trình.
1.3. Công trình đang sử dụng hoặc
công trình đã hết niên hạn sử dụng (nếu được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng
tiếp) chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng phải thuê đơn vị tư vấn có chức năng
đánh giá hiện trạng chất lượng để lập quy trình bảo trì.
2. Giải thích từ ngữ:
2.1. Công trình xây dựng: là sản
phẩm của công nghệ xây lắp gắn liền với đất được tạo thành từ vật liệu xây dựng
thông qua việc sử dụng thiết bị thi công và sức lao động. Công trình xây dựng
có thể là một hạng mục hoặc nhiều hạng mục nằm trong dây chuyền công nghệ đồng
bộ hoàn chỉnh.
2.2. Công tác bảo trì công
trình: là hoạt động bắt buộc theo luật pháp đối với chủ sở hữu hoặc chủ quản lý
sử dụng công trình nhằm đảm bảo cho các bộ phận, hạng mục công trình tiếp tục
thực hiện được các chức năng đã xác định của chúng.
2.3. Quy trình bảo trì công
trình: là trình tự thực hiện các công việc cần thiết nhằm phục hồi chất lượng
các bộ phận, hạng mục công trình để công trình có khả năng tiếp tục thực hiện
chức năng theo yêu cầu.
2.4. Công tác bảo trì công
trình: là các việc cần thực hiện trong quy trình bảo trì để hoàn thành công tác
bảo trì công trình.
2.5. Đánh giá mức độ xuống cấp
công trình: là đánh giá hiện trạng chất lượng công trình so với thiết kế ban đầu
có tính đến hậu quả của các tác động trong quá trình vận hành, khai thác, sử dụng
công trình bao gồm:
2.5.1. Tác động của các yếu tố tự
nhiên;
2.5.2. Tác động của các hoạt động
trong vận hành, khai thác, sử dụng công trình;
2.5.3. Ảnh hưởng của các yếu tố
phát sinh hoặc rủi ro ngoài dự kiến của đơn vị thiết kế;
2.6. Sửa chữa lớn công trình: là
công việc được tiến hành khi có hư hỏng hoặc xuống cấp ở nhiều bộ phận công
trình nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của công trình.
2.7. Sửa chữa vừa công trình: là
công việc được tiến hành khi có hư hỏng hoặc xuống cấp ở một số bộ phận công
trình nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của các bộ phận công trình đó.
2.8. Sửa chữa nhỏ công trình: là
công việc được tiến hành khi có hư hỏng ở một số chi tiết của bộ phận công
trình nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của các chi tiết đó.
2.9. Duy tu, bảo dưỡng công
trình: là công việc kiểm tra, xử lý được tiến hành thường xuyên để đề phòng hư
hỏng của từng chi tiết, bộ phận công trình.
3. Quy định về các cấp bảo trì
công trình xây dựng:
3.1. Bảo trì công trình xây dựng
được phân thành 4 cấp như sau:
3.1.1. Duy tu, bảo dưỡng;
3.1.2. Sửa chữa nhỏ;
3.1.3. Sửa chữa vừa;
3.1.4. Sửa chữa lớn.
3.2. Nội dung thực hiện đối với
từng cấp bảo trì của công trình xây dựng chuyên ngành có yêu cầu đặc biệt do Bộ
có xây dựng chuyên ngành quy định.
3.3. Thời điểm tính chu kỳ đầu
tiên của công tác bảo trì công trình được quy định như sau:
3.3.1. Đối với công trình thuộc
đối tượng nêu tại khoản 1.2, mục 1, phần 1 của Thông tư này là thời điểm kết
thúc nghiệm thu đưa công trình vào vận hành, khai thác, sử dụng.
3.3.2. Đối với công trình thuộc
đối tượng nêu tại khoản 1.3, mục 1, phần I của Thông tư này là thời điểm sau
khi kết thúc đánh giá mức độ xuống cấp của công trình và lập quy trình bảo trì.
4. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
công tác bảo trì công trình xây dựng.
4.1. Căn cứ các khoản 1.2 và 1.3
mục 1, phần I của Thông tư này, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình
có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bảo trì công trình theo các bước sau:
4.1.1. Công tác chuẩn bị thực hiện
bảo trì công trình;
4.1.2. Triển khai thực hiện công
việc bảo trì công trình;
4.1.3. Kết thúc công tác bảo trì.
4.2. Chủ sở hữu hoặc chủ quản lý
sử dụng công trình lập kế hoạch và tổ chức thực hiện bảo trì công trình ở cấp
duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ.
4.3. Bảo trì công trình ở cấp sửa
chữa vừa và lớn được thực hiện theo hợp đồng ký kết giữa chủ sở hữu hoặc chủ quản
lý sử dụng công trình với các pháp nhân có đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện.
5. Nguồn vốn sử dụng cho công
tác bảo trì công trình xây dựng:
5.1. Các công trình thuộc các
đơn vị được thụ hưởng Ngân sách Nhà nước hoặc do các doanh nghiệp, các tổ chức
kinh tế chính trị - xã hội quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác bảo trì thực
hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
5.2. Công trình thuộc các hộ tư
nhân quản lý và sử dụng, tuỳ theo mức độ bảo trì, phải tự chuẩn bị kinh phí để
thực hiện bảo trì công trình.
5.3. Nguồn vốn sử dụng cho công
tác bảo trì công trình ở cấp sửa chữa vừa và lớn được xác định theo dự án và việc
quản lý sử dụng vốn thực hiện theo Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành
kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP
ngày 5/5/2000 của Chính phủ.
5.4. Hàng năm chủ sở hữu hoặc chủ
quản lý sử dụng công trình phải kiểm tra đánh giá hiện trạng sử dụng công trình
để lập kế hoạch duy tu bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ.
Phần 2:
NỘI DUNG CÔNG TÁC BẢO
TRÌ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
1. Nội dung công tác bảo trì
công trình xây dựng được quy định chi tiết theo từng chuyên ngành, song phải
đáp ứng được các yêu cầu chính sau:
1.1. Việc bảo trì công trình xây
dựng nhằm duy trì được những đặc trưng kỹ thuật, mỹ thuật và công năng trong
quá trình vận hành, khai thác, sử dụng phù hợp với cấp công trình và niên hạn sử
dụng đã xác định.
1.2. Nội dung yêu cầu đối với
công tác bảo trì công trình xây dựng.
1.2.1. Về nội dung công tác bảo
trì công trình xây dựng gồm có:
a. Tổ chức điều tra khảo sát,
đánh giá hiện trạng;
b. Xác định mức độ hư hỏng của
các chi tiết, bộ phận công trình.
c. Xác định cấp bảo trì;
d. Lập quy trình cho từng cấp bảo
trì công trình và mức đầu tư tương ứng;
e. Nguồn tài chính để thực hiện
công tác bảo trì công trình.
Trong nội dung công tác bảo trì
phải nêu rõ các chi tiết, bộ phận cần thiết phải bảo trì; các điều kiện, tiêu
chuẩn sử dụng, phương thức tổ chức, dự kiến tiến độ thực hiện; biện pháp an
toàn cho các thiết bị và con người trong quá trình thực hiện bảo trì công
trình.
Nội dung công tác bảo trì công
trình không bao hàm những công việc như vệ sinh thường xuyên bên trong, bên
ngoài công trình, những sửa chữa, bổ sung, nâng cấp công trình ngoài chức năng
ban đầu chưa được phép của cấp có thẩm quyền;
1.2.2. Xác định mức an toàn cho
công trình. Việc đánh giá xác định hiện trạng chất lượng của công trình được
quy định theo 5 mức độ xuống cấp chất lượng như sau:
a. Tốt: chất lượng công trình bảo
đảm vận hành, khai thác, sử dụng; chưa xuống cấp, vẫn giữ được trạng thái chất
lượng ban đầu.
b. Đạt yêu cầu: chất lượng công
trình bảo đảm vận hành, khai thác, sử dụng, nhưng đã có biểu hiện hư hỏng nhỏ ở
một số chi tiết của bộ phận công trình.
c. Không đạt yêu cầu: chất lượng
công trình đã xuống cấp, hư hỏng ở một vài bộ phận công trình.
d. Cũ nát: chất lượng công trình
xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng hàng loạt các bộ phận công trình.
e. Không sử dụng được: chất lượng
công trình xuống cấp rất nghiêm trọng, phải phá dỡ.
1.2.3. Lập quy trình cho từng cấp
bảo trì công trình xây dựng cần làm rõ các yêu cầu sau:
a. Các chức năng và tiêu chuẩn vận
hành công trình xây dựng.
b. Những nguyên nhân công trình
xây dựng không thoả mãn chức năng và tiêu chuẩn vận hành khai thác, sử dụng
theo yêu cầu.
c. Những biện pháp khắc phục (lựa
chọn cấp bảo trì và nội dung công tác bảo trì tương ứng).
d. Yêu cầu về các chế độ khảo
sát định kỳ và biện pháp để phòng ngừa sự cố hoặc chất lượng công trình xuống cấp.
2. Các Bộ có công trình xây dựng
chuyên ngành chịu trách nhiệm ban hành phương pháp xác định mức chất lượng cho
từng loại công trình chuyên ngành và các tiêu chuẩn kỹ thuật bảo trì công trình
chuyên ngành làm cơ sở pháp lý cho công tác bảo trì công trình chuyên ngành.
Phần 3:
TÀI LIỆU PHỤC VỤ, CÔNG
TÁC BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Các tài liệu làm cơ sở cho công
tác thực hiện bảo trì công trình xây dựng bao gồm:
1. Hồ sơ thiết kế công trình đã
được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo nội dung tại phụ lục 1 của quy định quản
lý chất lượng công trình xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số
17/2000/QĐ-BXD ngày 2/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hoặc theo quy định của Bộ
có xây dựng chuyên ngành nếu là công trình xây dựng chuyên ngành có yêu cầu đặc
biệt;
2. Hồ sơ, tài liệu hoàn thành
công trình xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật đã sử dụng để thiết kế chế tạo, sản xuất
vật liệu, vật tư, thiết bị của công trình;
3. Nhật ký theo dõi quá trình vận
hành hoặc sử dụng của công trình;
4. Các quy trình đã được phê duyệt
gồm: quy trình bảo trì công trình của đơn vị thiết kế công trình xây dựng, quy
trình kỹ thuật vận hành và bảo trì dây chuyền công nghệ của đơn vị thiết kế
công nghệ, quy trình vận hành và bảo trì thiết kế của nhà chế tạo;
5. Báo cáo đánh giá hiện trạng
chất lượng đối với công trình chưa lập quy trình bảo trì;
6. Kế hoạch, tiến độ thực hiện
công tác bảo trì và các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, thiết bị và môi
trường khi đồng thời vận hành, khai thác, sử dụng và thực hiện công tác bảo trì
công trình.
7. Các hợp đồng giữa chủ sở hữu
công trình hoặc chủ quản lý sử dụng công trình với đơn vị tư vấn lập quy trình
bảo trì và với nhà thầu thực hiện bảo trì công trình.
Phần 4:
NGHIỆM THU, BẢO HÀNH
CÔNG VIỆC BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
1. Chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử
dụng công trình phải tổ chức nghiệm thu công việc bảo trì theo nội dung hợp đồng
đã ký kết với đơn vị thi công bảo trì.
2. Bảo hành công việc bảo trì
công trình xây dựng được quy định như sau:
2.1. Đơn vị thi công bảo trì
công trình phải bảo hành công việc bảo trì do đơn vị thực hiện trong thời gian
3 tháng cho cấp bảo trì duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ. Đối với cấp bảo trì
sửa chữa vừa, sửa chữa lớn việc bảo hành thực hiện theo Điều 54 Quy chế quản lý
đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999
và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 của Chính phủ.
2.2. Thời gian bắt đầu thực hiện
bảo hành công việc bảo trì được quy định từ ngày ký biên bản nghiệm thu công việc
bảo trì đã hoàn thành.
Phần 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực sau
15 ngày kể từ ngày ký.
2. Các bộ, cơ quan ngang Bộ,
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương của các đoàn
thể, các Tổng công ty nhà nước và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm
thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc, đề nghị phản ánh bằng văn bản về Bộ Xây dựng để nghiên cứu, giải
quyết.