Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 04/2006/TT-BNV hướng dẫn xác định cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nôp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử các cấp do Bộ nội vụ ban hành

Số hiệu 04/2006/TT-BNV
Ngày ban hành 11/04/2006
Ngày có hiệu lực 26/04/2006
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Đỗ Quang Trung
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BỘ NỘI VỤ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2006/TT-BNV

Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 2006 

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 04/2006/TT-BNV NGÀY 11 THÁNG 4 NĂM 2006 HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH CƠ QUAN, TỔ CHỨC THUỘC NGUỒN NỘP LƯU TÀI LIỆU VÀO LƯU TRỮ LỊCH SỬ CÁC CẤP

Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Khoản 5 Điều 6 Nghị định số 111/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia,
Bộ Nội vụ hướng dẫn xác định cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử các cấp như sau:

I. HƯỚNG DẪN CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc xác định cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu (gọi tắt là xác định nguồn nộp lưu) vào lưu trữ lịch sử các cấp.

Các loại hình tài liệu nộp lưu và các nhóm thành phần tài liệu nộp lưu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng để xem xét khi xác định nguồn nộp lưu theo hướng dẫn tại Thông tư này bao gồm: cơ quan, tổ chức sự nghiệp Nhà nước; tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức kinh tế Nhà nước; đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) đang hoạt động, có tài khoản, con dấu, văn thư và biên chế độc lập.

Đối tượng thực hiện việc xác định nguồn nộp lưu theo hướng dẫn tại Thông tư này là lưu trữ lịch sử các cấp, bao gồm: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia; Trung tâm Lưu trữ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Trung tâm Lưu trữ tỉnh); Lưu trữ huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Lưu trữ huyện).

3. Mục đích, yêu cầu việc xác định nguồn nộp lưu

a. Mục đích

- Để cơ quan quản lý Nhà nước quản lý thống nhất việc bổ sung vào Phòng Lưu trữ Quốc gia những tài liệu có giá trị về hoạt động của tất cả các cơ quan, tổ chức trong bộ máy Nhà nước ở các cấp, các ngành, lĩnh vực chuyên môn;

- Để lưu trữ lịch sử các cấp chủ động trong việc thu thập tài liệu có giá trị từ các nguồn nộp lưu;

- Để các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu chủ động chuẩn bị tài liệu nộp lưu vào lưu trữ lịch sử theo thời hạn quy định của pháp luật.

b. Yêu cầu

Việc xác định nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử phải bảo đảm các yêu cầu chủ yếu sau:

- Đúng đối tượng là nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử;

- Đúng phạm vi thẩm quyền thu thập tài liệu của lưu trữ lịch sử;

- Kết quả của việc xác định nguồn nộp lưu là Quyết định của cấp có thẩm quyền ban hành Danh mục các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử tương ứng (gọi tắt là Danh mục nguồn nộp lưu).

Danh mục nguồn nộp lưu của từng lưu trữ lịch sử được xây dựng thành Danh mục số 1 và Danh mục số 2.

Danh mục số 1 gồm các cơ quan, tổ chức phải nộp lưu toàn bộ tài liệu có giá trị lịch sử vào lưu trữ lịch sử.

Danh mục số 2 gồm các cơ quan, tổ chức chỉ nộp lưu những nhóm tài liệu có giá trị lịch sử được lựa chọn.

4. Tiêu chuẩn nguồn nộp lưu

a. Tiêu chuẩn nguồn nộp lưu thuộc Danh mục số 1

Là cơ quan, tổ chức giữ vị trí cao nhất trong bộ máy Nhà nước; bộ máy quản lý ngành, lĩnh vực chuyên môn; tổ chức chính trị - xã hội -nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức kinh tế Nhà nước ở từng cấp.

b. Tiêu chuẩn nguồn nộp lưu thuộc Danh mục số 2

Là cơ quan, tổ chức sự nghiệp, kinh tế tiêu biểu, điển hình theo các tiêu chí chủ yếu sau:

[...]