Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 03/2009/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 03/2009/TT-BTP
Ngày ban hành 30/09/2009
Ngày có hiệu lực 16/11/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Đức Chính
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

BỘ TƯ PHÁP 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 03/2009/TT-BTP

Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 61/2009/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 7 NĂM 2009 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THỪA PHÁT LẠI THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội Khóa XII về việc thi hành Luật thi hành án dân sự;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh,
Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh như sau:

I. XÁC MINH ĐIỀU KIỆN THI HÀNH ÁN

1. Người được thi hành án có quyền yêu cầu văn phòng Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án. Khi yêu cầu thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án, người yêu cầu phải cung cấp bản án, quyết định và các giấy tờ liên quan.

2. Trong trường hợp trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án, Thừa phát lại phải lập biên bản theo quy định tại Điều 44 của Luật thi hành án dân sự.

II. TRỰC TIẾP THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH

1. Trường hợp người được thi hành án được thi hành nhiều khoản khác nhau trong cùng một bản án, quyết định do một người phải thi hành thì cùng một thời điểm, người được thi hành án chỉ có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự hoặc một văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành. Nếu các khoản được thi hành do nhiều người khác nhau có nghĩa vụ thi hành thì người được thi hành án có quyền đồng thời yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự, văn phòng Thừa phát lại thi hành riêng đối với từng khoản.

Nếu trong cùng một bản án, quyết định có nhiều người được thi hành án mà những người đó yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự và văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành thì văn phòng Thừa phát lại và Cơ quan thi hành án dân sự phải phối hợp với nhau trong thi hành án theo hướng dẫn tại khoản 2, Mục II của Thông tư này.

2. Trưởng văn phòng Thừa phát lại phải gửi các quyết định về thi hành án cho Chi cục Thi hành án dân sự nơi đặt Văn phòng; cung cấp thông tin và phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự có liên quan trong việc xử lý tài sản kê biên, thanh toán tiền thi hành án.

Trưởng văn phòng Thừa phát lại phải phối hợp với Trưởng văn phòng Thừa phát lại khác có liên quan trong việc xử lý tài sản kê biên, thanh toán tiền thi hành án.

3. Văn bản của Trưởng văn phòng Thừa phát lại đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định cưỡng chế và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế phải có nội dung chủ yếu sau: Nội dung yêu cầu thi hành án của đương sự theo bản án, quyết định; điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; quá trình tổ chức thi hành án; biện pháp cưỡng chế thi hành án cần áp dụng; số lượng người, cơ quan tham gia bảo vệ cưỡng chế thi hành án; thời gian, địa điểm dự kiến thực hiện việc cưỡng chế thi hành án. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của văn phòng Thừa phát lại, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh phải ra quyết định cưỡng chế và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế, đồng thời gửi quyết định và kế hoạch cưỡng chế cho Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế và tổ chức có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.

Trường hợp Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh không đồng ý ra quyết định và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế thì phải có văn bản trả lời văn phòng Thừa phát lại nêu rõ lý do. Nếu không đồng ý với việc từ chối ra quyết định và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế, Trưởng văn phòng Thừa phát lại có quyền khiếu nại đến Cục trưởng Cục thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh để xem xét ra quyết định giải quyết trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng văn phòng Thừa phát lại có quyền khiếu nại đến Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp để xem xét ra quyết định giải quyết trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại. Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.

Trưởng văn phòng Thừa phát lại chủ động liên hệ với Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan Công an cấp huyện nơi tổ chức cưỡng chế để phối hợp tổ chức việc bảo vệ cưỡng chế theo quy định.

4. Trong trường hợp cưỡng chế, ngoài khoản chi phí cưỡng chế được thu theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu thi hành án có thể thỏa thuận thêm về các khoản chi phí hợp lý khác.

5. Trường hợp vụ việc chưa thi hành xong nhưng người yêu cầu đề nghị văn phòng Thừa phát lại chấm dứt việc thi hành án thì xử lý như sau:

a) Nếu người được thi hành án có văn bản yêu cầu không tiếp tục việc thi hành án thì Trưởng văn phòng Thừa phát lại ra quyết định đình chỉ thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích người thứ ba theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật thi hành án dân sự. Các bên cùng nhau thanh lý hợp đồng và giải quyết các vấn đề phát sinh. Khoản tiền, tài sản đã thu được trả lại cho người phải thi hành án;

b) Nếu người được thi hành án đề nghị chấm dứt hợp đồng thì các bên cùng nhau thanh lý hợp đồng và giải quyết các vấn đề phát sinh. Khoản tiền, tài sản đã thu được xử lý theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

c) Thu hồi quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án; chấm dứt hợp đồng ủy quyền bán đấu giá, giải tỏa việc ngăn chặn; phong tỏa, kê biên tài sản, tài khoản và các văn bản liên quan khác (nếu có). Đối với vụ việc do Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự  thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định cưỡng chế thi hành án thì văn phòng Thừa phát lại có văn bản đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh thu hồi quyết định cưỡng chế thi hành án. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh phải ra quyết định thu hồi quyết định cưỡng chế thi hành án trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của văn phòng Thừa phát lại;

d) Trong quá trình thanh lý hợp đồng, nếu có tranh chấp thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

III. GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁT SINH KHI VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI GIẢI THỂ, CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG

Việc giải thể, chấm dứt văn phòng Thừa phát lại thực hiện theo Luật doanh nghiệp và Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ. Ngoài ra, tùy từng trường hợp, văn phòng Thừa phát lại còn phải thực hiện các công việc sau đây:

1. Trường hợp tự giải thể:

Văn phòng Thừa phát lại phải có phương án giải thể gửi Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đồng ý của Sở Tư pháp thì tiến hành các thủ tục:

a) Thanh lý các hợp đồng theo quy định của pháp luật;

b) Tiếp tục đăng ký các vi bằng đã được lập tại Sở Tư pháp;

c) Đối với việc trực tiếp thi hành án thì thực hiện theo quy định tại khoản 5, Mục II của Thông tư này.

2. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định đình chỉ hoạt động:

[...]