Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 02-NL/TT năm 1958 giải thích chính sách về nghề đánh cá và nuôi cá do Bộ Nông Lâm ban hành

Số hiệu 02-NL/TT
Ngày ban hành 14/02/1958
Ngày có hiệu lực 01/03/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông lâm
Người ký Lê Duy Trinh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG LÂM
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-NL/TT

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC GIẢI THÍCH CHÍNH SÁCH VỀ NGHỀ ĐÁNH CÁ VÀ NUÔI CÁ.

Nước ta nhiều sông ngòi, hồ ao, có bờ biển dài, nguồn lợi nghề cá dồi dào, nhưng khai thác còn ít so với khả năng và đối chiếu với yêu cầu của Nhà nước và nhân dân. Vì vậy sau thời kỳ khôi phục, bước vào kế hoạch mới, nghề đánh cá được phát triển mạnh mẽ nhằm cải thiện đời sống cho ngư dân thỏa mãn yêu cầu cần thiết về thức ăn cho nhân dân và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp. Để đẩy mạnh sản xuất cần phát triển nghề đánh cá và nghề nuôi cá.

Nhằm mục đích nói trên, Chính phủ đã ban hành chính sách đảm bảo quyền lợi của ngư dân, bảo vệ sản xuất, khuyến khích ngư dân phát triển nghề thuyền lưới, dụng cụ hợp tác tương trợ, cải tiến kỹ thuật để tăng thu hoạch. Chính sách này cần được phổ biến giải thích sâu rộng, làm cho ngư dân thật tin tưởng và an tâm phấn khởi sản xuất.

1) Tôn trọng quyền sở hữu tài sản của ngư dân và chủ thuyền:

Điểm này cần khuyến khích người có nghề, có vốn mạnh dạn bỏ ra kinh doanh nghề đánh cá, và nuôi cá, xác định quyền sở hữu tài sản, công cụ sản xuất cá.

Những tài sản, ngư cụ như thuyền lưới, đay, đăng, ao hồ của ngư dân và nông dân tự mình mua sắm, bỏ sức ra làm hay được chia trong cải cách ruộng đất, cải cách dân chủ, sửa sai đã được điều chỉnh đều được tôn trọng.

Đối với người có vốn bỏ ra sắm dọn thuyền lưới v.v… thuê mướn ngoài làm hoặc đưa cho người khác thuê trên nguyên tắc kẻ có của người có công hai bên đều có quyền lợi và hai bên đều thỏa thuận thì công cụ bỏ ra vẫn thuộc quyền sở hữu của họ: Điều này giải quyết cho anh em ngư dân thiếu vốn sắm công cụ sản xuất có phương tiện làm ăn và huy động người có vốn bỏ ra kinh doanh trên tinh thần đoàn kết, tương trợ sản xuất

Trong nhân dân còn có thắc mắc sợ bỏ vốn kinh doanh thuyền lưới đánh cá sẽ lên thành phần. Đây là một sự hiểu lầm cần giải thích rõ để họ an tâm.

Riêng đối với địa chủ cần chỉ rõ cho họ thấy nếu họ tham gia lao động đánh cá để cải tạo tuân theo pháp luật, sau này họ có thể được thay đổi thành phần, và hiện nay họ có thể sắm thêm dụng cụ đánh cá như ngư dân, nhưng không được sinh hoạt chính trị chung với ngư dân và ở trong đoàn.

2) Khuyến khích tổ chức làm ăn tập thể, bảo đảm quyền lợi của nhau,và giúp đỡ lẫn nhau:

Căn bản là khuyến khích việc làm ăn tập thể mới đủ sức mạnh chống chọi với thiên nhiên và mới có điều kiện phát huy sáng kiến, cải tiến dụng cụ và kỹ thuật đánh cá, nuôi cá, cải thiện đời sồng cho ngư dân và nông dân nói chung. Đây là một điểm hết sức cần thiết và có lợi.

Tiếp tục xóa bỏ triệt để những tàn tích có tính chất bóc lột, kìm hãm sản xuất của chế độ đế quốc và phong kiến. Chỉ có xây dựng cơ sở tập thể hóa theo đường lối phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa mới xóa bỏ được tình trạng sản xuất còn lạc hậu bấp bênh.

Để xây dựng và phát triển tổ chức sản xuất tập thể, cán bộ lãnh đạo cần nắm vững áp dụng những nguyên tắc: tự nguyện dân chủ, cũng có lợi, cụ thể là:

- Việc tổ chức phải hoàn toàn dựa vào sự tự nguyện tự giác của bản thân và người trong gia đình của họ vui vẻ xin gia nhập tổ chức, tuyệt đối không nên dùng các hình thức cưỡng ép mệnh lệnh.

- Về quản lý dân chủ cần phát huy quyền tự do bàn bạc thảo luận mọi việc, tự xây dựng bộ máy quản trị, xây dựng thực hiện kế hoạch, nguyên liệu dụng cụ, sản xuất, tiêu thụ, tài vụ v.v… làm cho việc quản lý được công khai rành mạch, do đó mới phát huy được tinh thần, trách nhiệm của mỗi người trong tổ chức, thiết tha gắn bó với tổ chức.

Việc phân chia quyền lợi theo lối bình quân, làm trái nguyên tắc hai bên cùng có lợi, hạn chế rất lớn khả năng và sáng kiến trong lao động sản xuất, gây ra những tư tưởng ỷ lại lười biếng, ít muốn học tập để trau dồi nghề nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến mức thu hoạch.

Trong tập thể cần chú ý trước hết đến sức lao động và tài năng về kỹ thuật, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, có tài hơn thì đãi ngộ hơn.

Ngoài những điểm trên, việc bỏ vốn, bỏ dụng cụ sản xuất vào tập đoàn cũng cần xét kỹ đến vốn nhiều hay ít, dụng cụ tốt hay xấu, giá trị bao nhiêu để quy định việc hưởng lợi cho hợp lý; nếu vốn được hưởng lợi quá ít thì người có vốn không muốn bỏ vốn vào tập đoàn nhưng trái lại vốn hưởng thụ quá nhiều thì anh em trong tổ chức tập đoàn cũng không phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, do đó lao động phải được bảo đảm.

3) Bảo vệ tự do vay mượn, tự do thuê mướn nhân công, tự do thuê và cho thuê thuyền lưới đánh cá, đảm bảo quyền lợi giữa chủ và thợ.

Chủ yếu là quy định nội dung chính sách lao tư lưỡng lợi, áp dụng đảm bảo quyền lợi giữa người có vốn cho vay và người vay, giữa người có công cụ cho thuê và người thuê, giữa người chủ thuyền và người làm công như thợ bạn, để đảm bảo sự đoàn kết phát triển sản xuất.

Chính phủ thừa nhận việc cho vay trên cơ sở có vay có trả, có vốn có lãi do hai bên thỏa thuận, nghĩa là vay phải trả lãi với tỷ lệ vừa phải không quá nặng, với tinh thần tương trợ lẫn nhau không được bóc lột quá đáng, nhằm lợi cho sản xuất, cho đoàn kết và kiến quốc.

Mặt khác việc tự do lao động và tự do kinh doanh, Chính phủ, đoàn thể không ngăn cấm nhưng phải sử dụng cho đúng quyền tự do cho hợp lý, phải có sự cam kết và giữ nguyên tắc cam kết với nhau, chủ thuyền không có quyền đuổi thợ bạn ra với những lý do không chính đáng nhưng mặt khác anh em ngư dân có trách nhiệm đảm bảo sản xuất không tự do nghỉ việc bỏ thuyền lưới giữa mùa đi thuyền khác một cách không chính đáng. Vì trong nghề đánh cá mỗi khi muốn đi đánh cá phải đủ số người mới có thể điều khiển công cụ đánh cá được, nếu một vài người tự động bỏ việc thì phải nghỉ việc sản xuất ảnh hưởng đến quyền lợi chung của tất cả anh em trong thuyền.

Điểm tự do thuê và cho thuê dụng cụ sản xuất cá, nhằm đảm bảo cho hai bên: người thuê mướn dụng cụ, người chủ cho thuê mướn cũng không làm trở ngại cho người thuê dụng cụ sản xuất, quyền lợi và nguyên tắc thời gian do hai bên thỏa thuận với nhau.

4) Khuyến khích bảo vệ các nguồn lợi cá và ngăn cấm việc dùng chất nổ, chất độc, giết hại cá:

Cá cũng như các loại động vật khác sinh sản có chừng, nếu khai thác bừa bãi không có kế hoạch bảo vệ thì dần dần sẽ hết, do đó song song với việc khuyến khích phát triển nghề đánh cá phải khuyến khích nhân dân bảo vệ nguồn lợi cá nhằm đạt yêu cầu đánh cá lâu dài mà thu hoạch ngày càng tăng.

Trình độ kỹ thuật đánh cá của nhân dân còn thấp kém, tập quán bắt cá còn quá phức tạp chưa chú trọng bảo vệ nguồn lợi cá cho nên bước đầu chủ yếu là giáo dục tinh thần tự giác bảo vệ, chăm sóc những nơi cá tập trung sinh đẻ, những nơi cá con mới sinh và các giống cá quý.

Đồng bào trung du áp dụng nhiều phương tiện như chài lưới để bắt cá, nhưng còn một số người dùng chất nổ thuốc độc, men giết hại hàng loạt cá, lớn, bé, trứng cá ở bãi, vùng cá mới sinh làm tuyệt giống cá và có khi hại đến tính mạng con người nữa. Việc này rất có hại cần phải ngăn cấm, vì ngư dân có thể dùng những phương tiện khác để bắt cá mà vẫn đảm bảo thu hoạch.

[...]