Thông tư 01-TT/LB năm 1960 về việc điều tra thủy lợi, nuôi cá và chăn nuôi gia súc (tháng 4, 5 năm 1960) do Bộ Thuỷ lợi- Bộ Nông lâm - Tổng cục thống kê ban hành

Số hiệu 01-TT/LB
Ngày ban hành 02/04/1960
Ngày có hiệu lực 17/04/1960
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông lâm,Bộ Thuỷ lợi,Cục thống kê Trung ương
Người ký Đặng Thí,Lê Duy Trinh,Trần Đăng Khoa
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ THỦY LỢI – BỘ NÔNG LÂM - CỤC THỐNG KÊ TRUNG ƯƠNG
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Số: 01-TT/LB

Hà Nội, ngày 02 tháng 04 năm 1960

 

THÔNG TƯ

VỀ ĐIỀU TRA THỦY LỢI, NUÔI CÁ VÀ CHĂN NUÔI GIA SÚC (THÁNG 4, 5 NĂM 1960)

Kính gửi:

Đồng gửi:

Ủy ban hành chính các thành phố, khu Tự trị, tỉnh, khu Hồng quảng và khu vực Vĩnh Linh.
Các Sở, Ty Thủy lợi,
Các Sở, Ty Nông lâm và Sở, Ty Nông nghiệp,
Các Chi cục thống kê các thành phố, khu Tự trị, tỉnh, khu Hồng Quảng và Phòng thống kê khu vực Vĩnh Linh.

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI ĐIỀU TRA VÀ PHỐI HỢP ĐIỀU TRA GIỮA NÔNG LÂM VÀ THỦY LỢI.

Trong năm 1960, để có tài liệu đáng tin cậy cho Chính phủ làm căn cứ nghiên cứu chủ trương chính sách, kế hoạch đẩy mạnh công tác thủy lợi, đẩy mạnh nghề cá và chăn nuôi gia súc, nhằm phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, vượt bực và vững chắc, Chính phủ đã cho ghi vào chương trình điều tra thống kê năm 1960 của Nhà nước các cuộc điều tra tình hình cơ bản về thủy lợi, nuôi cá và chăn nuôi gia súc. Đây là những cuộc điều tra lớn thực hiện trên toàn miền Bắc, có phần đụng đến sinh hoạt của nhân dân, và đòi hỏi phải huy động nhiều cán bộ. Cho nên Liên bộ Thuỷ lợi – Nông lâm và Cục Thống kê trung ương quyết định thống nhất các cuộc điều tra thủy lợi, điều tra nuôi cá, điều tra gia súc thành một cuộc điều tra chung, thống nhất thời gian kế hoạch tiến hành, thống nhất lực lượng điều tra để vừa có đủ cán bộ thực hiện, vừa thuận lợi cho công tác của các địa phương.

II. TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO CUỘC ĐIỀU TRA.

a) Tổ chức lãnh đạo ở các cấp.

Các cuộc điều tra này do Thủ tướng phủ ban hành, các ngành thủy lợi, nông lâm và thống kê chịu trách nhiệm huy động lực lượng cán bộ tổ chức và chỉ đạo cuộc điều tra.

Ở trung ương, thành lập Ban chỉ đạo điều tra trung ương gồm:

- Đại diện Cục Thống kê trung ương …………… Trưởng ban

- Đại diện Bộ Thủy lợi ………………………….. Ủy viên thường trực

- Đại diện Bộ Nông lâm ………………………… Ủy viên

Bộ Thủy lợi chịu trách nhiệm thường trực cho Ban chỉ đạo điều tra trung ương.

Cuộc điều tra này tiến hành toàn diện, tổng hợp nhiều ngành trong lúc ở địa phương đang có nhiều công tác quan trọng như chuẩn bị Đại hội Đảng, chuẩn bị sơ kết Đông xuân, phát động vụ mùa, bầu cử Quốc hội…

Để đảm bảo cuộc điều tra và các mặt công tác khác đạt kết qủa tốt, các cấp ủy Đảng cần trực tiếp lãnh đạo, Ủy ban hành chính các cấp cần đứng ra tổ chức và chỉ đạo thống nhất cuộc điều tra trong địa phương mình với lực lượng tập trung của các ngành Thủy lợi, Nông lâm, Thống kê.

Nếu cử một Ủy viên trong Ủy ban hành chính đặc trách chỉ đạo công tác này và cần thành lập Ban chỉ đạo điều tra các cấp gồm:

Đại diện Ủy ban hành chính…Trưởng ban.

Đại diện Thủy lợi ………….. Ủy viên thường trực

 Đại diện Nông lâm ………… Ủy viên

 Đại diện thống kê ………….. Ủy viên

Riêng Ban chỉ đạo điều tra ở xã, ngoài thành phần đã quy định trên cần mời thêm đại diện của Nông hội xã, ban thuế nông nghiệp, địa chính xã.

b) Nhiệm vụ Ban chỉ đạo điều tra các cấp:

Ban chỉ đạo điều tra trung ương có nhiệm vụ:

- Thống nhất yêu cầu mục đích nội dung các cuộc điều tra, điều chỉnh và phối hợp yêu cầu điều tra giữa các ngành, xây dựng và phổ biến phương án điều tra.

- Chỉ đạo thực hiện cuộc điều tra: huy động lực lượng, đôn đốc các ngành góp cán bộ, phân phối cán bộ kiểm tra giúp đỡ các tỉnh, theo dõi tình hình thông báo kịp thời.

- Tổng hợp kết quả điều tra và tổng kết công tác.

Ban chỉ đạo điều tra từ tỉnh đến xã:

- Căn cứ vào phương án, kế hoạch điều tra của cấp trên, nghiên cứu phương án kế hoạch cho địa phương, trong đó chú ý vấn đề chia vùng chọn xã điển hình điều tra chăn nuôi (đối với Ban chỉ đạo điều tra ở huyện, tỉnh).

[...]