BỘ NGOẠI GIAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
05/2014/TB-LPQT
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 01 năm 2014
|
THÔNG BÁO
VỀ
VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại Khoản 3, Điều
47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại
giao trân trọng thông báo:
Thỏa thuận về phát triển trung tâm Pháp - Việt đào
tạo về quản lý giai đoạn 2013 - 2018 giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp, ký tại Pari ngày 03 tháng 12
năm 2013, có hiệu lực kể từ ngày 03 tháng 12 năm 2013.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Thỏa thuận
theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Ngự
|
THỎA THUẬN
GIỮA
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA
PHÁP VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM PHÁP - VIỆT ĐÀO TẠO VỀ QUẢN LÝ GIAI ĐOẠN 2013
- 2018
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp, sau đây gọi tắt là "hai bên";
- Căn cứ Hiệp định Hợp tác Văn hóa, Khoa học và Kỹ
thuật được ký kết giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa
Pháp ngày 27 tháng 5 năm 1981;
- Tiếp theo Thỏa thuận về việc thành lập Trung tâm
Pháp-Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG) được ký ngày 11 tháng 4 năm 1992; và Thỏa
thuận ngày 25 tháng 11 năm 2008 về việc phát triển Trung tâm Pháp-Việt Đào tạo
về Quản lý giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ
nước Cộng hòa Pháp;
- Khẳng định mong muốn tiếp tục và tăng cường nỗ lực
của mỗi Bên trong việc thúc đẩy CFVG đa dạng hóa các loại hình đào tạo về quản
lý trong bối cảnh hội nhập kinh tế của Việt Nam,
đã thỏa thuận các điều khoản sau:
Điều 1. Điều khoản chung
1. Hai Bên quyết định tiếp tục phát triển Trung tâm
Pháp - Việt đào tạo về Quản lý (CFVG) được thành lập năm 1992 theo Thỏa thuận
giữa hai Chính phủ, để CFVG đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của một cơ sở
đào tạo quốc tế về quản lý.
2. Về mặt hành chính, CFVG có hai cơ sở: CFVG Hà Nội
(CFVG-HN) là một đơn vị thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD), CFVG
Tp Hồ Chí Minh (CFVG-TpHCM) là một đơn vị thuộc Trường Đại học Kinh tế Tp Hồ
Chí Minh (ĐH KT TpHCM). Cả hai cơ sở có cơ chế hoạt động đặc thù được quy định
tại các Điều 5, 6 và 7 của Thỏa thuận này, và thống nhất về mặt đào tạo và
nghiên cứu khoa học.
3. Về mặt sư phạm và khoa học, CFVG được sự hỗ trợ
của hai trường đại học chủ nhà và của Nhóm các trường đối tác khoa học Pháp, hoạt
động của Nhóm này do Phòng Thương mại và Công nghiệp (CCI) Vùng Paris
Ile-de-France, với tư cách là cơ quan thực hiện đề án CFVG của Bên Pháp, điều
phối.
4. CFVG có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản
riêng, hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và không vì mục
đích lợi nhuận.
5. Hai Bên ủng hộ việc soạn thảo trong thời hạn từ
02 đến 03 năm một đề án phát triển bền vững CFVG trên cơ sở các quy định hiện
hành của pháp luật Việt Nam.
Điều 2: Mục tiêu
Mục tiêu của CFVG là nhằm đóng góp vào sự phát triển
kinh tế của Việt Nam thông qua hoạt động sáng tạo và phổ biến kiến thức về quản
lý, đặc biệt là các chương trình đào tạo và nghiên cứu quốc tế chất lượng cao.
Điều 3. Phạm vi hoạt động
1. Đào tạo trình độ Thạc sỹ và Tiến sỹ về quản lý.
2. Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ về quản lý.
3. Triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng
dụng.
4. CFVG chú trọng phát triển quan hệ về mặt khoa học
với hai trường đại học chủ nhà thông qua ba mảng hoạt động được nêu ở các khoản
1, 2 và 3 của Điều này.
Điều 4. Các chương trình đào tạo
cấp bằng
1. Hai Bên nhất trí tiếp tục phát triển các chương
trình đào tạo cấp bằng đang được triển khai tại CFVG, bao gồm:
a) Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA - Master of Business
Administration);
b) Thạc sỹ Kinh tế Ngân hàng và Tài chính (MEBF -
Master in Economics of Banking and Finance);
c) Thạc sỹ Marketing Bán hàng và Dịch vụ (MMSS -
Master in Marketing Sales and Services);
d) Tiến sỹ về Quản lý.
2. Hai Bên khuyến khích CFVG mở rộng các chương
trình đào tạo trình độ Thạc sỹ và Tiến sỹ trên cơ sở xem xét năng lực đào tạo
và các điều kiện đảm bảo chất lượng của CFVG cũng như kết quả khảo sát nhu cầu
đào tạo của Việt Nam.
Thể thức tiến hành các chương trình này do Ban Giám
đốc CFVG, Ban Giám hiệu các trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế Tp
Hồ Chí Minh và các trường đối tác liên quan trong Nhóm các trường hỗ trợ khoa học
cùng xác định. Mỗi chương trình đều phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cấp
phép.
3. Hai Bên nhất trí việc CFVG mở rộng quan hệ hợp
tác với các trường đối tác Việt Nam và nước ngoài để triển khai các chương
trình trao đổi giảng viên, học viên và tổ chức các chương trình đào tạo phối hợp
tại Việt Nam và nước ngoài. Học viên tốt nghiệp các chương trình này ở trình độ
Thạc sỹ (Master) được xét cấp hai văn bằng nếu thỏa mãn các điều kiện cấp bằng
theo quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam và của Pháp.
Điều 5. Ủy ban Định hướng
(UBĐH)
1. UBĐH là cấp định hướng chiến lược của CFVG. UBĐH
do hai đại diện của hai Chính phủ làm Đồng Chủ tịch và bao gồm:
a) 07 đại diện của Bên Pháp: Đại sứ Pháp tại Việt
Nam, Đồng Chủ tịch UBĐH; Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa của Đại sứ quán
Pháp; Tham tán Kinh tế của Đại sứ quán Pháp; Tùy viên Hợp tác Khoa học và Đại học
Đại sứ quán Pháp; Phó Chủ tịch Đào tạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp
(CCI) Vùng Paris Ile-de-France; Phó Tổng Giám đốc phụ trách Giáo dục, Đào tạo
và Nghiên cứu của CCI Vùng Paris Ile-de-France; và 01 đại diện Pháp của Hội đồng
Tư vấn Doanh nghiệp CFVG.
b) 07 đại diện của Bên Việt Nam: Thứ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo (BGD-ĐT), Đồng Chủ tịch UBĐH; 04 đại diện lãnh đạo các đơn vị có
liên quan của BGD-ĐT; Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD; Hiệu trưởng Trường ĐH KT
TpHCM.
c) Các đại diện có thể ủy nhiệm bằng văn bản người
thay thế khi vắng mặt.
2. UBĐH có các chức năng và nhiệm vụ sau:
a) Xác định những định hướng lớn của CFVG;
b) Phê duyệt kế hoạch phát triển chiến lược 05 năm,
ngân sách và kế hoạch sử dụng ngân sách hàng năm trên cơ sở báo cáo thực hiện
ngân sách của năm trước;
c) Cử các Giám đốc cho nhiệm kỳ hai năm có thể gia
hạn. Các Giám đốc người Pháp được cử trên cơ sở đề nghị của Bên Pháp. Các Giám
đốc người Việt Nam được cử trên cơ sở đề nghị của Bên Việt Nam. Các Giám đốc có
thể được thay thế giữa nhiệm kỳ theo quyết định chung của hai Đồng Chủ tịch
UBĐH.
3. UBĐH họp mỗi năm một lần, ở Pháp hoặc ở Việt Nam
và do hai Đồng Chủ tịch cùng điều hành. Các giám đốc CFVG tham dự họp nhưng
không có quyền biểu quyết.
Giữa các kỳ họp, trong trường hợp cần thiết, hai Đồng
Chủ tịch triệu tập cuộc họp UBĐH với một cơ cấu hạn chế nhưng không ít hơn 50%
tổng số đại diện của mỗi Bên và đảm bảo nguyên tắc số đại biểu ngang bằng của mỗi
Bên.
Trong trường hợp phải giải quyết kịp thời một số vấn
đề cấp bách liên quan đến các hoạt động của CFVG nhưng không có điều kiện họp
UBĐH rút gọn, hai Đồng Chủ tịch có quyền ra quyết định trên cơ sở xem xét đề
nghị của Ban Giám đốc CFVG.
Điều 6. Ban Giám đốc
1. Cơ cấu Ban Giám đốc
a) CFVG hoạt động theo cơ chế đồng giám đốc.
b) Ban Giám đốc CFVG gồm có 04 người: một Đồng Giám
đốc người Pháp và một Đồng Giám đốc người Việt Nam của CFVG Hà Nội; một Đồng
Giám đốc người Pháp và một Đồng Giám đốc người Việt Nam của CFVG Tp Hồ Chí
Minh.
2. Tiêu chí tuyển chọn đồng giám đốc
Các Đồng Giám đốc phải có trình độ Tiến sỹ và kinh
nghiệm trong quản lý, có trách nhiệm và quyền hạn ngang nhau trong việc triển
khai các hoạt động của CFVG trong khuôn khổ Thỏa thuận này.
3. Chức năng và nhiệm vụ của Ban Giám đốc
a) Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quyết định
của Ủy ban Định hướng và triển khai các chương trình đào tạo và nghiên cứu và
các hoạt động khác của CFVG;
b) Chuẩn bị kế hoạch chiến lược phát triển 5 năm,
báo cáo hoạt động thường niên, các báo cáo thực hiện ngân sách và dự toán ngân
sách trình Ủy ban Định hướng;
c) Chỉ định các Chủ nhiệm chương trình đào tạo và
nghiên cứu.
4. Phương thức hoạt động của Ban Giám đốc
Ban Giám đốc CFVG ra các quyết định dựa trên nguyên
tắc thỏa thuận chung (không biểu quyết).
Điều 7. Các tổ chức hỗ trợ CFVG
1. Nhóm hỗ trợ khoa học tập hợp các trường đối tác
khoa học Pháp của CFVG. Nhóm này họp mỗi năm 01 lần, xét duyệt các đề án mở
chương trình đào tạo mới và sửa đổi các chương trình hiện có.
2. Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp (HĐTVDN) tập hợp
các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài có quan tâm đến các hoạt động của CFVG,
với thành phần ngang nhau về số lượng, HĐTVDN có một bộ phận ở Hà Nội và một bộ
phận ở Tp Hồ Chí Minh. HĐTVDN hỗ trợ CFVG trong việc xác định những lĩnh vực có
triển vọng và tăng cường sự gắn kết giữa các chương trình đào tạo của CFVG và
nhu cầu của các doanh nghiệp. HĐTVDN đề xuất các ý kiến tư vấn đối với Ban Giám
đốc và Ủy ban Định hướng CFVG.
Điều 8. Cơ sở vật chất và tài
chính
1. Nguồn kinh phí hoạt động của CFVG bao gồm:
a) Khoản thu học phí và các khoản thu hợp pháp khác
của CFVG;
b) Khoản hỗ trợ của Chính phủ Pháp như nêu tại khoản
5 của Điều này;
c) Khoản hỗ trợ của các tổ chức quốc tế;
d) Đóng góp của các doanh nghiệp và cá nhân;
e) Các khoản tài chính khác.
2. Các khoản chi của CFVG bao gồm:
a) Các khoản chi thường xuyên của CFVG cho các hoạt
động đào tạo và nghiên cứu khoa học như đã nêu tại các khoản ở Điều 3, bao gồm
cả các chi phí quản lý cho hai trường đại học chủ nhà Việt Nam và các trường đối
tác của CFVG;
b) Các chi phí đầu tư để phát triển CFVG: xây dựng
và cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm tài sản cố định, trang thiết bị;
c) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật
Việt Nam.
3. CFVG được mở các tài khoản ngân hàng bằng ngoại
tệ, bằng tiền đồng Việt Nam và thực hiện chế độ kiểm toán độc lập hàng năm. Báo
cáo kiểm toán phải được gửi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Đại sứ quán
Pháp tại Việt Nam.
4. Mức học phí của từng chương trình và chi phí quản
lý trả cho các trường đại học do Ban Giám đốc CFVG xác định và trình UBĐH phê
duyệt.
5. Bên Pháp và Phòng Thương mại và Công nghiệp
(CCI) Vùng Paris Ile-de-France tiếp tục hỗ trợ phát triển các hoạt động cũng
như tính chất quốc tế các chương trình của CFVG. Trong thời gian hiệu lực của
Thỏa thuận này, Bên Pháp cung cấp và đảm nhận trả lương một chuyên gia kỹ thuật
quốc tế đảm trách cương vị Đồng Giám đốc Pháp ở Hà Nội, và Bên Pháp và Phòng
Thương mại và Công nghiệp (CCI) Vùng Paris Ile-de-France đảm nhận trả lương cho
Đồng Giám đốc Pháp ở Tp Hồ Chí Minh. Bên Pháp tạo điều kiện thuận lợi cho học
viên và giảng viên người Việt Nam đi công tác.
6. Bên Việt Nam cam kết cung cấp các phòng học và
phòng làm việc đáp ứng nhu cầu của các chương trình đào tạo của CFVG.
Điều 9. Hỗ trợ nhập cảnh, lưu
trú và nhập khẩu
1. Bên Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập
cảnh và lưu trú của giảng viên, nhân viên, cộng tác viên và học viên người Pháp
và gia đình họ trong thời gian công tác, học tập hoặc thực tập tại CFVG, theo
quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Ngược lại, Bên Pháp tạo điều kiện thuận lợi cho
giảng viên, nhân viên, cộng tác viên, học viên người Việt Nam của CFVG sang
Pháp công tác, học tập hoặc thực tập, theo quy định của pháp luật Pháp.
3. Bên Việt Nam cho phép nhập khẩu miễn thuế những
mặt hàng phục vụ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của CFVG và cho
sinh hoạt cá nhân của các giảng viên, nhân viên người Pháp làm việc tại CFVG
(trừ các loại thuế ô-tô), theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 10. Điều khoản cuối cùng
1. Thỏa thuận này thay cho Thỏa thuận về việc phát
triển Trung tâm Pháp-Việt đào tạo về quản lý (CFVG) ký ngày 25 tháng 11 năm
2008 giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng
hòa Pháp. Thỏa thuận này có hiệu lực kể từ ngày ký, có giá trị trong thời hạn 05
(năm) năm.
2. Mỗi Bên có thể từ bỏ Thỏa thuận này bằng việc gửi
thông báo bằng văn bản cho Bên kia với thời hạn báo trước 06 (sáu) tháng.
3. Các Bên có thể sửa đổi Thỏa thuận này khi đạt được
sự đồng thuận.
4. Trong trường hợp Thỏa thuận này bị bãi bỏ hay hết
thời gian hiệu lực mà không được gia hạn hay ký lại, hai Bên cho phép CFVG tiếp
tục thực hiện các khóa học cho đến khi kết thúc. Việc quyết định xử lý tài sản
của CFVG sẽ là nội dung của một văn bản ký kết đặc biệt giữa hai Bên.
5. Mọi bất đồng về giải thích và thực hiện Thỏa thuận
này cần được giải quyết thông qua con đường thương lượng.
Làm tại Paris, ngày 03 tháng 12 năm 2013, thành hai
(02) bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, cả hai văn bản có giá trị như
nhau.
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Trần Quang Quý
Thứ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo
|
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA PHÁP
Anne Grillo
Vụ trưởng
Vụ Hợp tác Văn hóa, Đại học và Nghiên cứu Bộ Ngoại giao
|