Thông báo 85/TB-VPCP năm 2019 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 85/TB-VPCP
Ngày ban hành 08/03/2019
Ngày có hiệu lực 08/03/2019
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sỹ Hiệp
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2019

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TỈNH BÌNH DƯƠNG

Ngày 14 tháng 02 năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về kinh tế - xã hội năm 2018, nhiệm vụ năm 2019 và một số kiến nghị của Tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Tỉnh, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn và những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương trong thời gian qua. Năm 2018, Tỉnh có 27/29 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó: Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 8,68%; thu nhập bình quân đầu người 130,8 triệu đồng; tỷ trọng công nghiệp chiếm 63,87%, dịch vụ chiếm 23,94%, nông nghiệp chiếm 3,08%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,11% trong cơ cấu kinh tế; thu ngân sách 50.373 tỷ đồng; xuất khẩu đạt 25,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,6%; thu hút 2,204 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, lũy kế đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 3.523 dự án với số vốn đăng ký 32,3 tỷ USD (đứng thứ 3 cả nước). Tỉnh đã tổ chức thành công một số sự kiện quốc tế, quốc gia quan trọng như: phối hợp với thành phố Daejeon (Hàn Quốc) - Chủ tịch WTA tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Đô thị Khoa học Thế giới (WTA) và Diễn đàn Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018; Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Horasis.

Các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, việc làm có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, chính sách người có công với cách mạng, các đối tượng xã hội, hộ nghèo được quan tâm. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn ngày một nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,62% và hộ cận nghèo chiếm 0,99% theo bộ tiêu chí giai đoạn 2018-2020 của Tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 79,95%. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để doanh nghiệp, người dân sinh sống và sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, Tỉnh chưa khai thác hết lợi thế vị trí gần thành phố Hồ Chí Minh để phát triển các dịch vụ chất lượng cao, nhất là dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và đô thị; cơ sở vật chất giáo dục, y tế, nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp và người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và hội nhập quốc tế.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI:

1. Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà nghị quyết tỉnh Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra; triển khai chương trình hành động với các giải pháp phù hợp triển khai, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm 2019.

2. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên và lao động phổ thông. Phát triển các ngành, sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao, nhất là dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại điện tử, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, bất động sản, đào tạo nhân lực, phấn đấu tăng trưởng dịch vụ phải cao hơn tăng trưởng GRDP.

3. Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước và đội ngũ cán bộ công chức.

4. Thực hiện tốt các chính sách người có công, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục thành công và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới; nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân và tỷ lệ bác sĩ, phát triển y tế chất lượng cao. Nhấn mạnh việc xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân, người lao động. Chú trọng công tác tư pháp, thi hành án, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:

1. Về đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt kết nối vùng: Giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành thí điểm việc cắm mốc ngoài thực địa theo quy hoạch; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Về dự án nâng cấp cầu Bình Lợi: Tỉnh chủ động phối hợp tạo điều kiện thuận lợi; Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hỗ trợ Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Phấn đấu hoàn thành phần cầu trước ngày 30 tháng 4 năm 2019.

3. Về nạo vét, thanh thải đá ngầm trên luồng đường thủy sông Đồng Nai: Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 69/TB-VPCP ngày 08 tháng 02 năm 2017, hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2019.

4. Về việc bố trí các nguồn vốn đầu tư cho một số công trình giao thông kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (cầu Bạch Đằng 2, đường Thủ Biên - Đất Cuốc): Bộ Giao thông vận tải chủ trì, làm việc với tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai về chủ trương đầu tư dự án này, xác định cụ thể địa phương là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án, kiến nghị việc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để thực hiện dự án.

Đối với việc sử dụng vốn ODA: Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xây dựng, đề xuất dự án cụ thể và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Về bổ sung vốn đầu tư dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đê bao An Tây - Phú An và Tân An - Chánh Mỹ: Tỉnh có văn bản báo cáo gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.

6. Về đề xuất hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cải tiến, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất của Công ty TNHH Minh Long 1: Giao Văn phòng Chính phủ trong tháng 3 năm 2019, mời các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và các cơ quan liên quan dự cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì, để xem xét, giải quyết theo quy định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC, GTVT, CT, YT, NN&PTNT, TN&MT, LĐTB&XH, KH&CN, TP, NHNNVN;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký PTTgCP Vương Đình Huệ, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, CN, NN, QHQT;
- Lưu: VT, QHĐP (3b) Tùng.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp