Thông báo 69/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 69/TB-VPCP
Ngày ban hành 08/02/2017
Ngày có hiệu lực 08/02/2017
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Văn Tùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TỈNH BÌNH DƯƠNG

Ngày 01 tháng 01 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về kinh tế - xã hội năm 2016, nhiệm vụ năm 2017 và một số kiến nghị của Tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Tỉnh, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, khắc phục khó khăn và những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương. Trong 20 năm qua, Tỉnh đã tích cực, chủ động, khai thác lợi thế, tiềm năng, từ một tỉnh có quy mô kinh tế nhỏ, đến nay đã trở thành một trong những địa phương có ngành công nghiệp phát triển, có thành tích tốt về nhiều mặt: Đến năm 2015 quy mô kinh tế tăng gấp 12,4 lần so với năm đầu sau khi chia tách tỉnh; vốn đầu tư FDI đạt 25,7 tỷ USD với 2.827 dự án. Năm 2016, tổng sản phẩm địa phương tăng 8,5%, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm gần 90% trong cơ cấu kinh tế; xuất khẩu đạt 24,3 tỷ USD; là địa phương được đánh giá cao trong việc xã hội hóa các nguồn lực để phát triển.

Tỉnh coi trọng an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện; đã thực hiện tốt chính sách người có công, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, bước đầu quan tâm đến nhà ở cho công nhân. Là địa phương đi đầu về cải cách hành chính với nhiều mô hình sáng tạo; Trung tâm hành chính tập trung hoạt động hiệu quả. Phòng chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí được tập trung chỉ đạo. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, Bình Dương chưa khai thác hết lợi thế là cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh để phát triển các dịch vụ chất lượng cao, các dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và đô thị. Phát triển chủ yếu vẫn theo chiều rộng, chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm chất lượng cao. Đời sống của một bộ phận công nhân tại các khu công nghiệp còn khó khăn.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI:

1. Bình Dương phấn đấu trở thành một đầu tàu kinh tế của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo được đột phá về môi trường đầu tư kinh doanh, một điểm đến cho các nhà đầu tư với nhiều ý tưởng sáng tạo; là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, thành phố thông minh. Đồng thời làm tốt các quy hoạch nhất là quy hoạch đô thị, giao thông, không để tình trạng ùn tắc giao thông, cản trở phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.

2. Phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, khoáng sản và lao động phổ thông. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường; các ngành, sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao, nhất là dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại điện tử, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, bất động sản, đào tạo nhân lực; phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết theo chuỗi sản xuất nông sản an toàn.

3. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, Bình Dương phải trở thành một trung tâm khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp thành công của vùng Đông Nam bộ và cả nước để đến năm 2020 đạt 50 nghìn doanh nghiệp.

4. Thực hiện tốt các chính sách người có công, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa, lành mạnh; quan tâm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân ở các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp, người dân đang sống và làm việc tại tỉnh được hưởng những thành tựu của sự phát triển. Quan tâm phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội. Tỉnh phấn đấu đến năm 2018 hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

5. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức; xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, quan liêu, vi phạm pháp luật. Sớm hoàn thiện Đề án thành phố thông minh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

6. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội và cuộc sống bình yên cho nhân dân trên địa bàn; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; quan tâm, chăm lo thiết thực cho các gia đình chính sách, người lao động. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:

1. Về việc điều chỉnh tiêu chí mật độ dân số của Tỉnh: Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh tiêu chí dân số phù hợp với đơn vị cấp Tỉnh nâng cấp lên thành phố trực thuộc Trung ương để Tỉnh triển khai thực hiện.

2. Về sử dụng nguồn vượt thu ngân sách địa phương năm 2015 để đầu tư một số công trình trọng điểm, cấp bách trên địa bàn: Đồng ý chủ trương, giao Bộ Tài chính đề xuất xử lý cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Về sử dụng toàn bộ nguồn thu từ bán cổ phần các doanh nghiệp nhà nước đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh: Tỉnh lập các dự án cụ thể gửi Bộ Tài chính để chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất việc hỗ trợ Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Về việc chỉ định nhà đầu tư Dự án đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng theo hình thức BT: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Về việc thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án Sửa chữa, nâng cấp tuyến đê bao An Tây - Phú An và Tân An - Chánh Mỹ: Tỉnh lập dự án tiền khả thi, đề xuất nguồn vốn và hình thức đầu tư phù hợp, thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật đầu tư công.

6. Về thành lập thêm các đồn Công an tại các Khu công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố: Đồng ý về nguyên tắc, Bộ Công an căn cứ tiêu chí thành lập đồn Công an tại các khu công nghiệp, bảo đảm không tăng biên chế lực lượng Công an và xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

7. Về việc hỗ trợ đầu tư các công trình trọng điểm (sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ cho dự án xây dựng cầu Bạch Đằng 2; vốn ODA đầu tư dự án đường Thủ Biên - Đất Cuốc và dự án tuyến xe buýt nhanh Thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên; vốn thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đầu tư tuyến đường Bắc Nam 3 và đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài): Giao các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải xem xét, xử lý theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

8. Về việc đẩy nhanh thi công cầu Bình Lợi trên sông Sài Gòn; triển khai dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4; cắm và bàn giao mốc lộ giới tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh; khởi động lại dự án đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Bình Dương: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và Tỉnh xem xét, xử lý để đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện.

9. Về xử lý các bãi đá ngầm trên sông Đồng Nai: Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xử lý các bãi đá ngầm sông Đồng Nai đảm bảo an toàn giao thông đường thủy và nâng cao công suất vận chuyển hàng hóa.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: CA, KH&ĐT, TC, GTVT, CT, XD, NN&PTNT, TN&MT, LĐTB&XH;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, CN, NN, KGVX, V.I, NC, QHQT;
- Lưu: VT, QHĐP (3b) Tùng.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Tùng

 

[...]