Thông báo 7563/TB-BNN-VP năm 2014 ý kiến kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy khai thác và xuất khẩu cá ngừ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 7563/TB-BNN-VP
Ngày ban hành 19/09/2014
Ngày có hiệu lực 19/09/2014
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Trần Quốc Tuấn
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 7563/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 2014

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG CAO ĐỨC PHÁT TẠI HỘI NGHỊ BÀN GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY KHAI THÁC VÀ XUẤT KHẨU CÁ NGỪ

Ngày 13 tháng 9 năm 2014, tại tỉnh Phú Yên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy khai thác và xuất khẩu cá ngừ. Bộ trưởng Cao Đức Phát và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên Đào Tấn Lộc đã chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, Hiệp hội cá ngừ, đại diện một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ và đại diện ngư dân khai thác cá ngừ của 3 tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT (Tổng cục Thủy sản; Cục Chế biến Nông, lâm, thủy sản và nghề Muối, Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng Bộ; đại diện Hội nghề cá Việt Nam, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam; đại diện Ngân hàng nhà nước, UBND các huyện ven biển tỉnh Phú Yên; một số cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình.

Trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Thủy sản, báo cáo của các tỉnh và ý kiến của các đại biểu dự họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát có ý kiến kết luận như sau:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương thống nhất tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Đây là chủ trương đúng, hướng tới nâng cao chất lượng cá đánh bắt được và hiệu quả của cả chuỗi sản xuất kinh doanh.

2. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai Đề án, đã xây dựng cơ chế chính sách; điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường; xây dựng mô hình hỗ trợ ngư dân áp dụng kỹ thuật và thiết bị mới; xúc tiến thương mại tại thị trường Nhật; tổ chức liên kết giữa doanh nghiệp và ngư dân... Tuy nhiên công việc mới được khởi động nên chưa được đồng bộ và diện áp dụng còn hẹp.

3. Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi cần triển khai thực hiện các biện pháp như sau:

a) Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, các doanh nghiệp đầu mối nắm bắt kỹ hơn yêu cầu của thị trường Nhật và thị trường khác để xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, quy trình đánh bắt, bảo quản cá ngừ để phổ biến cho ngư dân, lưu ý các quy định của IUU, EII…;

b) Hướng dẫn cơ chế chính sách để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất thiết bị câu, sơ chế, bảo quản cá ngừ; hỗ trợ và khuyến khích ngư dân đầu tư thiết bị mới trang bị cho tàu cá như máy thu câu, xung điện, thiết bị bảo quản cá ngừ...;

c) Tổ chức tập huấn, phổ biến các kinh nghiệm, sáng kiến cho ngư dân về kỹ thuật khai thác, bảo quản và chế biến cá ngừ của Nhật.

d) Tổ chức tổ đội sản xuất liên kết với doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ (Công ty cổ phần Bá Hải, Công ty YANMAR...);

đ) Tổ chức tàu dịch vụ, xây dựng tiêu chuẩn và kiểm soát chất lượng nước đá bảo quản hải sản và cá ngừ, hướng dẫn sử dụng nước đá để đảm bảo chất lượng cá ngừ;

e) Triển khai đồng bộ các giải pháp khác:

- Điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường làm cơ sở để quy hoạch nghề khai thác, định hướng đóng mới, cải hoán tàu khai thác cá ngừ, cơ cấu lại các đội tàu khai thác trên biển;

- Hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu cá, ưu tiên cải hoán, đóng tàu hậu cần theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản;

- Xây dựng 3 cảng cá chuyên dụng, cơ sở hậu cần nghề cá ở 3 tỉnh thực hiện Đề án;

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, trước hết là với Nhật Bản (đề nghị JICA hỗ trợ dự án);

- Phát huy vai trò của các tổ chức Hội, Hiệp hội trong việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn; xúc tiến thương mại; xây dựng tổ đội sản xuất và liên kết với doanh nghiệp; tuyên truyền phổ biến chính sách, quy định và tiến bộ kỹ thuật mô hình tiến tiến trong khai thác, bảo quản, xuất khẩu cá ngừ...

4. Về đề nghị của các địa phương:

a) Về việc công bố tiêu chí, mẫu tàu đánh bắt cá ngừ, tàu dịch vụ hậu cần: Bộ ghi nhận, giao Tổng cục Thủy sản khẩn trương tổ chức nghiên cứu, công bố.

b) Về việc công nhận cơ sở đóng tàu: Đề nghị các tỉnh lựa chọn, công nhận tạm thời một số doanh nghiệp và hướng dẫn doanh nghiệp bổ sung điều kiện để đạt yêu cầu theo Thông tư số 26/2014/TT-BNNPTNT ngày 25/8/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị đối với cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá.

c) Về việc ban hành quy định về thủ tục bảo hiểm, các quy định, quy trình, thủ tục thực hiện các chính sách theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP: Bộ ghi nhận để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính.

d) Về đề nghị có dự án hỗ trợ kỹ thuật của Nhật Bản: Bộ ghi nhận, giao Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với Tổng cục Thủy sản tiếp tục đàm phán với phía Nhật Bản, JICA để sớm có chính sách, dự án hỗ trợ.

đ) Về việc mô tả vị trí việc làm trên tàu và đào tạo thuyền viên theo vị trí làm việc: Giao Tổng cục Thủy sản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện.

g) Về việc thành lập Ban Chỉ đạo để tổ chức triển khai Đề án thống nhất giữa Bộ và 3 tỉnh thực hiện đề án: Bộ giao Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám làm Trưởng ban, Tổng cục Thủy sản là đơn vị Trường trực, đề nghị mỗi Tỉnh giao 01 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tham gia Ban chỉ đạo.

Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.

 

[...]