Thông báo 7077/TB-BNN-VP năm 2018 về ý kiến kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 7077/TB-BNN-VP
Ngày ban hành 12/09/2018
Ngày có hiệu lực 12/09/2018
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Trần Quốc Tuấn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7077/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2018

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG NGUYỄN XUÂN CƯỜNG TẠI HỘI NGHỊ “SƠ KẾT SẢN XUẤT, TIÊU THỤ CÁ TRA VÀ TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN GIỐNG CÁ TRA 3 CẤP”

Ngày 21 tháng 8 năm 2018, tại Hội trường Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh An Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị “Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp”; Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Công an (A86, C46), lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học An Giang, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội cá tra Việt Nam (VPA), UBND thành phố Cần Thơ, UBND tỉnh An Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ngành hàng cá tra và các cơ quan thông tấn báo chí.

Sau khi nghe báo cáo của Tổng cục Thủy sản, VASEP, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và các ý kiến tham luận, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận như sau:

Những năm qua, ngành hàng cá tra đã phát huy lợi thế tiềm năng tự nhiên, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống, ứng dụng linh hoạt các thành tựu về khoa học công nghệ, nỗ lực phấn đấu và đã có những bước tiến vượt bật; đến nay, đã hình thành ngành kinh tế cá tra rất chuyên nghiệp, sản xuất kinh doanh hiệu quả, đạt giá trị xuất khẩu hàng năm lên đến 1,8 tỷ USD, đem lại việc làm, thu nhập cho hàng chục ngàn lao động vùng ĐBSCL. Trong 7 tháng đầu năm 2018, mặc dù phải đối mặt với một số khó khăn từ các rào cản của thị trường nhập khẩu, ngành hàng cá tra vẫn đạt tăng trưởng ở mức rất cao: sản lượng cá nuôi đạt 814 ngàn tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là kết quả rất lớn, có sự đóng góp của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, của chính quyền địa phương các tỉnh ĐBSCL.

Tuy nhiên, nếu xét từng mặt cụ thể, thì ngành hàng vẫn chưa phát triển bền vững như: chất lượng con giống vẫn chưa được cải thiện đáng kể; công tác tổ chức sản xuất chưa tốt; sản phẩm vẫn còn đơn giản, ít chủng loại; giá trị kết tinh trong sản phẩm chưa cao; các hội, hiệp hội vẫn chưa tập hợp được sức mạnh để chủ động bảo vệ quyền lợi hội viên, chưa có phản ứng mạnh mẽ, kịp thời trước các rào cản, các thách thức cạnh tranh từ thị trường nhập khẩu.

Hiện nay, tiềm năng phát triển ngành hàng cá tra còn lớn do xu thế sử dụng sản phẩm thủy sản ngày càng cao, trong khi lợi thế cạnh tranh của ngành hàng còn dồi dào; cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và các thành tựu khoa học công nghệ mới đang tạo ra sự thay đổi nhanh chóng, có thể làm thay đổi quan niệm, quy trình sản xuất truyền thống. Trước bối cảnh hội nhập quốc tế, để hoàn thành kế hoạch của ngành, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cần triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong toàn chuỗi sản xuất để sẵn sàng cạnh tranh trên nhiều mặt như: quy trình sản xuất tiên tiến, giá thành hạ, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, chủng loại sản phẩm đa dạng v.v..

2. Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giống cá tra theo hướng nhà nước và nhân dân cùng làm; cần triển khai tốt Đề án giống cá tra 3 cấp vừa được phê duyệt; khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư, hình thành các đơn vị nghiên cứu, chọn tạo giống gốc theo các dòng sản phẩm khác nhau như: tỷ lệ thịt/mỡ, màu sắc phile, mùi vị, chất lượng thịt v.v.. theo thị hiếu của mỗi thị trường, từ đó nhân lên thành giống thương mại phục vụ sản xuất; thử nghiệm mô hình ương cá giống 2 giai đoạn, ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến trong ương cá giống để giảm diện tích ương nhưng vẫn đáp ứng đủ số lượng giống chất lượng cao.

3. Tăng cường liên kết theo chuỗi để gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ, thông tin kịp thời các yêu cầu từ thị trường để chủ động sản xuất nguyên liệu phù hợp; đây cũng là giải pháp quan trọng để truy xuất nguồn gốc, thích ứng với thị trường và chống bôi nhọ sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh.

4. Các địa phương vùng ĐBSCL cần đánh giá, xác định lợi thế của cá tra trong chiến lược tái cơ cấu; từ đó có giải pháp huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, tổ chức sản xuất và sử dụng hợp lý tài nguyên để phát triển bền vững.

5. Hiệp hội Chế biến xuất khẩu Thủy sản, Hiệp hội cá tra Việt Nam cần có những hành động mạnh mẽ, phản ứng kịp thời với thông tin phản ánh chưa đúng sự thật về ngành hàng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên; đồng thời, các doanh nghiệp, người nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra cần tuân thủ nghiêm các quy định, hướng dẫn của Nhà nước.

6. Các doanh nghiệp nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra cần đoàn kết, hợp tác, thực hiện văn hóa chia sẻ trong kinh doanh, xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, bền vững.

7. Giao Vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ động làm việc với các đơn vị có liên quan để bố trí kinh phí triển khai thực hiện Đề án giống cá tra 3 cấp và Đề án sản phẩm quốc gia cá da trơn và sản phẩm từ cá da trơn đảm bảo tiến độ, đúng quy định.

8. Giao Tổng cục Thủy sản biên tập các báo cáo, các ý kiến tham luận tại Hội nghị thành Tài liệu Hội nghị và gửi các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh ĐBSCL và các đơn vị dự Hội nghị để chia sẻ thông tin, thống nhất nhận thức và hành động nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành hàng cá tra.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cảm ơn và ghi nhận các ý kiến góp ý tại Hội nghị; hiện nay, Bộ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành, sát cánh cùng các địa phương, doanh nghiệp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của ngành.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo để các đơn vị biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (để b/c);
- Thứ trưởng Hà Công Tuấn (để b/c);
- Bộ Công Thương, Bộ Công an (A86, C46);
- UBND các tỉnh/TP vùng ĐBSCL;
- Sở NN&PTNT các tỉnh/TP ĐBSCL;
- Các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT tham dự Hội nghị;
- Các Trường Đại học: Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh;
- VPA, VASEP;
- Lưu: VT, TCTS (50b);.

TL. BỘ TRƯỞNG
Q. CHÁNH VĂN PHÒNG




Trần Quốc Tuấn

 

4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ