Thông báo 6885/TB-BNN-VP năm 2015 ý kiến kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại Hội thảo phát triển nuôi tôm hùm bền vững khu vực miền Trung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 6885/TB-BNN-VP |
Ngày ban hành | 21/08/2015 |
Ngày có hiệu lực | 21/08/2015 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Trần Quốc Tuấn |
Lĩnh vực | Thương mại,Bộ máy hành chính |
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6885/TB-BNN-VP |
Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2015 |
Ngày 16 tháng 8 năm 2015 tại Khánh Hòa, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã chủ trì Hội thảo phát triển nuôi tôm hùm bền vững khu vực miền Trung.
Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổng cục Thủy sản, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Thú y, Văn phòng Bộ; các Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, III, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản; đại diện các Viện/Trường: Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang, Viện Công nghệ sinh học, Trường Đại học Nha Trang, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga Nha Trang; đại diện Lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT/Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; các cơ quan chuyên môn của trung ương và địa phương; các cơ quan thông tấn báo chí.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo và ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo, Thứ trưởng Vũ Văn Tám kết luận như sau:
Thời gian vừa qua, nuôi tôm hùm trở thành một nghề phát triển khá mạnh ở nước ta, chủ yếu ở các tỉnh duyên hải miền Trung, nhiều nhất là Khánh Hòa và Phú Yên. Tổng số lồng nuôi hiện nay hơn 53 nghìn lồng. Đối tượng nuôi chủ yếu gồm các loài: Tôm hùm bông (Panulirus ornatus), tôm hùm xanh (Panulirus homarus), tôm hùm sỏi (Panulirus stimpsoni) và tôm hùm đỏ (Panulirus longipes) nhưng chủ yếu vẫn là loài tôm hùm bông (Panulirus ornatus). Sản lượng năm 2014 đạt khoảng 1.600 tấn, đạt giá trị trên 3.500 tỷ đồng, về nghiên cứu khoa học tôm hùm, các Viện/Trường/Trung tâm đã tiến hành nhiều đề tài/dự án nghiên cứu và đạt được một số thành công nhất định.
Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, tồn tại: Chưa có quy hoạch tổng thể nuôi tôm hùm của vùng miền Trung và quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm một số tỉnh; chưa sản xuất được giống nhân tạo, đây là khó khăn lớn nhất của nghề nuôi tôm hùm, người nuôi chỉ dựa vào con giống khai thác từ tự nhiên và nhập khẩu; việc khai thác giống và nuôi thương phẩm chưa được quản lý chặt chẽ; công nghệ nuôi tôm hùm lồng vẫn áp dụng theo kiểu truyền thống, quy mô nhỏ; tình hình dịch bệnh xảy ra thường xuyên, chưa được kiểm soát; chưa sản xuất được thức ăn công nghiệp và ứng dụng để nuôi thương phẩm; chưa có doanh nghiệp quan tâm đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm, việc tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu gom và cung cấp cho thị trường Trung Quốc hoặc tiêu thụ nội địa.
Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm thời gian tới cần có các giải pháp căn cơ, hiệu quả và tập trung 03 nhóm vấn đề:
a) Giao Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu NTTS III xây dựng đề xuất chương trình nghiên cứu tổng thể về phát triển tôm hùm bền vững; trên cơ sở rà soát, bổ sung các kết quả đã nghiên cứu và tập hợp sự hỗ trợ của các nhà khoa học từ các Viện nghiên cứu NTTS III, Viện Hải dương học Nha Trang, Trường Đại học Nha Trang., để tư vấn xây dựng chương trình.
b) Về giống:
- Tiếp tục nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo tôm hùm, trên cơ sở rà soát, kế thừa các nghiên cứu khoa học trước tranh thủ sự hợp tác quốc tế, đặc biệt có sự hợp tác và liên kết với doanh nghiệp để có sản phẩm thương mại;
- Nghiên cứu môi trường và nguồn lợi tôm hùm, trong đó chú trọng bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống;
- Tiếp tục nghiên cứu xây dựng quy trình ương giống tôm hùm bông, nâng cao tỷ lệ sống, giảm tỷ lệ hao hụt;
- Kiểm dịch và giám sát chất lượng nguồn giống tôm hùm nhập khẩu.
c) Công nghệ nuôi
- Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia ứng dụng nuôi tôm hùm công nghệ cao; tiếp tục nghiên cứu công nghệ nuôi hiện đại trên biển và công nghệ nuôi trong bể áp dụng công nghệ cao; nghiên cứu chia giai đoạn ương nuôi.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp cho ương giống, nuôi thương phẩm tôm hùm; nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học bảo vệ sức khỏe, nâng cao sinh trưởng tôm hùm;
- Tăng cường trách nhiệm về công tác quan trắc môi trường và cảnh báo phòng chống dịch bệnh tại các vùng ương giống, nuôi thương phẩm tôm hùm với sự tham gia của các Viện nghiên cứu, địa phương, người nuôi và chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan.
a) Giao Tổng cục Thủy sản:
- Nghiệm thu quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm để trình Bộ phê duyệt trong tháng 9/2015; hướng dẫn các địa phương quy hoạch chi tiết vùng nuôi, kiểm soát đăng ký lồng/bè nuôi, phục vụ truy xuất nguồn gốc;
- Tông cục Thủy sản và các đơn vị của Bộ khẩn trương xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn/quy chuẩn còn thiếu về chất lượng giống, kỹ thuật nuôi thuộc chức năng nhiệm vụ của đơn vị;
- Phối hợp với các địa phương tổng kết/hướng dẫn các mô hình quản lý khai thác giống hiệu quả, bảo vệ nguồn lợi;
b) Giao Cục Thú y: Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh, xây dựng bản đồ dịch tễ; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm hùm và kiểm dịch tôm hùm giống nhập khẩu;
c) Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tăng cường quản lý bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống; kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống tôm hùm nhập khẩu và phối hợp với các cơ quan nghiên cứu trong công tác quan trắc môi trường, phòng trừ dịch bệnh.
- Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh nghiên cứu xúc tiến thị trường trong nước và nước ngoài; xem xét kỹ thị hiếu của thị trường để chỉ đạo sản xuất cho phù hợp;