Thông báo 485/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 485/TB-VPCP
Ngày ban hành 23/10/2024
Ngày có hiệu lực 23/10/2024
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Thị Thu Vân
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 485/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2024

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI CÁC DOANH NGHIỆP XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM QUỐC GIA

Ngày 03 tháng 10 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ chủ trì buổi làm việc với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng các Bộ, cơ quan: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ; Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Giao thông vận tải, Tài chính, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp; Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Chủ tịch các Hội, Hiệp hội ngành xây dựng; Chủ tịch, Tổng Giám đốc các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:

1. Thường trực Chính phủ đánh giá cao báo cáo của các Bộ: Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải; ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu doanh nghiệp, Hiệp hội; thể hiện sự quan tâm, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu với các khó khăn của doanh nghiệp; cùng nhau thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, trưởng thành, tự tin hơn bước vào giai đoạn mới, thực hiện các công trình tầm cỡ, những công trình thế kỷ đánh dấu sự phát triển, vươn mình của đất nước.

2. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xây dựng, việc triển khai các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

a) Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thường xuyên, quyết liệt, sát sao, kịp thời chỉ đạo phát triển ngành xây dựng, nhất là doanh nghiệp xây dựng trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng thường xuyên có mặt trên công trường các dự án để kiểm tra, động viên, đôn đốc với tinh thần chia sẻ những khó khăn, cùng các doanh nghiệp tháo gỡ, vượt qua thách thức để vươn lên, trưởng thành. Cùng với đó là sự tham gia, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, điển hình là dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên).

b) Các doanh nghiệp đã tích cực chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão, gió”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, làm việc xuyên ngày nghỉ, xuyên ngày Tết, xuyên ngày lễ”, “ba ca, bốn kíp”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”. Các nhà thầu chính hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ các nhà thầu phụ, doanh nghiệp địa phương tham gia dự án để thúc đẩy, cùng nhau lớn mạnh, trưởng thành, tất cả vì sự phát triển của đất nước.

c) Các doanh nghiệp, người dân và cơ quan chức năng đã phối hợp, chia sẻ để cùng nhau vượt qua những thách thức, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai các dự án đầu tư xây dựng ngày càng được hoàn thiện.

3. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các dự án cũng còn những tồn tại, hạn chế, bất cập, trong đó có sự chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng; các quy định của pháp luật còn bất cập, vướng mắc vẫn chưa được giải quyết triệt để; thiếu định mức, đơn giá xây dựng cho một số công tác xây dựng; một số định mức ban hành chưa phù hợp với thực tiễn; thủ tục thanh toán vốn còn rườm rà ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp xây dựng; việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao kỹ năng nghề còn hạn chế; công tác tổ chức thực hiện chưa hoàn thành như kế hoạch đề ra...

4. Để hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, trong đó có chỉ tiêu về hạ tầng quan trọng, đặc biệt là đến năm 2025, hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc, hoàn thành xây dựng một số cảng hàng không, cảng biển, hạ tầng điện, hạ tầng viễn thông,... đáp ứng yêu cầu cao, mong đợi lớn của Nhân dân, các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp cùng thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

a) Nhận thức rõ hơn nữa về tầm quan trọng của các dự án trọng điểm, các dự án quan trọng quốc gia trong tạo không gian phát triển mới, giúp hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, làm tăng giá trị của đất đai, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm chi phí logistics, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, của nền kinh tế. Việc triển khai các dự án hạ tầng chiến lược đã và đang được làm tốt, sắp tới phải làm tốt hơn.

b) Đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp, nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hạ tầng chiến lược về giao thông, điện, nước, y tế, giáo dục, văn hóa... với tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

c) Tập trung ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến; đào tạo nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực quản trị theo hướng thông minh trong hoạt động của các doanh nghiệp và triển khai các dự án, đặc biệt đối với doanh nghiệp xây dựng.

d) Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế liên quan giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, quy chuẩn, quy trình, đấu thầu, chỉ định thầu... trong triển khai dự án, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế.

đ) Các doanh nghiệp xây dựng cần tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ sức mạnh nội sinh, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt thể chế, cơ chế tạo nguồn lực tài chính, nguồn lực về con người và hợp tác với các đối tác nước ngoài trong chuyển giao công nghệ.

e) Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp luôn chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu với các khó khăn, thách thức, động viên, khích lệ về những thành quả đã làm được; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, nguồn lực, nhân lực để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, góp phần phát triển đất nước.

5. Về nhiệm vụ cụ thể, Thường trực Chính phủ yêu cầu:

a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương:

- Thực hiện tốt yêu cầu của Hội nghị Trung ương 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường giám sát, kiểm tra và cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

- Theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, chủ động triển khai 06 nhiệm vụ trọng tâm nêu trên; đồng thời xử lý các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp tại buổi làm việc theo đúng quy định pháp luật (tổng hợp tại Phụ lục kèm theo); báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả triển khai thực hiện trước ngày 15 tháng 12 năm 2024. Các đồng chí lãnh đạo địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời, hiệu quả các vướng mắc cho các doanh nghiệp.

b) Các Bộ quản lý xây dựng công trình chuyên ngành: Tập trung rà soát, tổ chức xác định, ban hành kịp thời các định mức kinh tế - kỹ thuật cho công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành theo thẩm quyền; chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư chủ động tổ chức xác định, điều chỉnh định mức để áp dụng cho công trình theo thẩm quyền phục vụ lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thanh quyết toán hợp đồng.

c) Bộ Xây dựng:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về hợp đồng xây dựng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế;

- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng, giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình;

- Nghiên cứu, đề xuất phân định rõ phạm vi, trách nhiệm của các Bộ quản lý xây dựng công trình chuyên ngành; quy định thống nhất hệ thống mã hiệu;

- Tập trung hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc công bố giá xây dựng trên địa bàn.

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường: Kiểm tra, giám sát, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đất đai, vật liệu xây dựng, bảo vệ môi trường, nhất là các quy định về mỏ nguyên vật liệu xây dựng thông thường và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng.

đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

[...]