Thông báo 421/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình
Số hiệu | 421/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 11/09/2017 |
Ngày có hiệu lực | 11/09/2017 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hòa Bình |
Người ký | Mai Tiến Dũng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 421/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 11 tháng 09 năm 2017 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HÒA BÌNH
Ngày 18 tháng 8 năm 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình về tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua và một số kiến nghị của Tỉnh; khảo sát mô hình hợp tác xã nông nghiệp và thương mại Mường Động sản xuất cây có múi trên địa bàn. Cùng đi với Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ; đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình; phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và ý kiến của các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng kết luận như sau:
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao sự đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn và đã đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình thời gian qua: Năm 2016, kinh tế của Tỉnh tăng trưởng khá cao, xuất khẩu đạt trên 370 triệu USD, thu ngân sách tăng 15%; hoạt động du lịch diễn ra sôi động, lượng khách đạt trên 2 triệu lượt, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được cải thiện. Trong 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục phát triển: Tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) đạt 7,88%; trong đó nông nghiệp tăng 3,27%; công nghiệp tăng 10,68%; dịch vụ tăng 7,79%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 19,12% so với cùng kỳ năm trước; giải ngân vốn đầu tư đạt 53% kế hoạch; Tỉnh đã thu hút 31 dự án đầu tư nước ngoài và 419 dự án đầu tư trong nước; bước đầu đã khai thác tốt tiềm năng phát triển du lịch, lượng khách du lịch tiếp tục tăng, trong đó, khách quốc tế đạt trên 135 nghìn lượt.
Các lĩnh vực văn hóa xã hội có tiến bộ: Tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo kịp thời, hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 3% so với năm 2016; đã quan tâm và làm tốt công tác dân tộc, lồng ghép nhiều chương trình, dự án như: hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở vùng khó khăn. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Kết quả đạt được của Tỉnh là tích cực nhưng Hòa Bình vẫn còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp, đời sống của nhân dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) còn thấp. Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp cao (chiếm 70,24%), nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Tệ nạn xã hội, ma túy, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Nhất trí cao với báo cáo của Tỉnh; ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các Bộ, cơ quan; nhấn mạnh một số điểm:
1. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình có quyết tâm chính trị cao và khát vọng lớn hơn, cần phát huy hơn nữa lợi thế so sánh về địa lý đặc biệt liền kề Thủ đô, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và tiềm năng đất đai, khoáng sản để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và phát triển du lịch, phấn đấu trở thành tỉnh khá của vùng và cả nước.
2. Tập trung mọi nỗ lực, hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017; thực hiện tốt Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ và Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018; nhận định, đánh giá, phân tích tình hình, tính kỹ toán khả thực hiện để xác định các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 bảo đảm phù hợp, khả thi để triển khai thực hiện.
3. Bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Chính phủ, đổi mới sáng tạo trong tổ chức thực hiện, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Cải thiện môi trường đầu tư, phấn đấu đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng hơn các năm trước; giải quyết công việc kịp thời, trách nhiệm cao theo tinh thần phục vụ, củng cố niềm tin với người dân và doanh nghiệp. Quán triệt và triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển kinh tế; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 Hòa Bình có 5.000 doanh nghiệp.
4. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, bảo đảm phát triển kinh tế rừng bền vững và xây dựng nông thôn mới; nhân rộng một số mô hình nông nghiệp có hiệu quả cao trên địa bàn.
5. Phát triển công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, sử dụng nhiều lao động, công nghệ cao, sản xuất hàng xuất khẩu mang lại nguồn thu ngân sách cho Tỉnh; thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa ngành du lịch Hòa Bình thành một ngành kinh tế quan trọng dựa trên lợi thế so sánh gắn phát triển du lịch với gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
6. Quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giải quyết tốt việc làm và thực hiện tốt các giải pháp giảm nghèo bền vững theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016 - 2020; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn,
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH
1. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Quốc phòng và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 414/TB-VPCP ngày 16 tháng 12 năm 2016.
2. Về nâng cấp đô thị trên địa bàn Tỉnh: Giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về định hướng bổ sung quy hoạch nâng cấp thành phố Hòa Bình từ đô thị loại III lên đô thị loại II và các huyện Lương Sơn, Mai Châu từ đô thị loại V lên đô thị loại IV, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới: Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình căn cứ Bộ Tiêu chí nông thôn mới cấp xã đã ban hành và tình hình thực tiễn của Tỉnh, hướng dẫn các địa phương thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới ở các xã, bản khó khăn (trong đó có tỉnh Hòa Bình), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
4. Về biên chế và chế độ đãi ngộ cụ thể đối với cán bộ kiêm nhiệm, chuyên trách Văn phòng điều phối cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ chuyên trách xã được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới: Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có văn bản hướng dẫn các địa phương, trong đó có tỉnh Hòa Bình để thực hiện.
5. Về cơ chế hỗ trợ các tỉnh miền núi thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng đối tác công - tư (PPP): Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tổng hợp kiến nghị của các địa phương trong đó có tỉnh Hòa Bình về quá trình thực hiện Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Đồng ý về chủ trương thực hiện việc bổ sung tuyến đường Hòa Bình - Sơn La vào quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo quy định; giao Bộ Giao thông vận tải làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh Hòa Bình, Sơn La xác định tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn và khả năng hoàn vốn của Dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
7. Về việc sửa đổi một số nội dung của Luật Hợp tác xã năm 2012: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan tổng hợp kiến nghị của các địa phương, trong đó có tỉnh Hòa Bình để sơ kết toàn quốc thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 trong tháng 9 năm 2017; nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập trong các quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Về bố trí đủ vốn đã được phê duyệt của Đề án "Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà giai đoạn 2009 - 2015": Bộ Công Thương và Tập Đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu, đề xuất phương án đánh giá lại tài sản Nhà máy thủy điện sông Đà, tìm cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí từ khấu hao tài sản cố định cho các xã chuyển dân vùng sông Đà theo tiến độ thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối, đề xuất nguồn vốn (bao gồm cả vốn dự phòng ngân sách trung ương 2017), bố trí cho Đề án theo mức đã được phê duyệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
9. Về hỗ trợ vốn đầu tư cầu Hòa Bình 2: Đồng ý về chủ trương, Tỉnh lập và phê duyệt Dự án theo quy định gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án nguồn vốn (kể cả vốn ODA), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
10. Về hỗ trợ vốn đầu tư Dự án xử lý cấp bách chống hạn, kè chống sạt lở, nạo vét khơi thông dòng chảy sông Bôi (giai đoạn I) từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2017: Thực hiện đúng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 414/TB-VPCP ngày 16 tháng 12 năm 2016 ngay trong đầu Quý IV năm 2017; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí 150 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2017 cho Tỉnh thực hiện Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
11. Về việc tăng mức hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng xã hội phát triển cho khu vực nông thôn khu vực miền núi tỉnh Hòa Bình, gồm:
a) Về hỗ trợ số vốn còn thiếu trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan xem xét, nghiên cứu, tổng hợp trình phương án sử dụng nguồn vốn khen thưởng thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới trong đó xem xét hỗ trợ Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;