Thông báo 419/TB-VPCP năm 2024 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 419/TB-VPCP
Ngày ban hành 14/09/2024
Ngày có hiệu lực 14/09/2024
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Cao Huy
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 419/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2024

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH ĐẮK LẮK

Ngày 18 tháng 8 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2024 và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phương hướng nhiệm vụ thời gian tới; khảo sát tuyến cao tốc Nha Trang - Buôn Ma Thuột; chủ trì Lễ phát động đợt thi đua cao điểm 500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc tại điểm cầu Buôn Ma Thuột. Cùng dự buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ có các đồng chí Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan và phát biểu của đồng chí Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Đắk Lắk có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng Tây Nguyên và cả nước cả về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, là trung tâm của vùng Tây Nguyên; đất đai rộng lớn, màu mỡ, phì nhiêu (diện tích tự nhiên đứng thứ 4 cả nước, đất nông nghiệp đứng thứ 2 cả nước). Tỉnh có dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào (khoảng 1,1 triệu lao động); giàu truyền thống cách mạng, giàu bản sắc văn hóa với 49 dân tộc anh em cùng chung sống; có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đây là nơi có truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và thiên nhiên hùng vĩ.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao nỗ lực mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đạt được thời gian qua. Trong 7 tháng đầu năm 2024, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Tỉnh có chuyển biến tích cực, xuất khẩu tăng 25,4%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9,52%. Các lĩnh vực văn hóa, đối ngoại, an sinh xã hội được quan tâm.

Tuy nhiên, Đắk Lắk phát triển chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng, vẫn là điểm nghẽn về giao thông, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chuyển dịch lao động còn chậm, y tế, giáo dục, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng nhu cầu phát triển địa phương, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn nhất là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, còn tiềm ẩn nhiều vấn đề về an ninh, quốc phòng, liên quan đến bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Nhiệm vụ trọng tâm

a) Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm dựa vào 4 trụ cột tăng trưởng: Phát triển các sản phẩm nông lâm sản lợi thế, quy mô lớn, chất lượng cao hướng đến thị trường xuất khẩu; công nghiệp chế biến nông lâm sản và sản xuất năng lượng tái tạo, quy mô lớn; quy mô đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; dịch vụ logistic, du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số.

b) Phát triển kinh tế - xã hội song hành với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

c) Phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai về nước, rừng và các nguồn tài nguyên khác, bảo vệ, cải thiện môi trường, chủ động tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

d) Phát triển kinh tế xã hội lấy con người làm trung tâm, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện phát triển đồng đều giữa các dân tộc sinh sống trên địa bàn, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, đặc biệt quan tâm tới công tác dân tộc, công tác tôn giáo.

2. Mục tiêu tổng quát:

a) Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, sớm đạt mức trung bình khá của cả nước, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bao trùm phát triển không gian sinh thái, phát huy bản sắc dân tộc, đưa tỉnh Đắk Lắk trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch.

b) Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm của vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ hội nhập và liên kết của vùng với khu vực và quốc tế, người dân được hưởng thụ đời sống vật chất, tinh thần, dịch vụ xã hội tốt, môi trường bảo đảm, tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân.

c) Phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất để tập trung vào “6 tăng cường”:

- Tăng cường lòng tin của nhân dân vào Đảng, nhà nước song song với đó là trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp với chính quyền. Tỉnh Đắk Lắk phải cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

- Tăng cường khối Đại đoàn kết, 49 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phải đoàn kết và thống nhất, chia sẻ, tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhất là đối với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

- Tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển đặc biệt là hạ tầng giao thông, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị mới để giảm chi phí và thời gian đi lại, tăng sức cạnh tranh hàng hóa.

- Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với nước bạn Campuchia với tinh thần láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài.

- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi cơ cấu lao động từ khu vực nông thôn sang khu vực công nghiệp, đô thị gắn với tái cơ cấu lại đội ngũ lao động.

- Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền quốc gia.

3. Phương hướng, nhiệm vụ cụ thể

Tập trung rà soát, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để chỉ đạo, lãnh đạo đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Trong đó, tập trung vào một số công tác trọng tâm sau:

a) Khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn kết Quy hoạch Tỉnh với Quy hoạch vùng, Quy hoạch quốc gia. Tổ chức sắp xếp hợp lý không gian, phát triển hệ thống đô thị để Buôn Ma Thuột trở thành cực phát triển, trung tâm kinh tế của Tỉnh và của vùng. Tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân; huy động tối đa nguồn lực cho phát triển nhất là nguồn lực cho hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.

[...]