Thông báo 385/TB-VPCP năm 2014 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tại cuộc họp sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm 2014 của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 385/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 26/09/2014 |
Ngày có hiệu lực | 26/09/2014 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Khắc Định |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 385/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 26 tháng 09 năm 2014 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM, CHỦ TỊCH ỦY BAN QUỐC GIA VỀ NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM TẠI CUỘC HỌP SƠ KẾT CÔNG TÁC 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2014 CỦA ỦY BAN QUỐC GIA VỀ NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM
Ngày 11 tháng 9 năm 2014, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam đã chủ trì cuộc họp sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm 2014 của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam.
Tham dự Hội nghị có các thành viên của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam và đại diện của một số Bộ, ngành, cơ quan liên quan. Sau khi nghe Báo cáo kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2014 và kế hoạch thực hiện 6 tháng đầu năm 2014 và kế hoạch thực hiện 6 tháng cuối năm 2014 của Ủy ban Quốc gia và ý kiến của các thành viên Ủy ban Quốc gia, đại diện các Bộ, cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam đã kết luận như sau:
1. Về kết quả thực hiện công tác người cao tuổi:
Trong 6 tháng đầu năm 2014, về cơ bản các nội dung chỉ đạo về công tác người cao tuổi đã được các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tương đối đồng bộ, hiệu quả. Công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về Luật người cao tuổi và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi được quan tâm. Đến nay, cả nước có 1.505.699 người cao tuổi đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đầy đủ và đúng thời gian theo quy định (16% tổng số người cao tuổi), trong đó 1.410.064 người từ đủ 80 tuổi trở lên và 95.635 người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đã được quan tâm tốt hơn. Có 46/63 tỉnh, thành phố thành lập khoa lão khoa trong bệnh viện đa khoa cấp tỉnh; 2.080.274 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; 1.790.844 người cao tuổi được lập sổ theo dõi sức khỏe; 2.134.480 người cao tuổi phổ biến kiến thức về chăm sóc và tự chăm sóc sức khỏe. Các cấp Hội người cao tuổi trong cả nước đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức chu đáo chúc thọ, mừng thọ cho 626.646 người cao tuổi trong độ tuổi theo quy định. Một số tỉnh triển khai thực hiện tốt các mô hình thể dục, dưỡng sinh, văn hóa, văn nghệ, mô hình chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, mô hình “Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau” đem lại kết quả thiết thực cho người cao tuổi và cộng đồng như các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Hà Giang và Bến Tre…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác người cao tuổi ở các địa phương hiện nay vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: ở một số nơi người cao tuổi chưa được khám sức khỏe định kỳ, chưa lập sổ theo dõi sức khỏe thường xuyên, chưa được ưu tiên khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, chưa được giảm giá vé tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử-văn hóa; việc giải quyết chế độ thù lao đối với lãnh đạo Hội Người cao tuổi cấp xã ở một số nơi còn vướng mắc, nhất là đối với lãnh đạo Hội không phải là người nghỉ hưu. Việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020 ở một số Bộ, ngành, địa phương còn chậm. Hầu hết các xã, phường, thị trấn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa hỗ trợ việc thành lập và hoạt động Quỹ chăm sóc và phát huy người cao tuổi. Mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi hiện còn thấp. Đời sống của một bộ phận người cao tuổi, nhất là vùng nông thôn nghèo khó, vùng xa xôi hẻo lánh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… còn nhiều khó khăn. Công tác thông tin báo cáo của một số Bộ, ngành, địa phương còn chậm, thiếu số liệu cụ thể, khó tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do một số Bộ, ngành, địa phương chưa chủ động lồng ghép công tác người cao tuổi với các hoạt động của ngành, địa phương; kinh phí thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi rất hạn hẹp, chủ yếu trông chờ việc hỗ trợ từ Trung ương, đặc biệt tại các tỉnh chưa tự chủ được ngân sách.
Ban Công tác là Người cao tuổi cấp tỉnh hầu hết đã được thành lập nhưng chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có bộ phận tham mưu giúp việc chuyên trách nên hoạt động chưa hiệu quả; năng lực cán bộ ở địa phương còn hạn chế…
2. Về những nhiệm vụ cụ thể cuối năm 2014 và thời gian tới:
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Thông báo số 108/TB-VPCP ngày 18 tháng 3 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ về Ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tại Hội nghị ngày 01 tháng 3 năm 2014. Tập trung thực hiện có hiệu quả các công việc sau:
a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020; xây dựng kế hoạch sơ kết việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia và đánh giá 5 năm thực hiện Luật người cao tuổi vào cuối năm 2015.
Nghiên cứu, đề xuất chính sách người cao tuổi dân tộc thiểu số, người cao tuổi ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi được hưởng chính sách của người cao tuổi theo quy định của pháp luật.
b) Bộ Nội vụ: Ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 08/2009/TT-BNV ngày 9 tháng 02 năm 2009 hướng dẫn việc thành lập Ban Công tác người cao tuổi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tháng 9 năm 2014; khẩn trương hoàn thiện Đề án nghiên cứu Hội quần chúng trình cấp có thẩm quyền quyết định làm cơ sở sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật về Hội.
Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách Hội ở cơ sở nhưng không hưởng lương hưu) và Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Bộ nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.
c) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện giảm giá vé tham quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh đối với người cao tuổi theo quy định tại Thông tư 127/2011/TT-BTC ngày 09 tháng 9 năm 2011 của Bộ Tài chính và Thông tư 06/2012/TT-BVHTTDL ngày 14 tháng 5 năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
d) Bộ Y tế: Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra và đánh giá kết quả việc thực hiện Thông tư số 35/2011/TT-BYT trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; kiểm tra thường xuyên việc thực hiện ưu tiên khám, chữa bệnh cho người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên tại các bệnh viện; thống nhất hướng dẫn sổ theo dõi sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.
đ) Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Hướng dẫn việc cấp kinh phí mừng thọ và tặng quà cho người cao tuổi đủ 90 tuổi và từ 100 tuổi trở lên để các địa phương tổ chức thọ vào dịp đầu năm mới.
Phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, hướng dẫn về chế độ thù lao đối với người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách Hội ở cơ sở nhưng không hưởng lương hưu.
e) Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện giảm giá vé, hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia phương tiện giao thông công cộng. Triển khai các giải pháp tăng cường tiếp cận của người cao tuổi đối với phương tiện giao thông, nhà ga, bến đỗ...
g) Các Bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện Luật người cao tuổi, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020; chủ trì thực hiện có hiệu quả các Đề án, dự án về chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
h) Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan: chuẩn bị nội dung Hội nghị tổng kết 20 năm ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam thiết thực, hiệu quả; đánh giá và nhân rộng các mô hình thành công về xây dựng, củng cố và phát triển Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đánh giá hiệu quả, tính khả thi của Đề án “Nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau”, làm cơ sở để hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
i) Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền vận động các tổ chức thành viên, hội viên tổ chức và tham gia tích cực các phong trào chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; lồng ghép việc chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong các phong trào của cơ quan, tổ chức.
k) Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình khẩn trương thành lập Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh; Ban Công tác người cao tuổi tỉnh Lai Châu khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi tại địa phương; báo cáo Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia trong tháng 10 năm 2014.
l) Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi.
Phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác người cao tuổi tại các địa phương theo kế hoạch; theo dõi, tổng hợp báo cáo, chuẩn bị nội dung họp tổng kết công tác người cao tuổi năm 2014 và phương hướng kế hoạch hoạt động năm 2015 của Ủy ban Quốc gia.
m) Văn phòng Chính phủ thông báo tới Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam và Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam Chương trình công tác của Chính phủ hàng năm để Trung ương Hội chủ động đăng ký tham gia vào Chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.