Thông báo 3690/TB-BNN-VP năm 2013 ý kiến kết luận Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tại Hội nghị Đánh giá hiện trạng tái canh cà phê và giải pháp triển khai trong thời gian tới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 3690/TB-BNN-VP |
Ngày ban hành | 13/08/2013 |
Ngày có hiệu lực | 13/08/2013 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Trần Quốc Tuấn |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3690/TB-BNN-VP |
Hà Nội, ngày 13 tháng 08 năm 2013 |
Ngày 25 tháng 7 năm 2013 tại tỉnh Đắk Lắk, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng chủ trì Hội nghị Đánh giá hiện trạng tái canh cà phê và giải pháp triển khai trong thời gian tới.
Tham dự hội nghị có đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh có trồng cà phê ở phía Nam, đại diện Lãnh đạo Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và các Công ty cà phê thành viên phía Nam, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam; đại diện Cục Trồng trọt; Lãnh đạo Viện Khoa Học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên; đại diện các cơ quan báo chí.
Sau khi thăm mô hình tái canh cà phê (mô hình làm đất, mô hình luân canh, mô hình trồng mới, mô hình kinh doanh cà phê tái canh) tại Công ty cà phê Thắng Lợi và nghe báo cáo của Cục Trồng trọt, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và ý kiến phát biểu của đại diện Lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk và của các đại biểu dự hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã kết luận như sau:
Trong thời gian qua được sự quan tâm của các cấp, các ngành, một số vấn đề khó khăn trong tái canh cà phê tại Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam từng bước được giải quyết như vấn đề kỹ thuật tái canh, nguồn vốn cho tái canh, tổ chức triển khai tái canh. Trên cơ sở đó nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tái canh cà phê bước đầu có kết quả.
Để tiếp tục triển khai tái canh cà phê ở các tỉnh phía Nam trong thời gian tới có hiệu quả và bền vững hơn, Bộ yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ và các địa phương có diện tích cà phê già cỗi phải tái canh thực hiện một số nội dung sau:
1. Rà soát và xây dựng kế hoạch tái canh cà phê
- Từng địa phương rà soát, phân loại, xác định diện tích cà phê theo hướng: diện tích cà phê không có tưới, tầng đất mỏng chuyển đổi sang cây trồng khác; diện tích cà phê thâm canh có hiệu quả; diện tích cà phê đủ điều kiện ghép cải tạo, chưa phải tái canh; diện tích cà phê già cỗi bắt buộc phải tái canh, chủ yếu nằm ở vùng tập trung được quy hoạch, không trồng tái canh cà phê theo phong trào.
- Trên cơ sở rà soát diện tích cà phê tái canh, kết hợp tổng kết các mô hình tái canh thành công, các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp và cơ chế chính sách hỗ trợ tái canh hoặc chuyển đổi cà phê sang cây trồng khác, theo hướng tái canh cuốn chiếu, mỗi năm trồng lại khoảng 15 - 20 % diện tích.
- Viện KHKTNLN Tây Nguyên tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai Dự án phát triển giống cà phê, tập trung nhân và chuyển giao các giống cà phê có năng suất, chất lượng cao đã được Bộ công nhận để cung cấp cho các địa phương làm nguồn giống đầu dòng.
- Các địa phương có cơ chế hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện xây dựng vườn đầu dòng các giống cà phê mới, cung cấp đủ nguồn giống, nhân giống phục vụ trồng tái canh trên địa bàn.
- Cục Trồng trọt phối hợp với Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp khẩn trương hoàn thành Đề án trồng tái canh cây cà phê làm cơ sở đề xuất chính sách hỗ trợ tái canh cà phê trong thời gian tới.
- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ Chương trình tái canh cà phê, tập trung biên soạn tài liệu tái canh cà phê phục vụ cho hoạt động đào tào, tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn trên cơ sở Quy trình tái canh cà phê vối đã ban hành, để người trồng cà phê tái canh có hiệu quả.
- Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tiếp tục nghiên cứu, cập nhật để hoàn thiện quy trình tái canh cà phê vối; phối hợp với các địa phương hướng dẫn việc sản xuất cây giống cà phê đảm bảo chất lượng phục vụ tái canh.
- Các địa phương trồng cà phê chỉ đạo, rà soát củng cố và chủ động xây dựng hệ thống vườn giống cà phê đầu dòng cao sản trên địa bàn phục vụ người dân ghép cải tạo, trồng tái canh cà phê tuổi lớn.
Hướng dẫn nông dân trồng cà phê tái canh không để phát triển tự phát. Tăng cường công tác quản lý, tổ chức và vận động các hộ nông dân trên địa bàn thâm canh, tăng cường trồng cây che bóng, cây chắn gió, thu hoạch cà phê theo đúng kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng cà phê.
Tăng cường kiểm tra chất lượng cây giống, kiên quyết xử lý những cơ sở nhân giống không đủ điều kiện theo Thông tư số 18/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/4/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để người dân không sử dụng cây giống kém chất lượng, cây giống không có nguồn gốc rõ ràng.
- Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ, UBND các tỉnh trồng cà phê, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị thành viên thực hiện tốt các biện pháp nâng cao chất lượng cà phê; giới thiệu các mô hình, kỹ thuật đã áp dụng, biện pháp tổ chức đối với diện tích tái canh cà phê đã thành công để nhân rộng trong sản xuất.
Văn phòng Bộ xin thông báo để các đơn vị biết và tổ chức thực hiện./.
Nơi nhận: |
TL. BỘ TRƯỞNG |