Thông báo 33/2020/TB-LPQT về hiệu lực của Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam - Pháp

Số hiệu 33/2020/TB-LPQT
Ngày ban hành 06/09/2016
Ngày có hiệu lực 01/05/2020
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà Pháp,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Lê Quý Vương,Andre Vallini
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2020/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2020

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại Khoản 3 Điều 56 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp, ký tại Hà Nội ngày 06 tháng 9 năm 2016, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2020.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 59 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

VỀ DẪN ĐỘ GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CỘNG HÒA PHÁP

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp, sau đây gọi là “các Bên”,

Mong muốn thiết lập hợp tác hiệu quả hơn giữa hai nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm,

Tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật quốc tế và tôn trọng các nguyên tắc hiến định của mỗi Bên,

Đã thỏa thuận các quy định dưới đây:

Điều 1

Nghĩa vụ dẫn độ

Các Bên cam kết chuyển giao cho nhau, theo quy định của Hiệp định này, bất cứ người nào đang có mặt trên lãnh thổ của một trong các Bên, bị các cơ quan tư pháp của Bên kia truy tố vì đã thực hiện một tội phạm hoặc truy nã để thi hành hình phạt tù đối với một hành vi có thể bị dẫn độ.

Điều 2

Các hành vi có thể bị dẫn độ

1. Các hành vi có thể bị dẫn độ là các hành vi bị xử phạt tù từ một năm trở lên hoặc nặng hơn theo pháp luật của Bên yêu cầu và Bên được yêu cầu.

2. Ngoài ra, nếu việc dẫn độ được yêu cầu nhằm thi hành một hình phạt tù được tuyên bởi cơ quan tư pháp có thẩm quyền của Bên yêu cầu, thời hạn chấp hành hình phạt còn lại ít nhất phải là sáu tháng.

3. Nếu yêu cầu dẫn độ liên quan đến nhiều hành vi khác nhau mà mỗi hành vi đều có thể bị xử phạt theo pháp luật của hai Bên nhưng một số hành vi không đáp ứng các điều kiện quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này thì Bên được yêu cầu cũng có thể đồng ý dẫn độ đối với các hành vi đó.

4. Đối với các tội phạm trong lĩnh vực thuế, phí, lệ phí, hải quan và ngoại hối, việc dẫn độ được thực hiện theo quy định của Hiệp định này.

Điều 3

Các trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ

Việc dẫn độ không được thực hiện:

a) Đối với các tội phạm được Bên được yêu cầu xác định là tội phạm chính trị hoặc hành vi liên quan đến tội phạm chính trị;

b) Trong trường hợp Bên được yêu cầu có lý do xác đáng để cho rằng việc dẫn độ được yêu cầu nhằm mục đích truy tố hoặc trừng phạt một người vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch hoặc chính kiến, hoặc tình trạng của người đó có nguy cơ bị trầm trọng hơn vì một trong các lý do này;

[...]