Thông báo hiệu lực của Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và Cam-pu-chia

Số hiệu 71/2014/TB-LPQT
Ngày ban hành 23/12/2013
Ngày có hiệu lực 09/10/2014
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cam pu chia,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Trần Đại Quang,Ang Vong Vathana
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Trách nhiệm hình sự

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/2014/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 2014

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định về dẫn độ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia, ký tại Hà Nội ngày 23 tháng 12 năm 2013, có hiệu lực kể từ ngày 09 tháng 10 năm 2014.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

VỀ DẪN ĐỘ GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ VƯƠNG QUỐC CĂM-PU-CHIA

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Căm-pu-chia (sau đây gọi chung là “các Bên”, gọi riêng là “mỗi Bên”);

Với mong muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác chống tội phạm giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi thông qua việc ký kết một hiệp định về dẫn độ người phạm tội,

Đã thỏa thuận như sau:

ĐIỀU 1. NGHĨA VỤ DẪN ĐỘ

Theo quy định của Hiệp định này, mỗi Bên đồng ý dẫn độ cho Bên kia bất kỳ người nào đang có mặt trên lãnh thổ của mình mà Bên đó yêu cầu để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án vì một tội có thể bị dẫn độ.

ĐIỀU 2. CÁC TỘI BỊ DẪN ĐỘ

1. Các tội có thể bị dẫn độ theo quy định của Hiệp định này là các tội có thể bị xử phạt tù với thời hạn từ hai (02) năm trở lên hoặc nghiêm khắc hơn theo quy định pháp luật của cả hai Bên.

2. Trong trường hợp yêu cầu dẫn độ liên quan tới một người bị kết án về tội bị yêu cầu dẫn độ để thi hành hình phạt tù, thì việc dẫn độ chỉ được thực hiện nếu thời hạn chấp hành hình phạt còn lại ít nhất sáu (06) tháng.

3. Phù hợp với quy định của Điều này, việc xác định một hành vi phạm tội bị coi là tội phạm theo pháp luật của Bên yêu cầu và Bên được yêu cầu, mặc dù:

a) Nhóm tội có thể được quy định khác nhau; hoặc

b) Bản chất pháp lý của tội phạm, việc sử dụng thuật ngữ, tội danh hoặc việc xác định các đặc điểm của tội phạm khác nhau; hoặc

c) Các yếu tố cấu thành tội phạm theo pháp luật của Bên yêu cầu và Bên được yêu cầu khác nhau nhưng tổng hợp các yếu tố của sự kiện do Bên yêu cầu cung cấp đủ yếu tố xác định cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật hiện hành của Bên được yêu cầu.

4. Trong trường hợp tội phạm được thực hiện bên ngoài lãnh thổ của Bên yêu cầu, việc dẫn độ sẽ được tiến hành khi pháp luật của Bên được yêu cầu cũng quy định hình phạt đối với tội phạm đó và người bị yêu cầu dẫn độ là công dân của Bên yêu cầu. Trường hợp pháp luật của Bên được yêu cầu không quy định như vậy, Bên được yêu cầu có quyền quyết định việc dẫn độ.

ĐIỀU 3. TỪ CHỐI DẪN ĐỘ

1. Việc dẫn độ sẽ bị từ chối trong các trường hợp sau:

a) Tội phạm bị truy tố có tính chất chính trị. Tuy nhiên, hành vi bạo lực gây tổn hại đến tính mạng, thân thể, hoặc tự do cá nhân không được coi là có tính chất chính trị;

b) Tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là tội phạm quân sự;

c) Có căn cứ rõ ràng thể hiện rằng yêu cầu dẫn độ đối với một tội phạm nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trừng phạt người bị yêu cầu dẫn độ vì lý do chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị, hay địa vị của người đó có thể làm người đó bị ảnh hưởng bởi các lý do trên;

[...]