Thông báo 278/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp lần thứ VIII của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 278/TB-VPCP
Ngày ban hành 22/06/2017
Ngày có hiệu lực 22/06/2017
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 278/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ VIII ỦY BAN QUỐC GIA VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Ngày 18 tháng 5 năm 2017, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu đã chủ trì cuộc họp lần thứ VIII của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (UBQG về BĐKH). Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBQG về BĐKH; đại diện các thành viên UBQG về BĐKH và một số chuyên gia trong Hội đồng tư vấn. Sau khi nghe báo cáo của cơ quan thường trực UBQG về BĐKH (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ý kiến các đại biểu dự họp, ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến kết luận chỉ đạo như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề toàn cầu, có tác động mạnh mẽ đến phát triển và an ninh trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của BĐKH đã không ngừng gia tăng cả về tần suất và phạm vi ảnh hưởng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam vừa phải ứng phó với thiên tai và BĐKH, vừa phải thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Những hoạt động phát triển kinh tế nhằm thu lại lợi ích trước mắt, thiếu suy xét đến hậu quả lâu dài đã tạo ra những tác động kép đến nhiều vùng, địa phương trên cả nước: hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, sạt lở đất, ô nhiễm môi trường, thiếu nước sinh hoạt. Những tác động tiêu cực này sẽ còn trầm trọng hơn nếu không quyết tâm thay đổi, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm trong thời gian tới.

Thời gian qua, Ủy ban quốc gia về BĐKH đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai có trọng tâm, trọng điểm và điều phối xử lý nhiều vấn đề liên ngành, liên vùng trong công tác ứng phó với BĐKH. Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH đã được xây dựng và phê duyệt thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế. Vai trò, vị trí của Việt Nam về ứng phó với BĐKH trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với BĐKH chưa đồng bộ, chưa được rà soát, điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình mới trong nước và quốc tế. Tỷ lệ hoàn thành thực hiện các cam kết với các đối tác phát triển về xây dựng chính sách thuộc Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC) vẫn còn thấp. Chưa đánh giá đầy đủ thực trạng mọi hoạt động về BĐKH trên cả nước, chưa quan tâm đánh giá các tác động phi BĐKH như sạt lở đất, sụt lún ... một cách đúng mức; cơ sở dữ liệu quốc gia về BĐKH còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu. Năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vẫn chưa được quan tâm phát triển và sử dụng.

Công tác ứng phó với BĐKH nhìn chung còn bị động, rời rạc, mang tính đơn lẻ và ngắn hạn, chưa huy động được toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia. Việc lồng ghép BĐKH vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch còn lúng túng, chưa đi vào thực chất. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác ứng phó với BĐKH chưa chặt chẽ, chưa phát huy sức mạnh tổng hợp, làm giảm hiệu quả đầu tư; thiếu các cơ chế, quy định cụ thể về chế độ báo cáo, chia sẻ thông tin thường xuyên của các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương. Nguồn lực dành cho các hoạt động ứng phó với BĐKH còn hạn chế; công tác vận động ODA chưa được thực hiện một cách căn cơ, bài bản, chưa sử dụng một cách có hiệu quả sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Trong thời gian tới, cần thiết phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, phải có cơ chế, chính sách, các giải pháp mang tính đột phá, có trọng tâm, trọng điểm nhằm khuyến khích, thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, lĩnh vực tư nhân đáp ứng được yêu cầu ứng phó với BĐKH.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI

1. Nhiệm vụ chung

- Tiếp tục nâng cao nhận thức về BĐKH cho các cấp, các ngành và người dân về BĐKH; thay đổi cách nghĩ, cách làm để tận dụng thời cơ, giảm thiểu nguy cơ và các tác động tiêu cực của BĐKH; chú trọng tuyên truyền, giáo dục, lựa chọn áp dụng kinh nghiệm truyền thống của nhân dân, của các địa phương; tổng kết, đánh giá và áp dụng các kinh nghiệm ứng phó với BĐKH của quốc tế vào thực tiễn ở Việt Nam.

- Đẩy mạnh rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý về ứng phó với BĐKH. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BĐKH, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu về ứng phó với BĐKH.

- Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của BĐKH đối với từng vùng, địa phương; nghiên cứu tình hình sạt lở đất ở các khu vực ven sông, ven biển, miền núi để có giải pháp cụ thể, kịp thời; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy hoạch hiện có, xây dựng các quy hoạch mới liên quan, trong đó có các quy hoạch: tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, đô thị, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, ổn định dân cư ... trên cơ sở tích hợp các yếu tố BĐKH, trước hết tập trung vào một số vấn đề cấp bách, ưu tiên khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung.

- Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng thích ứng cao với BĐKH và phát thải ít các-bon; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển năng lượng, các công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên trong khu vực.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh 2016- 2020, Chương trình SP-RCC, Kế hoạch triển khai thỏa thuận Paris về BĐKH và các chương trình, kế hoạch và dự án liên quan đến BĐKH đã ban hành; rà soát cập nhật bản đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam để tham gia đánh giá nỗ lực toàn cầu trong khuôn khổ Công ước Khung của Liên Hợp quốc về BĐKH năm 2018.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường huy động nguồn lực hỗ trợ hoạt động ứng phó với BĐKH tại Việt Nam; ưu tiên nguồn vốn ODA cho các công trình, dự án quan trọng.

2. Nhiệm vụ cụ thể của năm 2017

- Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và Hội đồng tư vấn:

Đổi mới cách thức hoạt động của Ủy ban Quốc gia về BĐKH trong việc xác định rõ những thời cơ, nguy cơ và thách thức để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết sách kịp thời, triển khai các hoạt động thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm ứng phó có hiệu quả với BĐKH. Cần phải xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể của Ủy ban để tham mưu xử lý các giải pháp, nhiệm vụ trọng điểm, cấp bách cho từng địa phương, từng thời điểm.

Cần thay đổi, phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn để làm tốt công tác tham mưu, phản biện các chủ trương, đề xuất ứng phó với BĐKH, phải chỉ ra được các giải pháp cụ thể, thiết thực cho từng lĩnh vực, địa bàn; cần tăng cường huy động sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học giỏi trong các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực thủy lợi. Triển khai xây dựng bộ tiêu chí giúp Ủy ban Quốc gia về BĐKH giám sát việc thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH trên toàn quốc.

- Các Bộ, ngành, địa phương:

Chủ động nghiên cứu, rà soát cập nhật những vấn đề liên quan đến BĐKH thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao để đưa vào kế hoạch triển khai trong năm 2017. Xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2016 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, định kỳ trước 31 tháng 10 hàng năm báo cáo tình hình thực hiện về cơ quan thường trực UBQG về BĐKH.

Các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, cơ chế chính sách về ứng phó với BĐKH. Phối hợp với Bộ KHĐT, Bộ Tài chính trong việc xem xét, đề xuất bố trí, phân bổ nguồn vốn bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả để triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH, bao gồm cả các giải pháp công trình và phi công trình. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, tăng cường hợp tác với các đối tác phát triển để thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần coi đây là nhiệm vụ chính trị, cần cử cán bộ có năng lực và phẩm chất để làm tốt nhiệm vụ được giao.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành và địa phương theo dõi, đánh giá chặt chẽ tình hình mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động phòng, chống; tăng cường công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi, đáp ứng tối đa nhiệm vụ tưới tiêu chủ động trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn, BĐKH. Nghiên cứu tổng thể về tình hình sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo sớm phương án với Lãnh đạo Chính phủ.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ