Thông báo 273/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với tỉnh Nghệ An do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 273/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 30/07/2013 |
Ngày có hiệu lực | 30/07/2013 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Hữu Vũ |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 273/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 2013 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ HOÀNG TRUNG HẢI TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TỈNH NGHỆ AN
Ngày 17 tháng 7 năm 2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đi thăm và làm việc tại tỉnh Nghệ An; đi thăm Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử BSE (Hàn Quốc), Cảng Cửa Lò và kiểm tra đại lộ Vinh - Cửa Lò. Cùng đi với Phó Thủ tướng có lãnh đạo và đại diện các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2013 và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến bổ sung của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
Thay mặt Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao kết quả Đảng bộ, chính quyền, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2013 tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều thành tích rất đáng khích lệ, góp phần đưa nền kinh tế dần vào ổn định, lấy lại lòng tin của thị trường, thể hiện qua các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,42%; trong đó: nông lâm ngư nghiệp tăng 4,33%, công nghiệp tăng 5,44%, dịch vụ tăng 8,35%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và bền vững: nông nghiệp chiếm 26,64%, công nghiệp - xây dựng chiếm 31,95%, dịch vụ chiếm 41,41%. Thực hiện tốt nhiệm vụ thu chi ngân sách, nhất là thu từ doanh nghiệp. Nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt mức cao (50.561 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013), kiểm soát lạm phát và quản lý thị trường làm tốt.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo tiếp tục được tập trung chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: giữ vững truyền thống về thành tích cao trong giáo dục và đào tạo, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 96,09%; giải quyết việc làm cho gần 16.000 lao động (trong đó có 5.600 người đi lao động ở nước ngoài), đào tạo nghề cho 31 nghìn người. Đã thu hút đầu tư xã hội cho xây dựng nông thôn mới, công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả ban đầu quan trọng, đặc biệt là đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao. Công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, kinh tế, xã hội tỉnh Nghệ An vẫn còn khó khăn, hạn chế: quy mô kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn thấp.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:
Nhất trí với các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2013 mà Tỉnh đã xác định, trong đó Nghệ An cần lưu ý thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2013.
2. Tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực tài chính, tín dụng để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, tạo điều kiện phát triển nhiều doanh nghiệp mới
3. Thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó lưu ý nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất, tập trung phát triển các sản phẩm đem lại giá trị cao, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp chế biến (nhất là chế biến nông sản).
4. Phối hợp với các Bộ, ban, ngành sớm tham mưu Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020 gắn với việc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
5. Thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu đầu tư, chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính để tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, nhất là vốn đầu tư FDI và khu vực dân doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
6. Quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách, đảm bảo chi đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.
7. Tiếp tục quan tâm làm tốt hơn nữa nhiệm vụ phát triển giáo dục, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Về việc cấp điện cho 270 thôn bản thuộc 58 xã chưa có điện lưới quốc gia: Bộ Công Thương chỉ đạo lập Dự án đầu tư cấp điện đến các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc chưa có lưới điện quốc gia tỉnh Nghệ An theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8292/VPCP-KTN ngày 22 tháng 11 năm 2011. Các Bộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên bố trí vốn để đến năm 2015 hoàn thành đưa điện đến trung tâm xã của 18 xã chưa có điện.
Về việc đầu tư xây dựng đường vào trung tâm 13 xã hiện nay chưa có đường do chia tách xã, ngăn cách do xuất hiện các hồ thủy điện và xây dựng 58 cầu treo qua sông: Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo lập dự án đầu tư, tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan cân đối nguồn vốn để thực hiện các dự án trên, báo cáo Chính phủ ưu tiên nguồn vốn để triển khai thực hiện.
2. Về việc điều chỉnh công suất của Nhà máy xi măng Đô Lương từ 0,9 triệu tấn/năm lên 2,0 triệu tấn/năm và điều chỉnh giai đoạn hoàn thành Nhà máy xi măng Hoàng Mai 2: Giao Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về các dự án nhà máy điện trong Trung tâm Điện lực Quỳnh Lập:
- Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tập trung triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 410/TB-VPCP ngày 17 tháng 12 năm 2012; trong trường hợp hội đủ các điều kiện về nhu cầu, khả năng thu xếp vốn cho Dự án, Tập đoàn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép điều chỉnh sớm hơn so với tiến độ đã phê duyệt trong Quy hoạch điện VII.
- Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 2: Bộ Công Thương xem xét tiến độ đưa vào vận hành trong quá trình thực hiện điều chỉnh Quy hoạch điện VII, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Về Dự án Thủy lợi thủy điện Bản Mồng: Đây là Dự án quan trọng, cấp thiết và là công trình dở dang. Các Bộ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 410/TB-VPCP ngày 17 tháng 12 năm 2012. Trường hợp không bố trí đủ vốn hỗ trợ, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo Chính phủ cho phép trình Quốc hội cho phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ để sớm tiếp tục triển khai thực hiện Dự án.
Về Dự án Cống ngăn mặn, giữ ngọt trên Sông Lam; dự án xóa vùng chậm lũ vùng 5 Nam (Nam Đàn), Bích Hào (Thanh Chương); đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống đê sông, đê biển theo quy hoạch đã phê duyệt; các dự án xây dựng hạ tầng nuôi trồng thủy sản, hạ tầng lâm nghiệp,..: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tỉnh rà soát quy mô, phân kỳ đầu tư, xác định các hạng mục quan trọng cần ưu tiên làm trước; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đề xuất nguồn và mức vốn hỗ trợ Tỉnh thực hiện trong kế hoạch hàng năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Về hỗ trợ vốn cho các công trình, dự án hạ tầng giao thông:
- Dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn và mức hỗ trợ cho Tỉnh thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Về vay vốn nhàn rỗi Kho bạc nhà nước để thực hiện đầu tư: Giao Bộ Tài chính xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
- Dự án đường nối quốc lộ 1 đi thị xã Thái Hòa: Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải căn cứ khả năng cân đối ngân sách, xem xét, bố trí vốn để thực hiện.