Thông báo 272/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc với Bộ Tài chính về công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa các ngành: thuế và hải quan do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 272/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 31/08/2009 |
Ngày có hiệu lực | 31/08/2009 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Phạm Văn Phượng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 272/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 2009 |
Ngày 18 tháng 8 năm 2009, tại trụ sở Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính về công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành thuế và ngành hải quan. Tham dự có lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành thuế và ngành hải quan, ý kiến của các cơ quan và của lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:
a) Về thu ngân sách: phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã giao. Trên cơ sở đó, xây dựng dự toán thu năm 2010 đúng theo Chỉ thị số 756/CT-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010.
b) Về công tác cải cách thủ tục hành chính:
- Đối với ngành thuế: phấn đấu đến năm 2010, nâng thứ hạng môi trường kinh doanh của nước ta từ 140 lên 120, trong đó, số giờ làm thủ tục về thuế giảm từ 1.050 giờ xuống còn 600 giờ vào năm 2010 (thuế giảm 300 giờ, bảo hiểm xã hội – bảo hiểm y tế giảm 150 giờ) để đến năm 2011, đạt thứ hạng khoảng thứ 80, ngang bằng với Thái Lan hiện nay.
- Đối với ngành hải quan: phấn đấu đến năm 2010 giảm thời gian kiểm tra thực tế, thông quan hàng hóa xuống ít nhất bằng 1,5 lần so với các nước tiên tiến trong khu vực, đến năm 2011 bằng với mức trung bình 4 nước tiên triến trong khu vực (Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philipin).
c) Về đơn giản hóa thủ tục hành chính: thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm đơn giản hóa tối thiểu 30% các thủ tục hành chính đã công bố của ngành Tài chính, trong đó đơn giản hóa thủ tục thuế, hải quan phải cao hơn mức bình quân chung của ngành Tài chính.
3. Để đạt được các mục tiêu trên, yêu cầu Bộ Tài chính:
a) Rà soát và chuẩn lại các quy định về thủ tục trong các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng mô hình quy trình thu nộp thuế dựa trên cơ sở chuẩn mực quốc tế và khu vực. Căn cứ các yêu cầu trên, Bộ Tài chính chủ động rà soát các văn bản pháp luật có liên quan để ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các Bộ, ngành chức năng ban hành; đối với những quy định thuộc thẩm quyền Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền bổ sung đưa vào chương trình xây dựng, soạn thảo và ban hành.
b) Chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tập trung triển khai thực hiện tốt các công việc sau:
- Quy trình phân loại đối tượng nộp thuế theo mức độ quản lý rủi ro, và có cơ chế quản lý riêng phù hợp với từng nhóm đối tượng (lớn, vừa, nhỏ và ngành đặc thù) nộp thuế.
- Triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định số 103/2009/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử và việc thí điểm thực hiện nộp hồ sơ khai thuế qua mạng; đồng thời tổ chức thực hiện tốt đề án nộp thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại, kết nối thông tin qua mạng giữa các đơn vị trong ngành tài chính; tăng cường áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra thực tế hàng hóa nhằm giảm thời gian thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa và tăng hiệu quả công tác kiểm tra thực tế hàng hóa.
- Đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Hiện đại hóa quản lý thuế, Dự án Hiện đại hóa hải quan, nghiên cứu để sử dụng kết quả đấu thầu mua sắm thành công của các gói thầu thuộc dự án vốn vay quốc tế trong việc thực hiện dự án hiện đại hóa Hải quan, thuế để áp dụng vào việc mua sắm đói với dự án được sử dụng nguồn ngân sách.
Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính đã có để đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, mua sắm trang thiết bị tin học, phương tiện làm việc, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về người nộp thuế đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, hiện đại hóa thuế và hải quan.
- Chủ động thực hiện các chính sách thích hợp theo thẩm quyền để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành thuế, ngành hải quan để có nhiều cán bộ có đủ năng lực trình độ thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hóa; tái cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức thuế, hải quan theo hướng chuẩn hóa, chuyên sâu, chuyên nghiệp, trong sạch, từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực. Xây dựng văn hóa công chức thuế, hải quan, đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra để có đủ năng lực và trình độ, quyền hạn, trách nhiệm của thanh tra thuế, thanh tra hải quan theo quy định của pháp luật.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ, phòng chống tiêu cực, nhũng nhiễu, xây dựng văn hóa hải quan, thuế phục vụ đồng hành với doanh nghiệp.
- Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương rà soát, phát hiện các vướng mắc trong mối quan hệ phối hợp liên ngành làm cản trở quá trình cải cách, hiện đại hóa của ngành hải quan để áp dụng các biện pháp tháo gỡ, những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ động làm việc với các cơ quan liên quan về việc quy hoạch, bố trí, sắp xếp vị trí làm việc của các cơ quan hải quan tại các khu vực cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu đường bộ đảm bảo yêu cầu quản lý và đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ; việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành để có điều kiện tổ chức thực hiện theo các chuẩn mực quốc tế liên quan đến hải quan mà Việt Nam đã cam kết.
Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội – bảo hiểm y tế và các cơ quan liên quan để cải cách và đưa vào thực hiện thủ tục thu nộp bảo hiểm xã hội – bảo hiểm y tế gọn, hợp lý, thuận tiện hơn so với hiện nay để có thể giảm ít nhất 150 giờ làm thủ tục nộp bảo hiểm xã hội – bảo hiểm y tế so với 400 giờ hiện nay, góp phần nâng thứ hạng của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
c) Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong việc:
- Lập chương trình xây dựng pháp luật tài chính (trong đó có pháp luật thuế và hải quan) để có cơ sở nghiên cứu xây dựng trình Quốc hội sửa đổi các Luật vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, hiện đại hóa.
- Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật thuế, hải quan đến người dân và doanh nghiệp, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tuyên truyền pháp luật.
- Phối hợp với các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an, Quốc phòng xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy định thực hiện Thủ tục hành chính liên thông (một cửa) tại sân bay, cảng biển và cửa khẩu quốc tế đường bộ.
d) Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan:
- Rà soát các hệ thống cảng biển, cảng hàng không, cảng ICD… hiện có để bố trí ngay địa điểm trong khuôn viên cảng cho cơ quan hải quan lắp đặt, vận hành hệ thống máy móc thiết bị phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hải quan tại các cảng này.