Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông báo 262/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 262/TB-VPCP
Ngày ban hành 09/07/2014
Ngày có hiệu lực 09/07/2014
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 262/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH ĐỒNG THÁP

Ngày 25 và 26 tháng 6 năm 2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã thăm, khảo sát thực tế một số mô hình hợp tác xã nông nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp về tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2014 và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tỉnh. Tham gia đoàn công tác với Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ, Cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Văn phòng Chính phủ. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh, sau khi nghe đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả thực hiện kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2014, việc xây dựng, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và một số kiến nghị của Tỉnh, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp tiếp tục giữ ổn định và có những bước phát triển. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã đạt được trong thời gian vừa qua, cụ thể là:

1. Về kinh tế - xã hội: Năm 2013, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,6%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng 4,18%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,81%, thương mại - dịch vụ tăng 12,92%; thu nhập bình quân đầu người đạt 27,6 triệu đồng, tăng 8,86% so với năm 2012. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,53%; giải quyết việc làm mới cho hơn 3,2 vạn lao động; công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân có bước chuyển biến tích cực. Sáu tháng đầu năm 2014, Tỉnh đã cơ bản đạt được các chỉ tiêu phát triển trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng..., một số chỉ tiêu đạt cao hơn so với mặt bằng chung của vùng và cả nước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tiếp tục chuyển biến tích cực.

2. Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Tỉnh đã sớm hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các xã nông thôn mới và tổ chức triển khai sâu rộng, có hiệu quả, bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực; việc xây dựng nông thôn mới đã gắn với việc giảm nghèo, tạo việc làm ổn định cho người dân; từng bước thực hiện xã hội hóa đầu tư các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, cầu, đường giao thông nông thôn, công trình văn hóa, với tổng số vốn đã huy động đạt trên 66.905 tỷ đồng; hiện đã có 16 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Kinh tế hợp tác được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động; trong tổng số 179 hợp tác xã nông nghiệp toàn Tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới, hoạt động khá hiệu quả trong hợp tác liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tiêu thụ lúa gạo.

3. Về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Hoan nghênh và đánh giá cao Tỉnh chủ động, sáng tạo xây dựng Đề án với nội dung phù hợp với định hướng phát triển kinh tế và tiềm năng, lợi thế của địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, bền vững; Đề án tương đối toàn diện, đồng bộ, gắn với thực tiễn và có tính khả thi cao;

Trong quá trình tổ chức lại sản xuất, thực tiễn đã xuất hiện một số mô hình liên kết kiểu mới do người dân tự nguyện thành lập, hợp tác sản xuất để nâng cao hiệu quả, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khi giá cao thì bán ra ngoài, giá thấp yêu cầu hợp tác xã phải bao tiêu...; mô hình doanh nghiệp trong hợp tác xã, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với các hợp tác xã kiểu mới, có gắn với vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo cho nông dân từng bước có lòng tin, gắn bó với hợp tác xã, tổ hợp tác...nhằm nâng cao hiệu quả, lợi nhuận, góp phần nâng cao đời sống chung của nông dân.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Về cơ bản, nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp của Tỉnh đã đề ra. Trong thời gian tới, Tỉnh cần phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; lưu ý làm tốt một số việc sau:

1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về những giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó cần quan tâm xử lý tốt các khoản nợ xấu, hàng tồn kho; nghiên cứu, đưa ra cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, từ thị trường…, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh;

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, góp phần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, trong đó chú trọng nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào 03 sản phẩm lúa gạo, thủy sản, trái cây; tăng cường kỷ cương, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền;

Tiếp tục quan tâm phát triển y tế, giáo dục, đào tạo nghề, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nhất là công tác kiềm chế, đẩy lùi tội phạm và giảm thiểu tai nạn giao thông.

2. Chỉ đạo quyết liệt và thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; theo đó, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Chương trình, phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên, là tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương cần huy động mọi nguồn lực xã hội để thực hiện. Năm 2014, phấn đấu vượt chỉ tiêu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

3. Về tái cơ cấu kinh tế và Đề án tại cơ cấu ngành nông nghiệp của Tỉnh:

a) Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, trong đó chú trọng tái cơ cấu đầu tư công và phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, bền vững; theo đó cần tập trung chỉ đạo rà soát, tính toán phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp (lúa gạo, thủy sản, trái cây) và dịch vụ du lịch...;

b) Đối với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Tỉnh và các Bộ, ngành liên quan cần tập trung làm tốt một số nội dung như sau:

- Nguyên tắc xây dựng các dự án, chính sách: Phải tôn trọng quy luật thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Sự hỗ trợ của nhà nước với mức độ phù hợp và trong khuôn khổ của pháp luật; việc hỗ trợ ban đầu yêu cầu phải có điều kiện, thời gian và không phân biệt giữa các loại hình doanh nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp phải hướng đến ứng dụng công nghệ cao nhằm thay đổi tập quán sản xuất cá thể, nhỏ lẻ không gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ; triển khai thực hiện Đề án không cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng phải bảo đảm tính hiệu quả.

- Quy hoạch nông nghiệp gắn với thị trường sản phẩm, lựa chọn phát triển sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường, kết hợp với tái cơ cấu trên địa bàn Tỉnh, khu vực, vùng và cả nước.

Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với hợp tác xã, với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong việc tìm đầu ra, đặt hàng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm sản xuất ổn định, bền vững;

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu mô hình tổ chức sản xuất đa dạng của các hợp tác xã kiểu mới để đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các hợp tác xã phát triển; hướng dẫn các địa phương nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng về đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất, từ khâu giống đến tất cả các khâu trong quá trình sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng và đạt hiệu quả cao;

- Bộ Tài chính sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và tiếp tục nghiên cứu mở rộng bảo hiểm nông nghiệp nhằm giảm bớt rủi ro cho nông dân;

- Đối với các nội dung thí điểm cụ thể của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tỉnh: Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản gửi các Bộ, ngành liên quan để xem xét giải quyết theo thẩm quyền; đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân khi vay vốn thuê đất, tăng quy mô sản xuất nông nghiệp; cho xã viên hợp tác xã Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông) thực hiện san bằng mặt ruộng để sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn: Đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Tài chính hướng dẫn Tỉnh thực hiện.

[...]