Thông báo 257/TB-VPCP năm 2020 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 257/TB-VPCP
Ngày ban hành 27/07/2020
Ngày có hiệu lực 27/07/2020
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 257/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 27 tháng 7 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Sáng ngày 27 tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Đắc Vinh, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, ý kiến của các Phó Thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Trong mấy ngày qua, dịch bệnh đã có diễn biến phức tạp tại Thành phố Đà Nẵng, đã ghi nhận trên 10 ca nhiễm bệnh mới trong cộng đồng trong đó có cả nhân viên y tế song chưa tìm được nguồn lây; chủng vi rút được ghi nhận có độc lực cao, khả năng lây lan nhanh; nguy cơ lây lan dịch bệnh tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng, các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn thuộc Thành phố Đà Nẵng là rất cao và xuất hiện nguy cơ lây lan dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ liên quan, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, nhất là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế tiếp tục chủ động, bình tĩnh, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.

2. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đảng bộ và chính quyền Thành phố Đà Nẵng coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong thời điểm hiện nay, tiếp tục tập trung cao độ, chỉ đạo quyết liệt, huy động sức mạnh tổng hợp, phản ứng nhanh, tăng tốc truy vết, xét nghiệm trên diện rộng nhằm ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan ra toàn Thành phố và các tỉnh, thành phố khác.

Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng tổ chức thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ để phòng, chống dịch trên phạm vi toàn Thành phố trong ít nhất 14 ngày bắt đầu từ 0 giờ ngày 28 tháng 7 năm 2020. Đối với các khu vực, địa bàn có nguy cơ cao (như tại 3 bệnh viện, một số nơi các bệnh nhân đã đến), cần phải phong tỏa, cách ly và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020. Đối với các khu vực, địa bàn còn lại, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020.

Tùy diễn biến dịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng xem xét, quyết định mức nguy cơ và biện pháp phù hợp, kịp thời để phòng, chống dịch đối với từng khu vực, địa bàn trên phạm vi thành phố.

3. Đối với xử lý dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Đà Nẵng

a) Các Bộ: Y tế, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an tiếp tục hỗ trợ Thành phố Đà Nẵng phòng, chống dịch, nhất là trong việc truy vết, tìm nguồn lây, tăng cường năng lực và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm trên diện rộng, xác định mức nguy cơ đối với từng khu vực, địa bàn.

b) Bộ Y tế chỉ đạo và tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư... hỗ trợ Thành phố Đà Nẵng xét nghiệm nhanh, truy vết, điều trị các bệnh nhân, không để xảy ra trường hợp tử vong; lưu ý bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ y tế và các lực lượng chức năng, kể cả phóng viên tác nghiệp về phòng, chống dịch. Bộ Y tế chỉ đạo Thành phố Đà Nẵng thành lập bệnh viện dã chiến và sử dụng thêm một số cơ sở điều trị ở Huế, Quảng Nam đáp ứng kịp thời yêu cầu điều trị khi dịch bùng phát.

c) Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện nghiêm việc tiêu độc, khử trùng các địa điểm, khu vực bị cách ly, phong tỏa tại Thành phố Đà Nẵng.

d) Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tăng cường phương tiện và hoạt động vận tải để đưa khách du lịch rời Thành phố Đà Nẵng trong thời gian sớm nhất có thể.

đ) Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo phát huy hiệu quả truyền thông và công nghệ, kể cả hệ thống truyền thông cơ sở, nhắn tin mạng xã hội để thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch; hỗ trợ Thành phố Đà Nẵng truy vết nguồn lây và người có nguy cơ lây nhiễm bệnh trên diện rộng.

4. Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan chỉ đạo:

a) Khuyến cáo người đã đến Thành phố Đà Nẵng và trở về địa phương trong khoảng thời gian từ ngày 08 tháng 7 đến nay thực hiện khai báo y tế điện tử, tự theo dõi sức khỏe; đối với người đã đến các khu vực có nguy cơ cao bị cách ly, phong tỏa, hoặc có biểu hiện ho, sốt thì yêu cầu thực hiện ngay việc xét nghiệm.

b) Kiểm tra các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng để kịp thời áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

5. Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới (giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia) tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhập cảnh, ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Bộ Quốc phòng rà soát việc kiểm soát nhập cảnh trên các tuyến biên giới, nhất là qua các tuyến đường mòn, lối mở; xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có sai phạm trong quản lý biên giới.

6. Bộ Công an tập trung chỉ đạo xử lý các vụ việc nhập cảnh trái phép; chỉ đạo rà soát, kiểm tra các trường hợp nhập cảnh tại Thành phố Đà Nẵng, các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh miền Trung, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; phối hợp ngành y tế tổ chức xét nghiệm đối với người nước ngoài nhập cảnh trong thời gian gần đây; có biện pháp điều tra tìm nguyên nhân cụ thể.

7. Các Bộ: Quốc phòng, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chuẩn bị, bảo đảm sẵn sàng các cơ sở cách ly tập trung, kể cả bệnh viện dã chiến, cơ sở lưu trú, khách sạn để sử dụng kịp thời khi cần thiết, nhất là tại Thành phố Đà Nẵng. Tại các thành phố lớn, phải bảo đảm cung ứng đầy đủ các hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn...

8. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế; lưu ý đề phòng, ngăn chặn các âm mưu, hành động lợi dụng tình hình dịch bệnh tiến hành phá hoại, gây mất an ninh trật tự.

Chính phủ kiên quyết triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời chỉ đạo tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và các hoạt động kinh tế - xã hội khác. Chính phủ đề nghị các nhà đầu tư và nhân dân tin tưởng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

9. Các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước.

10. Ngành y tế phát động toàn ngành, tập trung mọi lực lượng phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời chú ý phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết, không để bùng phát, lan rộng tại các địa phương.

11. Ngành giáo dục và đào tạo tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Các địa phương đều phải có phương án phù hợp, bảo đảm an toàn.

12. Đồng ý chủ trương tiếp tục duy trì một số hoạt động trực tuyến (như khám bệnh từ xa, giáo dục từ xa, thực hiện thủ tục hành chính...).

[...]