Thông báo 24/2022/TB-LPQT hiệu lực của Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam - Nhật Bản

Số hiệu 24/2022/TB-LPQT
Ngày ban hành 24/11/2021
Ngày có hiệu lực 31/08/2022
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,Chính phủ Nhật Bản
Người ký Lê Minh Trí,Yamada Takio
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2022/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2022

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại Điều 56 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản, ký tại Tô-ky-ô ngày 24 tháng 11 năm 2021, có hiệu lực ngày 31 tháng 8 năm 2022.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 59 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Lương Ngọc

 

HIỆP ĐỊNH

TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ HÌNH SỰ GIỮA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản (sau đây gọi là “các Bên”),

Với mong muốn củng cố quan hệ hợp tác hiệu quả hơn nữa giữa hai nước trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự,

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1

Đối tượng, mục đích và phạm vi tương trợ

1. Theo yêu cầu của Bên kia, mỗi Bên dành cho nhau sự tương trợ tư pháp (sau đây gọi là “tương trợ”) liên quan đến điều tra, truy tố và các thủ tục tố tụng hình sự khác phù hợp với các quy định của Hiệp định này.

2. Phạm vi tương trợ bao gồm:

(1) lấy lời khai hoặc tường trình;

(2) thu thập đồ vật, bao gồm cả thông qua việc thực hiện khám xét và thu giữ;

(3) kiểm tra người, đồ vật hoặc địa điểm;

(4) xác định hoặc nhận dạng người, đồ vật hoặc địa điểm;

(5) cung cấp đồ vật thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước;

(6) gửi thư mời cho người cần có mặt tại Bên yêu cầu;

(7) chuyển giao tạm thời người đang bị giam giữ để lấy lời khai hoặc các mục đích khác;

(8) tống đạt tài liệu liên quan đến các thủ tục tố tụng hình sự;

(9) hỗ trợ các thủ tục tố tụng liên quan đến việc tịch thu và phong tỏa tài sản do phạm tội mà có hoặc công cụ, phương tiện phạm tội; và

(10) các hình thức tương trợ khác mà pháp luật của Bên được yêu cầu cho phép và theo thỏa thuận giữa Cơ quan trung ương của các Bên.

Thuật ngữ “đồ vật” được sử dụng trong Hiệp định này được hiểu là tài liệu, hồ sơ và vật chứng.

[...]