Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Ác-hen-ti-na

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 25/04/2023
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Hiệp định
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà Argentina,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Pablo Anselmo Tettamanti,Nguyễn Quang Dũng
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

HIỆP ĐỊNH

TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ HÌNH SỰ GIỮA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ NƯỚC CỘNG HÒA ÁC-HEN-TI-NA

Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Ác-hen-ti-na (sau đây gọi là “các Bên”),

Coi trọng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác đoàn kết;

Mong muốn tăng cường hợp tác nhằm đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, bình đẳng và lợi ích của nhau;

Đã thoả thuận như sau:

Điều 1

Phạm vi tương trợ

1. Phù hợp với các quy định của Hiệp định này và pháp luật của mỗi Bên, các Bên dành cho nhau sự tương trợ ở mức tối đa trong các vấn đề về hình sự.

2. Phạm vi tương trợ bao gồm:

a) Tống đạt giấy tờ;

b) Triệu tập người làm chứng, người giám định;

c) Thu thập và cung cấp chứng cứ, bao gồm lời khai của cá nhân, mẫu ADN và chứng cứ điện tử;

d) Xác định địa chỉ và nhận dạng người;

e) Chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự;

f) Sắp xếp cho người đang chấp hành hình phạt tù tại Bên được yêu cầu đến Bên yêu cầu để hỗ trợ điều tra, cung cấp chứng cứ và lời khai;

g) Áp dụng các biện pháp nhằm truy tìm, kê biên, phong tỏa, thu giữ hoặc tịch thu tài sản do phạm tội mà có và/hoặc công cụ, phương tiện phạm tội;

h) Trao đổi thông tin;

i) Các hình thức tương trợ khác phù hợp với mục đích của Hiệp định này và không trái với pháp luật của Bên được yêu cầu.

3. Hiệp định này không áp dụng đối với:

a) Dẫn độ hoặc bắt hoặc giam giữ người để dẫn độ;

b) Thi hành bản án hình sự của Bên yêu cầu ở Bên được yêu cầu, trừ những trường hợp pháp luật của Bên được yêu cầu và Hiệp định này cho phép;

c) Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù để thi hành án.

Điều 2

Cơ quan trung ương

1. Mỗi Bên chỉ định Cơ quan trung ương vì mục đích thi hành Hiệp định này, gửi và nhận trực tiếp yêu cầu tương trợ và kết quả thực hiện.

2. Các cơ quan dưới đây được chỉ định là Cơ quan trung ương kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực:

a) Cơ quan trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

b) Cơ quan trung ương của nước Cộng hòa Ác-hen-ti-na là Bộ Ngoại giao, Thương mại quốc tế và Tôn giáo.

3. Các Bên sẽ thông báo cho nhau bất kỳ sự thay đổi nào về Cơ quan trung ương quy định tại khoản 2 Điều này.

[...]