Thông báo 218/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại Hội nghị giao ban tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 6 tháng đầu năm 2015 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 218/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 09/07/2015 |
Ngày có hiệu lực | 09/07/2015 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Lê Mạnh Hà |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 218/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 2015 |
Ngày 25 tháng 6 năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì Hội nghị giao ban tái cơ cấu DNNN 6 tháng đầu năm 2015. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các cơ quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Yên Bái, Hải Dương; các thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty Mua bán nợ Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, địa phương, cơ quan và doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã kết luận như sau:
Cơ chế, chính sách liên quan đến đổi mới tổ chức, hoạt động, quản lý, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN đã được ban hành tương đối đầy đủ để đổi mới hoạt động của DNNN và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN. Những cơ chế, chính sách cần tiếp tục hoàn thiện sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Tiến độ thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong Quý II về cơ bản duy trì như Quý I năm 2015. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đạt kết quả tương đối khả quan, giá trị thu về bình quân bằng 1,15 lần giá trị đầu tư; qua đó cho thấy việc thực hiện thoái vốn nhà nước một cách chặt chẽ, có lộ trình, không thoái bằng mọi giá là đúng đắn.
Một số cơ chế, chính sách về tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN còn chậm được ban hành. Việc bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn còn chưa kịp thời; còn có những cơ quan chưa thật sự quan tâm khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN.
Những tồn tại yếu kém trên đây có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ quan là chủ yếu, đặc biệt là việc chưa xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN được giao. Đến nay, mới chỉ có một số ít đơn vị như Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thực hiện được việc này.
a) Phân tích làm rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, yếu kém trong công tác tái cơ cấu DNNN ở đơn vị mình để rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục, thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
b) Khẩn trương ban hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu DNNN theo kế hoạch đã đề ra:
- Ngay trong tháng 7 năm 2015:
+ Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, theo nhiệm vụ đã được giao, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 dự thảo Nghị định, Quyết định và Báo cáo sau đây: (1) Nghị định về công bố thông tin của công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; (2) Nghị định về tổ chức, quản lý và hoạt động của DNNN trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; (3) Báo cáo rà soát các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 của Chính phủ; (4) Nghị định quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; (5) Nghị định về giám sát, đánh giá hiệu quả công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp; (6) Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
+ Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo thẩm quyền, ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp về: việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông, lâm trường quốc doanh; quản lý rừng sản xuất là rừng tự nhiên; chính sách khuyến khích chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KHCN về giống mới, phân bón, cơ giới hóa, công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và chế biến; sửa đổi, bổ sung chính sách đầu tư, phát triển rừng trồng trên diện tích đất được quy hoạch là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; chính sách đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng; thu hút và khuyến khích đầu tư; đặt hàng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp; việc xử lý các khoản nợ vay của công ty nông, lâm nghiệp tại tổ chức tín dụng khi thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP.
Trong Quý III năm 2015: Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN.
c) Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước:
- Chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu DNNN đã đề ra, đặc biệt là cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung các Nghị định có liên quan, áp dụng 9 nội dung nêu tại mục 5 Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ. Tập trung vào một số công việc sau:
- Trong Quý III năm 2015, hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa 44 doanh nghiệp và ban hành quyết định công bố giá trị 127 doanh nghiệp. Trong Quý IV năm 2015, hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa của 127 doanh nghiệp nêu trên. Trước ngày 15 tháng 7 năm 2015, báo cáo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân đối với 57 doanh nghiệp đến nay chưa tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp. Triển khai các biện pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.
- Tiếp tục thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, vốn nhà nước ở những doanh nghiệp đã cổ phần hóa và bán cổ phần nhưng chưa bán được như phương án đã được phê duyệt. Đối với những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, càng để lâu càng mất vốn nhà nước thì lãnh đạo doanh nghiệp cần sớm báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để xử lý ngay, đồng thời làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan. Giao Bộ Tài chính theo dõi việc này, định kỳ hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Trong khi chưa sửa đổi, bổ sung Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, các Bộ, ngành, địa phương và DNNN tiếp tục rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch sắp xếp DNNN để thực hiện ngay hoặc thực hiện trong giai đoạn tới.
- Khẩn trương xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp trực thuộc, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện; trong đó chú ý việc rà soát đất đai, xây dựng phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp phù hợp với nhiệm vụ được giao và quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Những đơn vị đã được phê duyệt Phương án cần khẩn trương triển khai thực hiện. Trong tháng 7 năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình phê duyệt Phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp.
- Định kỳ hàng tháng, báo cáo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tiến độ thực hiện, những vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc chuyển các cơ quan chức năng giải quyết, xử lý theo thẩm quyền.
d) Trong Quý III năm 2015, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiến hành rà soát, phân loại và lập phương án thoái vốn tổng thể đối với số vốn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư vào 5 lĩnh vực: bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
đ) Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phối hợp với Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh được giao.
e) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổng kết công tác sắp xếp, tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015, xây dựng phương án tổng thể cho giai đoạn 2016 - 2020.
g) Bộ Tư pháp khẩn trương thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tái cơ cấu DNNN, bảo đảm các quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN.