Thông báo số 21/TB-VPCP về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị sơ kết thực hiện quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 21/TB-VPCP
Ngày ban hành 01/02/2008
Ngày có hiệu lực 01/02/2008
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước,Giáo dục

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 21/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2008

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 157/2007/QĐ-TTG NGÀY 27 THÁNG 9 NĂM 2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN

Ngày 28 tháng 01 năm 2008, tại Thủ đô Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo: Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường Cao đẳng kinh tế Công nghiệp, Trường Cao đẳng nghề Bắc Giang, Ngân hàng Chính sách Xã hội các tỉnh và Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội, thành phố: Phú Thọ, Bắc Giang, Nghệ An, Đắk Lắk, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch.

Sau khi nghe Ngân hàng Chính sách Xã hội báo cáo kết quả 3 tháng triển khai thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; ý kiến của các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, và chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành, cơ quan, trường học, cơ sở đào tạo nghề và địa phương, đặc biệt là sự cố gắng của đội ngũ cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội, trong thời gian ngắn sau 3 tháng, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, đã chủ động, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện tốt chương trình đối với học sinh, sinh viên, cụ thể:

a) Về nguồn vốn: trong quý IV năm 2007, Bộ Tài chính đã chuyển cho Ngân hàng Chính sách Xã hội 2.500 tỷ đồng để cho vay theo chương trình này.

b) Về cho vay:

- Doanh số cho vay từ 01 tháng 10 năm 2007 đến 31 tháng 12 năm 2007 đạt 2.505 tỷ đồng; với 596 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn trong kỳ.

- Tổng dư nợ cho vay học sinh, sinh viên đạt 2.803 tỷ đồng, với 630 nghìn học sinh, sinh viên đang vay vốn. Trong đó, cho vay sinh viên đại học, cao đẳng chiếm 68%, trung cấp 24%, học nghề trên 1 năm 6% và học nghề dưới 1 năm là 2%. Về cơ bản, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã triển khai cho vay kịp thời, đúng đối tượng, bảo đảm không có học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì không có tiền đi học.

c) Về công tác kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ: các Bộ, ngành và Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện việc kiểm tra tại 64 tỉnh, thành phố với 2.901 xã và 44 nghìn hộ vay vốn được kiểm tra. Trong đó, có 1% hộ vay có sai sót, chủ yếu là sai sót về đối tượng người vay không thuộc diện được vay vốn theo quy định của Chính phủ. Tất cả các trường hợp sai sót này, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã kiên quyết và có kế hoạch xử lý thu hồi nợ, rút tên hộ vay ra khỏi danh sách được vay.

Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ có sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, cơ chế, chính sách phù hợp, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của hệ thống chính trị từ Trung ương tới các địa phương. Trong quá trình thực hiện đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, cơ quan, nhà trường, địa phương và Ngân hàng Chính sách Xã hội để kịp thời xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc nảy sinh.

2. Về mặt bạn chế, tồn tại: bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình còn có tồn tại, thiếu sót cần rút kinh nghiệm, cụ thể: 1% số hộ vay vốn Ủy ban nhân dân xác nhận sai đối tượng thụ hưởng theo quy định, 0,02% hộ vay sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích; sự phối kết hợp giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội và nhà trường trong việc thông tin về tình hình học sinh, sinh viên vay vốn chưa có sự thống nhất.

II. MỘT SỐ CÔNG VIỆC CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

1. Về nguồn vốn cho vay đối với học sinh, sinh viên

Để bảo đảm đủ nguồn vốn cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; giao Bộ Tài chính bổ sung phương án về nguồn vốn cho vay năm 2008 theo đề nghị của Ngân hàng Chính sách Xã hội để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong cuộc họp Thường trực Chính phủ kỳ tới. Trước mắt, để có nguồn vốn cho học sinh, sinh viên vay học kỳ II năm học 2007 - 2008, Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước chuyển 1.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi cho Ngân hàng Chính sách Xã hội vào đầu tháng 2 năm 2008.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn chỉ đạo Ủy ban nhân dân địa phương về việc xác nhận hộ gia đình vay vốn để chi phí học tập cho học sinh, sinh viên phải đúng đối tượng quy định của Chính phủ.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có phương án chỉ đạo các trường đại học (tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề trực thuộc thực hiện việc: yêu cầu học sinh, sinh viên làm cam kết việc trả nợ vay Ngân hàng Chính sách Xã hội trước khi tốt nghiệp ra trường và khi có việc làm cần thông báo cho Ngân hàng Chính sách Xã hội cơ quan, đơn vị tuyển dụng vào làm việc.

4. Ngân hàng Chính sách Xã hội thông báo cho nhà trường, cơ sở đào tạo về kết quả cho vay từng học sinh, sinh viên và ngược lại nhà trường, cơ sở đào tạo thông báo cho Ngân hàng Chính sách Xã hội những trường hợp học sinh sinh viên đã được vay vốn nhưng chưa đóng học phí kịp thời. Để làm được việc này cần có phần mềm hỗ trợ; giao Ngân hàng Chính sách Xã hội phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học "Xây dựng phần mềm theo dõi tình hình vay nợ của học sinh, sinh viên và được sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học để hỗ trợ.

5. Tại các địa phương cần tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình. Giao Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách Xã hội tỉnh, thành phố chủ trì cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị này trong quý I năm 2008.

6. Ngân hàng Chính sách Xã hội cần có thông báo tóm tắt về kết quả thực hiện chương trình này, nêu rõ những tồn tại thiếu sót để gửi Ủy ban nhân dân các cấp, Bộ, ngành liên quan biết và chấn chỉnh. Việc cho vay đào tạo nghề đối với học sinh các trường Cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và các lớp dạy nghề ngắn hạn có thể được thực hiện vào nhiều thời điểm trong năm.

7. Đài Truyền hình Việt Nam bố trí thời lượng chương trình cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Chính sách Xã hội giao lưu trực tuyến với đại diện thầy, cô giáo và học sinh, sinh viên một số trường, cơ sở đào tạo vào đầu Xuân 2008.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó TTg CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Bộ: TC, LĐ-TB&XH, GD&ĐT, KH&ĐT;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Kho bạc Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Đài Truyền hình Việt Nam;
- Đài Tiếng nói Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website CP, các Vụ: VX, KG, TH, TTBC;
- Lưu: VT, KTTH (4b). A.100

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Phúc

 

4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ