Thông báo 21/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp thường trực Chính phủ về tình hình tài nguyên khoáng sản của Việt Nam và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực địa chất - khoáng sản do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 21/TB-VPCP
Ngày ban hành 27/01/2010
Ngày có hiệu lực 27/01/2010
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Văn Trọng Lý
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 21/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 27 tháng 01 năm 2010

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ TÌNH HÌNH TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN CỦA VIỆT NAM VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC ĐỊA CHẤT - KHOÁNG SẢN

Ngày 18 tháng 01 năm 2010, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về tình hình tài nguyên khoáng sản của Việt Nam và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực địa chất - khoáng sản. Tham dự có lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng báo cáo, ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:

1. Trong những năm qua, công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản đã thu được những kết quả đáng khích lệ, phát hiện mới nhiều khu vực có triển vọng về tài nguyên khoáng sản, trong đó một số khu vực khoáng sản có tiềm năng lớn so với thế giới, góp phần gia tăng đáng kể tài nguyên phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước; công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được tăng cường một bước; hoạt động khoáng sản dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản còn chưa đạt tiến độ đề ra; công tác quản lý nhà nước về khoáng sản vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao; tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác chế biến, sử dụng có hiệu quả cao, tổn thất tài nguyên khoáng sản còn lớn; nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản còn hạn chế, chưa phát huy được tiềm năng của nguồn lực tài nguyên khoáng sản cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2. Để khắc phục những tồn tại nêu trên, yêu cầu:

- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương, các Bộ nghành liên quan rà soát lại thể chế, đề xuất giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ hơn tài nguyên khoáng sản theo hướng hạn chế tối đa xuất khẩu khoáng sản thô, tăng cường chế biến sâu, bảo vệ môi trường; hình thành những ngành sản xuất công nghiệp đối với những khoáng sản lớn; nghiên cứu, đề xuất cơ chế tài chính hợp lý nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách từ hoạt động khoáng sản.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) đúng tiến độ, chất lượng để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp đầu và thông qua vào kỳ họp cuối của năm 2010.

- Tăng cường đầu tư cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản ẩn sâu, khoáng sản đáy biển để tìm kiếm, phát hiện thêm mỏ mới. Cho phép lập danh mục sử dụng nguồn vốn ODA cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản, tập trung vào các khoáng sản như: bôxit, than, titan, urani... để có cơ sở bổ sung quy hoạch; nghiên cứu, đề xuất thí điểm cho phép doanh nghiệp tham gia góp vốn đầu tư ngay từ giai đoạn điều tra khoáng sản, trình Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án chế biến khoáng sản, nhất là khoáng sản kim loại (quặng titan, chì - kẽm, crômit, quặng sắt v.v... ) để kịp thời điều chỉnh quy hoạch, khắc phục tình trạng đầu tư khai thác tràn lan và xây dựng các nhà máy chế biến khoáng sản thô như hiện nay.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các địa phương tiến hành rà soát lại các Giấy phép hoạt động khoáng sản đã cấp theo thẩm quyền để chấn chỉnh hoặc thu hồi các Giấy phép đã cấp vi phạm quy định của pháp luật về khoáng sản; phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất việc tạm dừng cấp phép hoạt động khoáng sản đối với một số loại khoáng sản lớn, quan trọng trong khi chưa hoàn thành việc điều tra cơ bản địa chất, xác định trữ lượng khoáng sản.

3. Về công tác điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến một số loại khoáng sản có tiềm năng quy mô lớn

- Đối với khoáng sản bôxit:

Bộ Tài nguyên và Môi trường lập đề án điều tra đánh giá tổng thể tài nguyên bôxit, để bổ sung trữ lượng phục vụ cho việc điều chỉnh Quy hoạch chung về bôxit, xây dựng ngành công nghiệp sản xuất alumin - nhôm tương xứng với nguồn trữ lượng lớn bôxit của nước ta. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí đủ kinh phí để tổ chức thực hiện.

Bộ Công Thương đẩy mạnh việc triển khai thực hiện đầu tư dự án Tân Rai (Lâm Đồng), bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khởi công dự án Nhân Cơ (Đắk Nông). Chưa cấp phép các dự án mới về khai thác, chế biến bôxit.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tiếp tục triển khai Dự án nhà máy Hydroxit nhôm số 1 theo tiến độ đề ra.

- Đối với khoáng sản titan - zircon:

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục cấp đủ kinh phí cho Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm bảo hoàn thành Đề án điều tra đánh giá tiềm năng sa khoáng titan - ziron trong tầng cát đỏ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và Bắc Bà Rịa-Vũng Tàu trong năm 2010.

Ưu tiên khai thác trước một số khu vực để giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình công nghiệp, dân dụng, điện gió, du lịch ven biển Bình Thuận, Bình Định và Ninh Thuận.

Đẩy mạnh việc chuẩn bị đầu tư các dự án chế biến sâu đến sản phẩm pigment tại Hà Tĩnh, Bình Thuận, Ninh Thuận và Thái Nguyên; tìm kiếm đối tác chuyển giao công nghệ sản xuất titan xốp và titan kim loại tại Việt Nam.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan rà soát kết quả điều tra titan - zircon mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung Quy hoạch chung về titan; nghiên cứu, xây dựng ngành công nghiệp khai thác, chế biến titan - zircon mới nhất của Tài nguyên và Môi trường bổ sung Quy hoạch chung về titan; nghiên cứu, xây dựng ngành công nghiệp khai thác, chế biến titan - zicon với công nghệ tiên tiến, hiện đại tương xứng với tiềm năng về trữ lượng khoáng sản titan - zircon, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước trước mắt và lâu dài, đảm bảo hiệu quả kinh tế, môi trường sinh thái, bảo vệ an ninh quốc phòng.

- Đối với khoáng sản than:

Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm lập đề án tiến hành điều tra đánh giá than tại bể than đồng bằng sông Hồng và vùng phụ cận trình Thủ tướng Chính phủ; triển khai đúng quy định của pháp luật về khoáng sản và các quy định khác có liên quan, bảo đảm các yêu cầu quản lý, khai thác gắn với bảo vệ mội trường.

Đẩy mạnh hoạt động thăm dò đánh giá trữ lượng và thăm dò nâng cấp trữ lượng hiện có để đảm bảo đủ trữ lượng tin cậy huy động vào khai thác trong giai đoạn 2010-2015; công tác thăm dò phần tài nguyên than dưới mức -300m của bể than Đông Bắc (Quảng Ninh); kết hợp đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò, khai thác để bổ sung nguồn than lâu dài cho nhu cầu trong nước, nhất là tại Liên bang Nga.

Bộ Công Thương nghiên cứu, quyết định việc thành lập Ban chỉ đạo nhập khẩu than phục vụ phát triển kinh tế đất nước cho những năm tiếp theo.

- Đối với đá vôi xi măng:

Cân đối nhu cầu trong nước và tính đến khả năng xuất khẩu để điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng, ưu tiên khuyến khích phát triển sản xuất xi măng đặc biệt: xi măng porlan bền sulfat để phục vụ các công trình hạ tầng liên quan đến môi trường nước lợ như cảng biển, tàu điện ngầm...

- Đối với cát trắng:

Bộ Xây dựng chỉ đạo tìm kiếm đối tác chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất: kính tiết kiệm năng lượng, phalê, kính quang học, men frit và sản phẩm khác như bông sợi thuỷ tinh...

[...]