Thông báo 158/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP và 83/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Lâm nghiệp do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 158/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 28/04/2023 |
Ngày có hiệu lực | 28/04/2023 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Cao Lục |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 158/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2023 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN LƯU QUANG TẠI CUỘC HỌP VỀ DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 156/2018/NĐ-CP VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 83/2020/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT LÂM NGHIỆP
Ngày 18 tháng 4 năm 2023 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP và Nghị định số 83/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Tham dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ. Sau khi nghe báo cáo của đại diện Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến phát biểu đại diện lãnh đạo các bộ, ngành dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận như sau:
1. Sau hơn 4 năm thực hiện Luật Lâm nghiệp năm 2017, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP đã góp phần đưa Luật Lâm nghiệp đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến quan trọng trong lĩnh vực lâm nghiệp, giải quyết được nhiều vướng mắc trong thực tiễn, thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp, công nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản, tạo nguồn thu dịch vụ môi trường rừng ổn định, góp phần tích cực vào việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, một số quy định của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP và Nghị định số 83/2020/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, cần kịp thời sửa đổi, bổ sung để vừa bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp, vừa tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và ủng hộ những nỗ lực, cố gắng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, địa phương liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP và Nghị định số 83/2020/NĐ-CP, để tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc ở địa phương.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP và Nghị định số 83/2020/NĐ-CP trước hết phải đảm bảo nguyên tắc thượng tôn pháp luật; cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn trên cơ sở tìm kiếm sự đồng thuận để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, áp dụng các biện pháp thi hành luật.
2. Đối với 05 vấn đề cụ thể được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và các bộ, ngành có ý kiến thảo luận tại cuộc họp (Quy định về sự phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia khi chuyển mục đích sử dụng rừng; Thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Quản lý xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; Quy định về chi trả dịch vụ “Hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng”; Thanh lý rừng trồng): Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu kỹ ý kiến của các bộ, cơ quan tại cuộc họp, có báo cáo giải trình đầy đủ, thuyết phục, thống nhất các nội dung có liên quan đến 05 vấn đề này với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan trước khi trình Chính phủ; trường hợp cần thiết thì lấy thêm ý kiến địa phương và các cơ quan liên quan để tạo sự thống nhất, đồng thuận.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |