Thông báo 114/TB-VPCP năm 2015 ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 114/TB-VPCP
Ngày ban hành 03/04/2015
Ngày có hiệu lực 03/04/2015
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sỹ Hiệp
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 114/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 03 tháng 04 năm 2015

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2030

Ngày 10 tháng 3 năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo về Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII). Tham gia họp có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh; lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương và các Tập đoàn báo cáo, ý kiến của Phó Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Sau gần 4 năm thực hiện Quy hoạch điện VII, ngành điện đã đạt được những thành tựu quan trọng: Sản lượng điện thương phẩm tăng bình quân gần 11%/năm; công suất nguồn điện tăng nhanh, trong giai đoạn 2011 - 2014 đưa vào vận hành trên 13.000 MW, nâng tổng công suất nguồn điện hiện nay của cả nước lên trên 34.000 MW. Từ chỗ thiếu điện, phải tiết giảm điện trong các năm 2010, 2011, đến nay không những đã cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, mà còn có dự phòng; chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi cũng phát triển vượt bậc với kết quả là trên 98% hộ dân nông thôn có điện.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành điện cũng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập, như: (i) Do một số nguồn điện và cung cấp khí không đáp ứng tiến độ, dẫn đến phân bố công suất nguồn điện không đồng đều giữa các vùng (khu vực phía Bắc và miền Trung có công suất dự phòng cao, phía Nam dự phòng thấp); các dự án IPP, BOT (Hải Dương, Kiên Lương,...) triển khai quá chậm làm ảnh hưởng đến cân đối điện chung; (ii) phát triển lưới điện truyền tải 220 kV đạt thấp, dẫn đến một số thành phố lớn, khu vực trung tâm phụ tải bị quá tải, ảnh hưởng đến đến độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng; (iii) việc sử dụng điện của nền kinh tế nói chung còn chưa hiệu quả, tiết kiệm, năng suất lao động ngành còn thấp; (iv) nhu cầu điện thấp hơn dự báo, cơ cấu nhiên liệu cung cấp cho sản xuất điện cũng có thay đổi; (v) tiến độ thực tế một số dự án nguồn điện và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận kéo dài.

2. Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII phải đề ra các giải pháp cụ thể để khắc phục cho được những bất cập nêu trên và hướng tới các mục tiêu sau: Bảo đảm cấp đủ điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân; tăng cường độ tin cậy và an ninh cung cấp điện; khuyến khích tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng; thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường để thu hút đầu tư phát triển điện; khuyến khích sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước để bảo đảm sản xuất điện bền vững; khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

II. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG VÀ CÁC TẬP ĐOÀN

Đồng ý với các đề xuất, kiến nghị của Bộ Công Thương và các Tập đoàn về các giải pháp để đảm bảo cung cấp điện giai đoạn đến năm 2020, cụ thể:

1. Đồng ý các dự án nguồn và lưới điện cấp bách được tiếp tục áp dụng quy định tại Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ các gói thầu của kênh Quan Chánh Bố, đê Nam của Cảng than Trung tâm điện lực Duyên Hải, đưa vào hoạt động đúng tiến độ để đảm bảo điều kiện vận chuyển than cung cấp cho các nhà máy điện trong các Trung tâm điện lực khu vực Tây Nam bộ.

3. Cho phép PVN điều chỉnh thời điểm kết thúc thu hồi giá trị tạm ứng đối với Tổng thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khi giá trị thanh toán đạt 95% giá trị của Hợp đồng EPC đã ký, nhằm bảo đảm đủ vốn thanh toán, bảo đảm tiến độ thực hiện Dự án.

4. Để bảo đảm hoàn thành các công trình giao thông tránh ngập, nhằm đáp ứng tiến độ di dân tái định cư, tích nước phục vụ phát điện Nhà máy thủy điện Trung Sơn trong năm 2016, đồng ý EVN ứng trước phần vốn còn thiếu để hoàn thành thi công các đoạn đường và các cầu thuộc Dự án tuyến đường nối các huyện Tây Thanh Hóa qua công trình thủy điện Trung Sơn. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm bố trí đủ vốn để hoàn trả lại vốn ứng cho EVN. Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, chuyển vốn, thanh toán, quyết toán vốn ứng trước của EVN cho Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

5. Giao PVN triển khai thực hiện Dự án nâng công suất máy biến áp 500/220 kV tại nhà máy điện Vũng Áng 1 từ 450 MVA lên 900 MVA trong năm 2015-2016 để đảm bảo truyền tải hết công suất của nhà máy điện Vũng Áng 1. Dự án được đưa vào danh mục các công trình điện cấp bách giai đoạn đến năm 2020.

6. Đồng ý bổ sung các dự án lưới điện theo đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ý kiến thẩm tra của Bộ Công Thương vào danh mục các dự án điện cấp bách giai đoạn đến năm 2020 (Phụ lục kèm theo Thông báo này).

III. NHIỆM VỤ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

1. Bộ Công Thương

- Khẩn trương rà soát, tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung, sửa đổi Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2015.

- Tập trung chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền để bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành của các dự án nhiệt điện khu vực miền Nam: Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Long Phú 1, Sông Hậu 1. Trường hợp vượt thẩm quyền, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Khẩn trương làm việc với Formosa Hà Tĩnh về phương án sử dụng cảng Sơn Dương do Formosa xây dựng tại Hà Tĩnh để trung chuyển than cho các nhà máy điện khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Định hướng nhà đầu tư các dự án nhiệt điện mới không dùng than trong nước. Các nhà máy đang đàm phán với các nhà đầu tư để phát triển theo hình thức BOT, nếu đáp ứng đủ điều kiện đóng tài chính, chỉ đạo TKV thực hiện các giải pháp để đáp ứng yêu cầu cung ứng than trong nước như đã cam kết.

- Chỉ đạo TKV sớm hoàn thiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam, báo cáo Thường trực Chính phủ trong tháng 6 năm 2015; trong đó đề xuất các giải pháp duy trì sản lượng theo Quy hoạch đã được duyệt, sớm tính toán đưa nguồn than khu vực đồng bằng sông Hồng vào cân đối, không thay đổi lớn làm mất cân bằng nhiên liệu, ảnh hưởng đến các cam kết của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài.

- Chỉ đạo TKV khẩn trương làm việc với đơn vị tư vấn và JICA, thống nhất các nội dung cần thiết để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng trung chuyển than đồng bằng sông Cửu Long; bổ sung nguồn vốn hỗ trợ hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án.

- Chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến của các Bộ, Tập đoàn, Hội đồng thẩm định để hoàn thiện dự thảo Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII; trong đó có một số nội dung như sau:

+ Nguồn than: Cân đối chi tiết giữa khả năng cung cấp của các mỏ than, vùng than trong nước cho các nhà máy điện sử dụng than trong nước; nguồn than nhập khẩu của các nhà máy điện sử dụng than nhập, bảo đảm tính khả thi về nguồn cung cấp than và các công trình hạ tầng (cảng, đường vận chuyển,...).

+ Nguồn khí từ mỏ Cá Voi Xanh: Việc đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ chỉ thực hiện trong một giai đoạn để bảo đảm tính hiệu quả. Cần so sánh hiệu quả tổng hợp (đầu tư đường ống dẫn khí, đường dây tải điện; chi phí vận hành và tổn thất điện năng,...) trong việc lựa chọn phương án tiếp bờ. Tính toán giá khí tối đa có thể chấp nhận được so với phương án thay thế (nhiệt điện than nhập khẩu). Nghiên cứu phương án đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ sau năm 2025 để tránh bị động trong trường hợp đàm phán với nhà đầu tư kéo dài do không thỏa thuận được giá bán khí.

+ Dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện sử dụng than tại Dung Quất - Quảng Ngãi, hướng dẫn chủ đầu tư chuyển sang sử dụng khí mỏ Cá Voi Xanh (không sử dụng than).

+ Khẩn trương bổ sung phương án đưa khí Lô B vào bờ để cung cấp cho phát điện, bảo đảm không để thiếu điện ở phía Nam theo đề nghị của PVN.

[...]