Thông báo 142/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 142/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 21/04/2015 |
Ngày có hiệu lực | 21/04/2015 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Xuân Thành |
Lĩnh vực | Thương mại,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 142/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 21 tháng 04 năm 2015 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH SƠN LA
Ngày 04 tháng 4 năm 2015, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La. Cùng dự làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng, Tổng cục Cảnh sát nhân dân và đại diện Bộ Ngoại giao.
Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo tình hình kinh tế - xã hội; công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội năm 2014, quý I năm 2015 và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến của các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:
Đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn và những thành tựu đạt được của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La trong năm qua. Năm 2014 kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định và đạt được kết quả khá tích cực; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 11,28%; sản xuất công nghiệp tăng 18,49%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó khu vực dịch vụ chiếm 42,3%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt khá cao, tăng 37% so với thực hiện năm 2013. Tích cực triển khai xây dựng giao thông nông thôn; thực hiện tốt chương trình, dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, lao động, việc làm tiếp tục được quan tâm và có nhiều tiến bộ; thực hiện tốt các chính sách xã hội trên địa bàn, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tỉnh đã triển khai đồng bộ các nội dung của Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị. Tăng cường nắm tình hình, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, triển khai công tác nghiệp vụ cơ bản, tổ chức nhiều đợt tấn công trấn áp tội phạm, nhất là phá nhiều vụ án ma túy lớn tại các địa bàn trọng điểm: Mộc Châu, Vân Hồ, Sông Mã, Sốp Cộp... Các lực lượng Cảnh sát phòng chống ma túy của Bộ, tỉnh, huyện và lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan cũng như các lực lượng của Lào đã phối hợp chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh triệt phá nhiều vụ việc, nhiều tụ điểm, đường dây liên tỉnh. Phương án 279 đã được triển khai quyết liệt, hiệu quả đã phát hiện, bắt giữ 1007 vụ buôn bán ma túy, xóa bỏ gần 3ha cây thuốc phiện. Công tác cai nghiện bước đầu đạt hiệu quả, đẩy mạnh chương trình điều trị các chất gây nghiện bằng Methadone.
Tuy nhiên, Sơn La vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng lạc hậu, quy mô kinh tế nhỏ, sức cạnh tranh thấp; môi trường đầu tư kinh doanh không hấp dẫn, kết quả cải cách hành chính còn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (khoảng 24%). Tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn Sơn La tuy đã được khắc phục một bước và có chuyển biến tích cực nhưng còn tiềm ẩn phức tạp, khó lường.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Về cơ bản thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ mà Tỉnh đã đề ra trong năm 2015. Để hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ năm 2015, lưu ý Tỉnh một số việc sau:
1. Tiếp tục xây dựng tuyến biên giới hữu nghị, hợp tác tốt trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chống xâm nhập biên giới trái phép, bảo đảm an ninh biên giới; công tác phòng, chống tội phạm ma túy, tội phạm có tổ chức. Tiếp tục triển khai quyết liệt Phương án 279, cương quyết triệt phá các đường dây buôn bán ma túy trên địa bàn. Các lực lượng chức năng (Biên phòng, Công an, Hải quan) cần phối hợp chặt chẽ với nhau và với phía Lào để chủ động ngăn chặn, phát hiện, triệt phá kịp thời. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không trồng cây thuốc phiện, có phương án hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng phục vụ đời sống, sinh hoạt. Tập trung rà soát xác định các địa bàn phức tạp về an ninh để có kế hoạch đấu tranh, chuyển hóa cho phù hợp; liên tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy.
2. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đào tạo lao động và ứng dụng công nghệ tăng năng suất lao động. Coi xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của các ủy đảng, chính quyền địa phương. Trên cơ sở lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, tài nguyên rừng, khoáng sản...Tỉnh cần xác định một số ngành, sản phẩm chủ lực có thế mạnh để phát triển, nhất là một số vật nuôi, cây trồng, cá tầm.. .,du lịch, dịch vụ. Chuyển dần hình thức sản xuất tự túc, tự cấp sang phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hợp tác xã và sản xuất hàng hóa gắn với thực hiện tốt quy hoạch, tổ chức tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nhân rộng mô hình hiệu quả về kinh tế hộ, kinh tế trang trại, du lịch cộng đồng, khuyến khích sự hưởng ứng tích cực của đồng bào. Tiếp tục quan tâm chăm lo cho đồng bào thiểu số, đồng bào nghèo, vùng khó khăn; làm tốt công tác định canh, định cư và bố trí sắp xếp lại dân cư; đặc biệt di dân tái định cư thủy điện Sơn La và Hòa Bình; gắn bố trí ổn định dân cư với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
3. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), đẩy mạnh đào tạo lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Nhất là, đơn giản hóa và công khai minh bạch thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành; nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức mà trọng tâm là xác định vị trí việc làm của công chức, viên chức. Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Xác định những nội dung đã làm được và chưa làm được để rút kinh nghiệm trong triển khai công tác cải cách hành chính năm 2015.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trong thu hút đầu tư tại các tỉnh miền núi Tây Bắc: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ
2. Về nâng mức hỗ trợ các chương trình, dự án sử dụng các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ cho Tỉnh: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ liên quan nghiên cứu, đề xuất trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ hợp tác với nước bạn Lào và thực hiện một số chương trình, dự án trong khuôn khổ viện trợ của Chính phủ Việt Nam cho các tỉnh Bắc Lào: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực phân ban Việt - Lào) nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về tăng mức hỗ trợ một số chương trình, dự án để đầu tư các xã khu vực biên giới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và ổn định đời sống nhân dân khu vực biên giới: Tỉnh cần lựa chọn công trình quan trọng cấp bách đầu tư theo thứ tự ưu tiên đưa vào kế hoạch trung hạn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trong giai đoạn 2016-2020 theo Luật đầu tư công.
5. Về vận động tài trợ đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế: Tỉnh làm việc cụ thể với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan để xem xét, giải quyết.
6. Về hỗ trợ kinh phí để đầu tư kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy lợi, đường ô tô đến trung tâm xã, nước sinh hoạt) giai đoạn 2016-2020: Tỉnh cần lựa chọn công trình quan trọng cấp bách đầu tư theo thứ tự ưu tiên đưa vào kế hoạch trung hạn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trong giai đoạn 2016-2020 theo Luật đầu tư công.
7. Về bổ sung số vốn đối ứng ODA còn thiếu và các dự án ODA triển khai trong giai đoạn 2016-2020: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, bổ sung cho Tỉnh thực hiện giai đoạn 2016-2020.
8. Về dự án xây dựng Bệnh viện 500 giường Khu vực Tây Bắc: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Về bố trí vốn để đầu tư cấp điện nông thôn cho đồng bào dân tộc thiểu số: Trước mắt, Tỉnh sử dụng số vốn đã được phân bổ năm 2015 để thực hiện. Bộ Kế hoạch va Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và cơ quan liên quan xem xét, bố trí trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo Luật đầu tư công.
10. Về xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc: Tỉnh lập và phê duyệt dự án đầu tư theo quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ liên quan xem xét, bố trí vốn đầu tư trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo quy định.
11. Về bố trí vốn để đầu tư đường giao thông từ tỉnh lộ 102 (khu vực Pa Cốp) qua các bản Lũng Xá, Tà Dê- xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đến xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình: Đây là công trình rất cấp bách phục vụ cho công tác phòng, chống tội phạm buôn bán vận chuyển ma túy; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tìm nguồn để thực hiện trong năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
12. Về bố trí vốn để đầu tư xây Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Vân Hồ: Đây là công trình cần được sớm đầu tư; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí vốn để Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
13. Về công tác bảo vệ, phát triển rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
14. Về huyện Vân Hồ được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP: Giao Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
15. Về đề án phát triển kinh tế- xã hội huyện Vân Hồ đến năm 2020: Tỉnh làm việc cụ thể với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.