Thông báo 128/TB-VKSTC năm 2021 một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 128/TB-VKSTC
Ngày ban hành 08/06/2021
Ngày có hiệu lực 08/06/2021
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Tá Cơ
Lĩnh vực Bất động sản,Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 128/QĐ-VKSTC

Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2021

 

THÔNG BÁO

MỘT SỐ KINH NGHIỆM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Trong thời gian qua với sự chỉ đạo quyết liệt của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, Viện trưởng VKSND các cấp đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, nhất là các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai; chỉ đạo các đơn vị, các cấp kiểm sát chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đất đai phức tạp ở địa phương; tham dự các cuộc họp bàn về việc cưỡng chế giải phóng mặt bằng góp phần hạn chế việc khiếu kiện đông người, gây dư luận không tốt trong nội bộ nhân dân. Nhờ vậy, về cơ bản đến nay các vụ án hành chính nói chung, trong đó có các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai được thụ lý, giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong đó có người sử dụng đất. Để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát, VKSND tối cao thông báo một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, cụ thể như sau:

I. MỘT SỐ KINH NGHIỆM CHUNG

1. Về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành

- Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai là một bộ phận quan trọng của công tác kiểm sát hoạt động tư pháp nhưng đồng thời cũng rất khó khăn và phức tạp. Do vậy, để bảo đảm thực hiện tốt công tác này, cần có sự đánh giá, nhìn nhận, quan tâm đúng mức và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo VKSND, nhất là Viện trưởng Viện kiểm sát phải trực tiếp phụ trách khâu công tác này. Lãnh đạo VKSND các cấp cần tiếp tục quán triệt và nhận thức sâu sắc về chủ trương, chiến lược cải cách tư pháp; chú trọng, tăng cường công tác chỉ đạo điều hành gắn với trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện nghiêm nguyên tắc lãnh đạo tập trung, thống nhất trong Ngành đồng thời thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Tiếp tục quán triệt và yêu cầu Kiểm sát viên, công chức nắm chắc quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Luật Tổ chức VKSND năm 2014; Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, hướng dẫn của Ngành nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai.

- VKSND cấp trên cần chú trọng công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, thường xuyên thông báo rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai đối với VKSND cấp dưới. Đặc biệt tập trung kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với những đơn vị, Viện kiểm sát địa phương để xảy ra án bị hủy, sửa nhiều, nắm chắc được tình hình các mặt hoạt động của VKSND cấp dưới, qua đó chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai.

VKSND cấp trên cần tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm những vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai do Viện kiểm sát kháng nghị được Tòa án xử chấp nhận kháng nghị hủy, sửa án. Đồng thời thông báo những vi phạm trong việc áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai của Tòa án, tập hợp những quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy, sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để các đơn vị cấp dưới cùng nghiên cứu, học tập, rút kinh nghiệm và áp dụng trong thực tiễn công tác kiểm sát.

- Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, VKSND các cấp cần tập hợp những vụ án có khó khăn, vướng mắc như trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ do cơ quan quản lý nhà nước lưu giữ, những vụ án người bị kiện không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, những vụ khởi kiện đông người để báo cáo VKSND cấp trên, đồng thời báo cáo cấp ủy, Hội đồng nhân dân cùng cấp có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, đôn đốc với cơ quan hành chính nhà nước ngang cấp và cấp dưới thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án, đồng thời tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng.

2. Về kiện toàn tổ chức, bộ máy

Kiện toàn bộ máy tổ chức các cấp trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, nhất là các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, bố trí, sắp xếp đội ngũ công chức, Kiểm sát viên có năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm cao, không nể nang, né tránh, ngại va chạm để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc bố trí, sử dụng công chức phải trên cơ sở đánh giá, tuyển chọn, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đúng khả năng, sở trường; giao việc phải tương xứng với năng lực của công chức, đồng thời đảm bảo tính kế thừa.

3. Về đào tạo nguồn nhân lực

- Lãnh đạo đơn vị cần quan tâm, chú trọng đến việc kèm cặp, tự đào tạo tại chỗ với các hình thức đa dạng như: tổ chức các cuộc thi về kỹ năng nghiệp vụ công tác kiểm sát; thông qua các buổi học tập, phổ biến văn bản nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm giải quyết án tại đơn vị; đưa các văn bản nghiệp vụ, hệ thống hóa văn bản pháp luật về đất đai lên trang thông tin điện tử của Ngành để Kiểm sát viên, công chức khai thác; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm tại các Viện kiểm sát địa phương, theo cụm với hình thức trực tuyến.

- VKSND tối cao cần tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ, mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, mở rộng thành phần tham gia, qua đó kịp thời phổ biến, tuyên truyền kiến thức quản lý đất đai, trao đổi kinh nghiệm cho công chức, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai. Đặc biệt là tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu, theo từng chuyên đề cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên về kỹ năng kiểm sát từng loại án trong trong lĩnh vực quản lý đất đai; đồng thời tổ chức các Hội nghị rút kinh nghiệm, tọa đàm trao đổi nghiệp vụ giữa các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong Ngành về các kỹ năng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai.

4. Về quan hệ phối hợp

4.1. Quan hệ phối hợp trong ngành Kiểm sát nhân dân

a) Giữa Viện kiểm sát cấp trên với Viện kiểm sát cấp dưới:

- Duy trì và tăng cường phối hợp, trao đổi giữa Viện kiểm sát cấp trên với Viện kiểm sát cấp dưới trong việc gửi phiếu kiểm sát bản án, quyết định; gửi hồ sơ vụ án; thỉnh thị, trả lời thỉnh thị; hướng dẫn, giải đáp vướng mắc nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm... Đối với những vụ án có tính chất phức tạp, còn nhiều ý kiến trái chiều, khó khăn vướng mắc trong việc giải quyết, Viện kiểm sát cấp dưới cần chủ động kịp thời trao đổi, xin ý kiến thỉnh thị của Viện kiểm sát cấp trên để có hướng giải quyết đúng đắn nhất, tạo sự thống nhất trong Ngành trong nhận xét, đánh giá vi phạm của bản án, quyết định của Tòa án.

- Đối với những trường hợp cần yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ án để nghiên cứu, Viện kiểm sát cấp trên cần phối hợp, đề nghị Viện kiểm sát cấp dưới làm việc trước với Tòa án để khi Viện kiểm sát cấp trên giao công văn yêu cầu chuyển hồ sơ thì Tòa án thực hiện ngay việc chuyển hồ sơ theo quy định của pháp luật. Sự phối hợp này sẽ hạn chế tình trạng Tòa án đưa ra nhiều lý do để trì hoãn, kéo dài thời gian chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát làm ảnh hưởng đến công tác kháng nghị phúc thẩm.

b) Giữa Viện kiểm sát cùng cấp: Trao đổi, tham khảo kinh nghiệm với các Viện kiểm sát đã làm tốt, có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hoặc cách làm đạt hiệu quả cao trong công tác kiểm sát; qua đó, học tập, nhân rộng các điển hình làm tốt, hỗ trợ cho nhau để hoàn thành tốt công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính.

4.2. Quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án

- Thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ giữa VKSND và Tòa án nhân dân cùng cấp, nhất là trong việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai để rèn luyện kỹ năng cho Thẩm phán và Kiểm sát viên; tổ chức họp liên ngành đối với những vụ án có tính chất phức tạp để có biện pháp giải quyết, đảm bảo việc giải quyết vụ án kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

- Xây dựng, ký kết quy chế phối hợp trong công tác giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, tạo hành lang pháp lý giữa hai cơ quan để phối hợp giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh quản lý đất đai được nhanh chóng và đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện để cả hai đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân có thể phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp ký kết quy chế phối hợp giữa 03 cơ quan, xác định trách nhiệm của mỗi cơ quan trong giải quyết vụ án hành chính nói chung và giải quyết vụ án hành chính về quản lý đất đai nói riêng.

- Đối với những vụ án phức tạp, Thẩm phán, Kiểm sát viên cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời chỉ ra những sai sót, khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết án để đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, bảo đảm giải quyết vụ án nhanh chóng, toàn diện, có căn cứ, đúng pháp luật, tránh trường hợp quan điểm hai ngành không thống nhất, gây nên sự bức xúc trong nhân dân. Sự phối hợp tốt giữa Viện kiểm sát, Tòa án tạo điều kiện thuận lợi cho Kiểm sát viên và Thẩm phán trao đổi về những thủ tục tố tụng và nội dung vụ án; mối quan hệ giữa Tòa án và Viện kiểm sát, giữa Thẩm phán và Kiểm sát viên phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

4.3. Tăng cường quan hệ phối hợp tốt giữa Viện kiểm sát với các cơ quan hữu quan

- Cần đặc biệt chú ý xây dựng mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với Ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cùng cấp trong lĩnh vực quản lý đất đai, góp phần đảm bảo việc xây dựng, ban hành các quyết định hành chính và việc thực hiện hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai đúng pháp luật và được thực thi một cách nghiêm minh, qua đó góp phần thực hiện tốt công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai. Viện kiểm sát có thể tham gia góp ý cho Ủy ban nhân dân trong việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính về quản lý đất đai khi được tham vấn. VKSND địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan (Tòa án nhân dân, Ủy ban nhân dân) tổ chức các Hội nghị chuyên đề về việc ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, qua đó giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương, đồng thời nâng cao nhận thức cho đội ngũ công chức, Kiểm sát viên.

- Kiến nghị với cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho người dân, đồng thời đảm bảo việc ban hành các quyết định hành chính và việc thực hiện các hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước các cấp đúng quy định của pháp luật.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ