Thông báo 113/TB-VPCP về kết luận của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2003 về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 113/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 07/08/2003 |
Ngày có hiệu lực | 07/08/2003 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Văn Lâm |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 113/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2003 |
Ngày 19 tháng 7 năm 2003, tại thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2003 về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tham dự hội nghị có Chủ tịch Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đào Đình Bình; Phó chủ tịch Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm; các đồng chí Uỷ viên ban an toàn giao thông Quốc gia; Chủ tịch UBND (hoặc Phó chủ tịch UBND), Giám đốc Công an, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi nghe báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2003 về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia, ý kiến tham gia của các Bộ, ngành và địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
Sau 6 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ, tai nạn giao thông đã giảm đáng kể (giảm 24,8% về số vụ, giảm 11,3% số người chết, giảm 31,9% số người bị thương; mỗi ngày giảm được hơn 3,5 số người chết, 28 người bị thương), ùn tắc giao thông từng bước được khắc phục, nhất là ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các qui định pháp luật về quản lý trật tự, an toàn giao thông được bổ sung, hoàn thiện. Ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân được nâng lên, trật tự kỷ cương trong giao thông, trật tự đô thị có chuyển biến khá rõ; số người sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay thế phương tiện giao thông cá nhân ngày càng nhiều, đã có nhiều mô hình, điển hình làm tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (như Đà Nẵng; quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh; quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội...). Các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng có thêm kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành về trật tự an toàn giao thông. Thực tế công tác cho thấy vai trò của lực lượng Cảnh sát giao thông các cấp phải là nòng cốt, xung kích để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên, tai nạn giao thông xảy ra còn lớn và nghiêm trọng; kết quả đạt được là chưa vững chắc; tai nạn giao thông trong các tháng 5, 6, 7 có xu hướng tăng hơn 4 tháng đầu năm; một bộ phận cán bộ chức năng có tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ làm ảnh hưởng lòng tin của nhân dân vào hiệu lực quản lý của Nhà nước. Chỉ đạo của một số UBND các cấp chưa nghiêm túc; có địa phương Chủ tịch UBND tỉnh chưa thực sự quan tâm đúng mức, không thực hiện đúng Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và nghị quyết của Chính phủ.
2. Từ kết quả nêu trên, rút ra một số bài học kinh nghiệm bước đầu như sau:
- Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông có kết quả đạt được như trên, trước hết là do sự lãnh đạo chỉ đạo tập trung sâu sát của các cấp uỷ Đảng; việc huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị tham gia và trách nhiệm cá nhân cao của các đồng chí lãnh đạo chính quyền trước Đảng và nhân dân, trong đó vai trò của đồng chí Chủ tịch UBND và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là rất quyết định.
- Phải xử phạt nghiêm, kiên quyết (những giả pháp mạnh) những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, coi đây là biện pháp giáo dục trực tiếp về ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, có tác dụng lớn hạn chế tai nạn giao thông.
- Các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đã góp phần tạo nên sự đồng thuận của toàn xã hội đối với chủ trương, giải pháp của Chính phủ về trật tự an toàn giao thông.
3. Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới:
Đồng thời với việc triển khai thực hiện tốt 10 giải pháp đã nêu tại báo cáo của Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung làm ngay một số công việc cụ thể sau đây:
a. Phương châm thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ là phải kiên trì, kiên quyết, liên tục và đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của UBND các cấp trong nhiều năm tới. Cần kiện toàn ngay Ban an toàn giao thông các cấp ở những địa phương chưa thực hiện đúng Chỉ thị của Ban Bí thư và nghị quyết của Chính phủ. Phấn đấu 6 tháng cuối năm phải tiếp tục làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên cả 3 tuyến đường sắt, đường sông và đường bộ. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an nghiên cứu chuyên đề đưa ra giải pháp xử lý tai nạn giao thông đường sông, đường sắt, ngăn chặn cho được các vụ tai nạn nghiêm trọng trên tuyến đường sắt và trên sông.
b. Các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông phải thực hiện đồng bộ, trong đó tiếp tục xử phạt nghiêm, kiên quyết các hành vi vi phạm luật lệ giao thông. Những biện pháp xử lý đặc thù của từng địa phương đã được HĐND tỉnh chấp nhận, nhân dân đồng tình ủng hộ thì tiếp tục tổ chức thực hiện cho tốt. Các địa phương cần khẩn trương triển khai nhân rộng những điển hình, mô hình thực hiện tốt về trật tự an toàn giao thông trên toàn địa bàn.
c. Bộ Giao thông vận tải có biện pháp xử lý ngay các điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông (các điểm đen) trên tuyến quốc lộ, UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương xử lý các điểm đen trên tuyến tỉnh lộ, UBND huyện, xã có kế hoạch toàn diện phát triển và bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn.
d. Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia tiếp thu và pháp luật hoá các biện pháp mà các địa phương triển khai đã được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ; xiết lại trật tự kỷ cương trong đào tạo lái xe, tiêu chuẩn phương tiện vận hành; rà soát lại việc phân làn, phân tuyến, các biển báo hiệu, chỉ kẻ đường... sao cho hợp lý, thuận tiện và đúng quy định; nghiên cứu trình (trong tháng 8/2003) sửa đổi, bổ sung những điểm còn chưa phù hợp của Nghị định 15, thẩm quyền xử phạt hành chính của Trưởng phòng Cảnh sát trật tự trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Những vấn đề đặc thù của từng địa phương thì UBND cấp tỉnh trình HĐND thông qua để thực hiện (xe lôi, máy cày, xử lý xe công nông...).
đ. Bộ Công an mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông chuẩn bị phục vụ Seagame 22, nhất là ở Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; có kế hoạch tăng cường lực lượng cho Cảnh sát giao thông để trên tuyến quốc lộ phải có lực lượng Cảnh sát tuần tra kiểm soát. Hoàn chỉnh đề án về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
e. Bộ Tài chính sớm ban hành chính sách tài chính khuyến khích phát triển hệ thống xe buýt công cộng; cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xét cấp ngay khoản tạm ứng trong đề án "Tăng cường biên chế, trang thiết bị, đào tạo, chế độ, chính sách cho lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ" trong ngân sách dự phòng cho Bộ Công an để mua sắm thiết bị, phương tiện bảo đảm trật tự an toàn giao thông; giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định sử dụng tiền phạt phục vụ công tác bảo đảm an toàn giao thông của địa phương.
g. Bộ Giáo dục đào tạo tổ chức việc dạy và học cho học sinh, sinh viên việc chấp hành luật an toàn giao thông, không để học sinh, sinh viên đi học bằng xe máy phân khối lớn không có bằng lái, không tham gia đua xe hoặc cổ vũ đua xe trái phép.
Các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 13. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng là thành viên Mặt trận phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Uỷ viên Uỷ ban an toàn giao thông, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.
|
Nguyễn Văn Lâm (Đã ký) |