Thông báo số 103/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 103/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 23/04/2008 |
Ngày có hiệu lực | 23/04/2008 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Xuân Phúc |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 103/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2008 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Ngày 16 tháng 4 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải đã làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội. Cùng dự có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Công an, Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quí I năm 2008; công tác triển khai kiềm chế lạm phát và tình hình thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 18 tháng 12 năm 2007, ý kiến của đồng chí Bí thư Thành ủy; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan; ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
Thời gian qua, mặc dù giá cả trong nước và quốc tế có những biến động lớn, thời tiết rét đậm kéo dài, dịch bệnh bùng phát, nhưng kinh tế-xã hội của Thành phố trong quí I năm 2008 vẫn tiếp tục tăng trưởng khá (GDP đạt 10,7%, mức cao nhất trong 6 năm gần đây); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đặc biệt là giá trị sản xuất công nghiệp tăng khá cao so với trung bình cả nước; các lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố.
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành công nghiệp của Thành phố đã có dấu hiệu giảm dần về giá trị sản lượng trong tháng 2 và 3; vì vậy, Thành phố cần đánh giá tìm ra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.
Các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện tại Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 18 tháng 12 năm 2007 bước đầu đã được triển khai, nhưng tiến độ thực hiện còn chậm.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU THỜI GIAN TỚI:
Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững gắn với cải thiện đời sống nhân dân, thời gian tới thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 18 tháng 12 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ và tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Đối với thành phố Hà Nội:
a) Tiếp tục rà soát và có các giải pháp thiết thực để phấn đấu đảm bảo đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra của năm 2008, góp phần cùng cả nước thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra.
b) Tổ chức triển khai thực hiện tốt các giải pháp về kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, giảm nhập siêu, ổn định giá cả thị trường; tăng cường kiểm soát giá cả, buôn lậu và gian lận thương mại, kiên quyết không để xẩy ra tình trạng lợi dụng các biến động trên thị trường để đầu cơ, nâng giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng; thực hiện tiết kiệm 10% chi tiêu thường xuyên.
c) Rà soát các dự án đầu tư công, kiên quyết thực hiện đình hoãn, giãn tiến độ các công trình, dự án chưa cấp thiết, chưa phát huy hiệu quả để tập trung vốn đầu tư cho các công trình, dự án có hiệu quả, có khả năng hoàn thành trong năm 2008 hoặc đầu năm 2009 phục vụ sản xuất, kinh doanh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
d) Phối hợp với Bộ Xây dựng khẩn trương xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng (sau khi được Quốc hội thông qua việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội mở rộng); trong đó, chú trọng đến Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông.
đ) Thành phố và các Bộ, ngành cần chủ động phối hợp tốt với nhau để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sớm hoàn thành các công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố.
e) Tăng cường việc đảm bảo an sinh xã hội, nhất là quan tâm đến những người nghèo, gia đình chính sách, người thu nhập thấp...
2. Đối với các Bộ, ngành Trung ương:
a) Tiếp tục nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để giảm thiểu các thủ tục không cần thiết, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và tăng quyền tự chủ cho các chủ đầu tư; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện.
b) Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo quyết liệt để sớm hoàn thành đường vành đai II, đường vành đai III (giai đoạn 1) và định hình Quy hoạch đường sắt nội đô; đồng thời, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 theo kế hoạch và tập trung đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tuyến, thủ tục đầu tư đường vành đai IV; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án cho chủ đầu tư đúng thời gian yêu cầu.
c) Đẩy mạnh tiến độ các dự án công trình trọng điểm phục vụ Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội; Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cùng với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ.
d) Tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch vùng Thủ đô phù hợp với nhiệm vụ mới về phát triển kinh tế-xã hội của Vùng; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan thực hiện.
đ) Xử lý nghiêm việc sử dụng đất công sai mục đích; giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan thực hiện.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ:
1. Đồng ý việc thành phố Hà Nội tiếp tục huy động, bố trí vốn cho các công trình trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật.
2. Về hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn chương trình mục tiêu cho các dự án trọng điểm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ liên quan tổng hợp mức vỗn hỗ trợ từ Trung ương và phần vốn thuộc nhiệm vụ của Thành phố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Về tiến độ thi công một số công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố: đường Láng-Hòa Lạc, đường 32, đường vành đai III (giai đoạn 2); nút giao đường dẫn Cầu Thanh Trì, Cầu Nhật Tân, cải tạo nâng cấp đường Bắc Thăng Long-Nội Bài; đường nối cầu Nhật Tân-Nội Bài, Nhà ga T2) để Thành phố khẩn trương triển khai công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo kịp thời cho tiến độ xây dựng: giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thực hiện, định kỳ 3 tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ thực hiện.
4. Đồng ý về nguyên tắc thực hiện cơ chế lựa chọn giao thầu tư vấn, xây dựng đối với các công trình, dự án Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; Ủy ban nhân dân Thành phố tổng hợp danh mục các dự án cần chỉ định thầu cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
5. Về đề án thành lập Công ty Đầu tư tài chính Hà Nội: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ liên quan khẩn trương hoàn chỉnh Đề án và thủ tục thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.