Nghị định 92/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội

Số hiệu 92/2005/NĐ-CP
Ngày ban hành 12/07/2005
Ngày có hiệu lực 06/08/2005
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 92/2005/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2005

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 92/2005/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 7 NĂM 2005 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH THỦ ĐÔ HÀ NỘI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội ngày 28 tháng 12 năm 2000;
Theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 53/TTr-UB ngày 17 tháng 9 năm 2004, các Công văn số 4218/UB-NC ngày 12 tháng 11 năm 2004, số 11/BC-UB ngày 09 tháng 3 năm 2005,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội về cơ chế, chính sách, phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hoá - xã hội, quản lý đô thị, đầu tư xây dựng và phát triển Thủ đô.

Điều 2. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô

1. Việc xây dựng, phát triển Thủ đô được thực hiện theo chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, trình Chính phủ phê duyệt.

2. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Cụ thể hoá đầy đủ các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô được quy định trong Pháp lệnh Thủ đô và Nghị định này;

b) Xác định rõ trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

3. Các Bộ, ngành khi xây dựng chiến lược phát triển ngành có liên quan tới Thủ đô phải thống nhất với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Điều 3. Chính sách xây dựng, phát triển Thủ đô

1. Thủ đô là địa bàn trọng điểm được tập trung đầu tư đặc biệt các nguồn lực về tài chính, ngân sách, nhân lực, khoa học - công nghệ và các nguồn lực khác bảo đảm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu xây dựng, phát triển được quy định tại Điều 3, Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội.

2. Xây dựng, phát triển Thủ đô được thực hiện đồng bộ, toàn diện theo quy hoạch, chương trình, kế hoạch, trong đó xác định rõ trọng tâm, trọng điểm theo vùng, ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển của Thủ đô trong từng thời kỳ.

3. Các công trình, dự án thuộc các lĩnh vực, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích thì được áp dụng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở luật, pháp lệnh và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội và khuyến khích thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực trên địa bàn.

4. Trong trường hợp cần thiết, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội được thuê chuyên gia giỏi của nước ngoài để triển khai xây dựng quy hoạch phát triển Thủ đô.

Điều 4. Phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm trong đầu tư, xây dựng, phát triển Thủ đô

1. Chính phủ chỉ đạo, phân công các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, các địa phương trong cả nước huy động các nguồn lực phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

2. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, phát triển Thủ đô. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội trực tiếp điều hành công tác xây dựng và phát triển Thủ đô.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô; giải quyết hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Thành phố.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến hoặc kiến nghị của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Quá thời hạn trên, các Bộ, ngành không trả lời, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội được quyền quyết định và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của quyết định trước pháp luật và trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chương 2:

[...]