Thông báo 09/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai kế hoạch năm 2013 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 09/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 07/01/2013 |
Ngày có hiệu lực | 07/01/2013 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Hữu Vũ |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2013 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP TRỰC TUYẾN CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2013
Ngày 28 tháng 12 năm 2012, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai kế hoạch năm 2013. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Bộ, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công an; các cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2012 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 của ngành và ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến như sau:
1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2012:
Năm 2012, nền kinh tế, ngành nông nghiệp nước ta chịu áp lực của lạm phát cao, nhập siêu lớn, dự trữ ngoại tệ thấp, lãi suất vay vốn cao, diễn biến thời tiết, dịch bệnh phức tạp và chịu tác động lớn của khủng hoảng kinh tế thế giới, sự sụt giảm mạnh của thị trường nhập khẩu Mỹ, Nhật đối với hàng nông sản Việt Nam, nhưng với sự nỗ lực của bà con nông dân, các ngành, các cấp ở địa phương, của các doanh nghiệp và sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan; nông nghiệp, nông thôn nước ta tiếp tục phát triển, góp phần quan trọng vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp tới 24% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp trong năm 2012 so với năm 2011 thể hiện trên các mặt sau đây:
- Sản xuất phát triển khá toàn diện, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng 3,4%; tốc độ tăng trưởng ngành (GDP) đạt 2,72%. Sản lượng lúa đạt 43,7 triệu tấn, tăng 1,3 triệu tấn, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu đạt 7,7 triệu tấn gạo. Sản lượng các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao tiếp tục tăng: cà phê đạt 1.292,4 ngàn tấn, tăng 1,2%; cao su đạt 863,6 ngàn tấn, tăng 9,4%; hồ tiêu đạt 112,7 ngàn tấn, tăng 0,6%; chè đạt 923 ngàn tấn, tăng 5%. Sản lượng thịt hơi đạt 4,3 triệu tấn, tăng 2,5%. Diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 444,8 ngàn ha, tăng 30,1%; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ đạt 2.744,7 ngàn ha, tăng 13,3%; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 40,0%. Sản lượng thủy sản đạt 5.732,9 nghìn tấn, tăng 5,2%, trong đó chuyển dịch theo hướng tăng tỉ lệ nuôi trồng với sản lượng đạt 3.110,7 nghìn tấn, tăng 6,1%.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 9,7%, thặng dư thương mại hơn 9 tỷ USD, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Có 3 mặt hàng: gạo, cà phê, đồ gỗ xuất khẩu đạt từ 3 tỷ USD trở lên, 5 mặt hàng: cao su, cá tra, tôm, hạt điều, sắn và các sản phẩm sắn đạt trên 1 tỷ USD; những mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh là: cà phê (36%), sắn và sản phẩm sắn (40,6%), rau quả (29%), chè (11,5%), đồ gỗ và lâm sản (17,6%).
- Mức độ cơ giới hóa tăng khá, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất trồng lúa đạt 80%, thu hoạch lúa đạt 25%, tuốt lúa đạt 95%, xay xát lúa, gạo 95%; cơ giới hóa tăng góp phần tăng năng suất lao động, phục vụ tích cực cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
- Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp, thu hút sự tham gia tích cực của người dân; nhiều hộ đã hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng hạ tầng vùng sản xuất, giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi khác. Có 950 xã của các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ đạt từ 10 tiêu chí trở lên (chiếm khoảng 18%). Hầu hết các địa phương đã quan tâm phát triển cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, thúc đẩy các hoạt động thể dục thể thao quần chúng, tăng cường xử lý ô nhiễm và phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp.
Các chương trình phát triển nông thôn khác: hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng dân di cư tự do; các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình bảo hiểm nông nghiệp; quy hoạch và bố trí dân cư, di dân tái định cư, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn. Đặc biệt, với sự đồng tình ủng hộ, đóng góp vô cùng to lớn của đồng bào các dân tộc, các cấp, các ngành ở 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và các Bộ, ngành liên quan trong tổ chức thực hiện công tác di dân, tái định cư cho trên 20 ngàn hộ phải di dời và khoảng 30 ngàn hộ bị ảnh hưởng để đưa nhà máy thủy điện Sơn La vào hoạt động sớm, trước thời hạn 3 năm so với kế hoạch của Quốc hội giao.
- Công tác chỉ đạo phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được các cấp, các ngành, nhân dân nhận thức ngày càng đầy đủ và rõ hơn. Vì vậy việc tổ chức di dời hàng chục ngàn người tại vùng bão lũ trong thời gian rất ngắn được triển khai thực hiện thuận lợi. Trong năm có hàng trăm ngàn ngư dân thường xuyên hoạt động trên biển nhưng nhờ làm tốt công tác cảnh báo, cứu hộ, cứu nạn nên số người bị chết, mất tích và thiệt hại về tài sản giảm nhiều so với các năm trước.
- Công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực tiếp tục được quan tâm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành.
Những kết quả của ngành đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung, khẳng định nông nghiệp là nòng cốt, chỗ dựa trụ cột của nền kinh tế, nhất là trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị-xã hội, duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững. Kết quả đạt được của ngành là công lao đóng góp to lớn, nỗ lực phấn đấu vượt qua gian khó của bà con nông dân, của toàn ngành nông nghiệp, của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp trong năm qua.
Bên cạnh những kết quả trên đây, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn còn những hạn chế, khó khăn đó là: công tác quy hoạch và quản lý nhà nước còn nhiều bất cập; tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả còn thấp; xây dựng, hướng dẫn văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống; chuyển dịch cơ cấu, tái cơ cấu các ngành, sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp còn chậm; chưa có giải pháp căn cơ, bền vững để ứng phó với nguy cơ biến đổi khí hậu, trước mắt là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, tác động biến đổi của các lưu vực sông từ phía thượng nguồn.
2. Phương hướng nhiệm vụ kế hoạch năm 2013:
Chính phủ đã xác định năm 2013 nền kinh tế vẫn còn những khó khăn, áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô còn lớn, lãi suất, nợ xấu ngân hàng ở mức cao; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Để đạt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã họp với các địa phương triển khai và sẽ ban hành Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triến kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2013 với 9 nhóm giải pháp và Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương phải bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chung trong hai Nghị quyết đó, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, rà soát mục tiêu, nhiệm vụ của ngành và đề ra các giải pháp cụ thể với tinh thần phấn đấu ở mức cao nhất nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng chung của ngành theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và bền vững.
Ngoài những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong báo cáo của Bộ, năm 2013 ngành cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Phải làm tốt công tác qui hoạch, nhất là qui hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ; qui hoạch phát triển hạ tầng phục vụ nông nghiêp. Khẩn trương xây dựng mới và rà soát sửa đổi, bổ sung những qui hoạch hiện có cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, góp phần hạn chế rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, biến động của thị trường, bảo vệ môi trường.
- Đối với một số ngành sản xuất hàng hóa lớn, xuất khẩu chủ lực, có liên quan tác động đến sinh kế thu nhập của nhiều hộ nông dân phải thực hiện giao ban thường xuyên với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất cơ chế chính sách cụ thể, đảm bảo vốn cho sản xuất, thu mua, tạm trữ, chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào tất cả các khâu, từng bước hiện đại hóa sản xuất trong chọn tạo và sử dụng giống mới năng suất, chất lượng cao; áp dụng quy trình canh tác, nuôi trồng tiên tiến, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), phát triển sản phẩm, khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm; phòng chống dịch bệnh; bảo quản, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch.
- Cùng với ưu tiên vốn ngân sách nhà nước, phải ưu tiên vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thu hút nguồn lực của xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trước hết là tập trung đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, bảo đảm đủ sức cạnh tranh ở thị trường nội địa và vươn ra xuất khẩu.
- Tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa qui mô lớn; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ trên thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Có giải pháp để phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, các hợp tác xã, tổ hợp tác trong việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tổng kết đánh giá việc thực hiện: Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng; mô hình tổ chức sản xuất “cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất lúa và các ngành sản xuất khác; thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; chuyển diện tích đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su để đề xuất phát triển mở rộng.
- Về xây dựng nông thôn mới: Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thủ tục cấp phát và giải ngân vốn ngân sách hỗ trợ; sửa đổi cơ chế, thủ tục quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; quy chế mẫu về quản lý xây dựng trên địa bàn nông thôn. Khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch và lập đề án nông thôn mới cấp xã đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng. Các địa phương dành ngân sách bố trí cho Chương trình, đồng thời tập trung huy động nguồn lực xã hội để đầu tư, cải tạo làm chuyển biến một bước hạ tầng cơ bản cấp xã về giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá (đối với miền núi), nhà văn hóa thôn, ấp. Tập trung tạo chuyển biến về đổi mới cơ cấu và sản xuất để tăng nhanh thu nhập cho cư dân nông thôn.
- Đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, gắn với Chương trình thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Trên cơ sở các quy hoạch thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phải tập trung chỉ đạo, tìm nguồn vốn triển khai thực hiện các dự án cụ thể để bảo vệ sản xuất.
- Tiếp tục triển khai các dự án tăng cường hạ tầng kỹ thuật nông, lâm nghiệp, thủy sản, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học, chọn tạo và nhân giống; cơ sở hạ tầng phục vụ kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng; phòng chống dịch bệnh vật nuôi, cây trồng; nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Chuyển dịch cơ cấu, tái cơ cấu trong từng ngành, từng phân ngành, từng sản phẩm phải có chiến lược dài hạn nhằm gia tăng nhanh giá trị sản phẩm, tăng năng suất, hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất và tạo phương cách sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp của người nông dân; rút bớt lao động, sử dụng ít đất nông nghiệp nhưng đóng góp của ngành ngày càng tăng trong nền kinh tế.
- Bước vào năm 2013, ngay từ đầu vụ đông xuân hạn hán đã xảy ra ở một số tỉnh miền Trung, thị trường xuất khẩu gạo có khả năng khó khăn, Bộ phải phối hợp với các cơ quan liên quan, tập trung chỉ đạo, đề xuất kịp thời cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và mua lúa, gạo tạm trữ xuất khẩu.
- Đối với một số kiến nghị của các địa phương và doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét xử lý theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.