Thông báo 05/TB-VPCP năm 2023 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 05/TB-VPCP
Ngày ban hành 06/01/2023
Ngày có hiệu lực 06/01/2023
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sỹ Hiệp
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI HỘI NGHỊ THÚC ĐẨY THU HÚT KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ VÀO VIỆT NAM

Ngày 21 tháng 12 năm 2022, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị “Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam”. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang; đại diện Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng Tư vấn du lịch, các doanh nghiệp, hãng hàng không, nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan và chuyên gia trong lĩnh vực du lịch.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo, ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận như sau:

1. Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu tổ chức thành công Hội nghị.

Ghi nhận các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, sát thực tế của các đại biểu về tình hình phát triển du lịch nói chung và thu hút khách quốc tế vào Việt Nam nói riêng; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đưa ra những ý tưởng, sáng kiến thu hút khách quốc tế nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi toàn diện ngành du lịch; đồng thời đề ra những phương hướng để phát triển du lịch trong bối cảnh mới, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị.

2. Cụ thể hóa các quan điểm của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trên cơ sở khai thác các thế mạnh về văn hóa, di sản, ẩm thực..., những năm qua, ngành du lịch đã có bước phát triển rõ rệt. Tuy nhiên, trong hơn 02 năm qua, Du lịch Việt Nam là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Năm 2020, lượng khách quốc tế giảm tới 80%, tổng thu từ khách du lịch giảm đến 59% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2021, lượng khách quốc tế giảm gần 96%, tổng thu từ du lịch giảm sâu.

Từ tháng 3 năm 2022, Việt Nam đã mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, đón khách quốc tế sớm hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 chưa được như kỳ vọng, mới đạt khoảng 70% so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân của vấn đề này có cả khách quan và chủ quan như các đại biểu đã nhận định, chia sẻ tại Hội nghị hôm nay, trong đó có nguyên nhân chủ quan do chúng ta chưa có được những giải pháp có tính đột phá để thúc đẩy du lịch hồi phục sau đại dịch.

3. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt trong bối cảnh của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới, các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, linh hoạt, sáng tạo hơn nữa, cần thay đổi tư duy, đổi mới cách làm để từng bước phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19, tạo sự phát triển đột phá trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Quan điểm, nhận thức chung về phát triển du lịch là:

a) Phát triển du lịch cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng dịch vụ theo tinh thần “cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ là các dịch vụ chúng ta sẵn có”.

b) Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; sự quản lý thống nhất của chính quyền; phát huy mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả hơn nữa vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

c) Phát triển Du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn phải đặt trong tổng thể phát triển chung của các ngành kinh tế có liên quan; phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa, phát triển du lịch xanh, bền vững.

d) Phát triển du lịch phải gắn với kinh tế, văn hóa, truyền thống lịch sử dân tộc, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên; giải quyết vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

đ) Phát triển du lịch phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam; kiên định mục tiêu nhưng hết sức linh hoạt; luôn đổi mới sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số và quá trình xuất hiện những vấn đề mới gắn với giải quyết các khó khăn, thách thức mới.

4. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tăng cường giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp và triển khai áp dụng thị thực điện tử tại các cửa khẩu quốc tế; rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các chính sách về thị thực để tạo thuận lợi cho khách du lịch nhập cảnh.

5. Để phục hồi và phát triển ngành du lịch hiệu quả, thiết thực hơn, mang lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý xác đáng của các đại biểu dự Hội nghị; nghiên cứu, sớm hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tình hình mới, và trình ban hành trong tháng 01 năm 2023.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng CP (để báo cáo);
- Bộ trưởng các Bộ: VHTTDL, NG, CA, QP, TC,
KHĐT, LĐTBXH, TTTT, GTVT, TP, CT, YT,
NNPTNT, GDĐT;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Hiệp hội Du lịch Việt Nam;
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Sỹ Hiệp,
Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục: TH, TKBT, QHĐP, QHQT, CN, NN, KSTT;
- Lưu: VT, KGVX (03).đđt

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp

 

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ