Sắc luật 02/SL năm 1976 quy định việc bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật do Hội đồng Chánh phủ ban hành

Số hiệu 02/SL
Ngày ban hành 15/03/1976
Ngày có hiệu lực 30/03/1976
Loại văn bản Sắc luật
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Huỳnh Tấn Phát,Nguyễn Hữu Thọ
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng

SẮC LUẬT

QUY ĐỊNH VIỆC BẮT, GIAM, KHÁM NGƯỜI, KHÁM NHÀ Ở, KHÁM ĐỒ VẬT

HỘI ĐỒNG CHÁNH PHỦ
CÁCH MẠNG LÂM THỜI CỘNG HÒA MIỀN NAM VIỆT NAM

Căn cứ vào Nghị quyết cơ bản của Đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam ngày 8 tháng 6 năm 1969;

Để bảo đảm việc trấn áp bọn phản cách mạng và việc trừng trị những kẻ phạm tội khác, đồng thời bảo đảm quyền tự do thân thể nhân phẩm và quyền bất khả xâm phạm về nhà ở và về đồ vật của công dân;

Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp về quy định việc bắt giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật;

Sau khi được sự thỏa thuận của Hội đồng cố vấn Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam,

RA SẮC LUẬT

Điều 1. Nguyên tắc chung

Việc bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật phải có lệnh viết của cơ quan có thẩm quyền, trừ trường hợp phạm tội quả tang và trường hợp khẩn cấp quy định ở các điều 2 và 3 dưới đây.

Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan có quyền ra lệnh bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật trong những vụ án hình sự. Ủy ban nhân dân cách mạng từ cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên là cơ quan có quyền ra lệnh bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật đối với những phần tử cần tập trung cải tạo.

Tòa án nhân dân có quyền ra lệnh bắt, giam kẻ phạm tội trong những vụ án hình sự đang thụ lý.

Trưởng hoặc phó cơ quan an ninh từ cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên có quyền ra lệnh bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật của kẻ phạm tội; lệnh đó phải được sự phê chuẩn trước của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, nếu là vụ án hình sự, hoặc của Ủy ban nhân dân cách mạng cùng cấp, nếu là trường hợp tập trung cải tạo.

Ủy ban nhân dân cách mạng xã, phường có nhiệm vụ báo cáo với Viện kiểm sát nhân dân, Ủy ban nhân dân cách mạng hoặc cơ quan an ninh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về những trường hợp cần bắt, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật. Sau khi được lệnh viết của một trong các cơ quan nói trên, Ủy ban nhân dân cách mạng xã, phường có quyền tiến hành việc bắt, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật và phải dẫn ngay người bị bắt đến cơ quan đã ra lệnh.

Điều 2. Bắt người, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật trong trường hợp phạm tội quả tang.

Trong trường hợp phạm tội quả tang, bất cứ công dân nào cũng có quyền bắt và giải ngay kẻ phạm tội đến Ủy ban nhân dân cách mạng, cơ quan an ninh, hoặc Viện kiểm sát nhân dân gần nhất.

Những trường hợp sau đây là phạm tội quả tang:

a) Đang làm việc phạm tội hoặc ngay sau khi phạm tội thì bị phát giác.

b) Đang bị đuổi bắt sau khi phạm tội.

c) Đang bị giam giữ mà lẫn trốn.

d) Đang có lệnh truy nã.

Điều 3. Bắt người, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật trong trường hợp khẩn cấp.

Đội trưởng đội tuần tra của cơ quan an ninh hoặc của quân đội, trưởng hoặc phó đồn an ninh, trưởng hoặc phó cơ quan an ninh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trưởng hoặc phó ban của cơ quan an ninh từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, trong khi làm nhiệm vụ, có quyền ra lệnh hoặc tự mình bắt, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật trong những trường hợp khẩn cấp.

Ủy ban nhân dân cách mạng xã, phường có nhiệm vụ báo cáo với Viện kiểm sát nhân dân, Ủy ban nhân dân cách mạng hoặc cơ quan an ninh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về những trường hợp khẩn cấp cần bắt, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật. Sau khi được lệnh viết của một trong các cơ quan nói trên, Ủy ban nhân dân cách mạng xã, phường có quyền tiến hành việc bắt, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật và phải dẫn ngay người bị bắt đến cơ quan đã ra lệnh.

Những trường hợp khẩn cấp là những trường hợp sau đây:

a) Có hành động chuẩn bị phạm tội.

b) Người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trong thấy và xác nhận đúng là kẻ phạm tội.

c) Tìm thấy chứng cứ phạm tội trong người hoặc tại nhà ở của người tình nghi phạm tội.

d) Có hành động chuẩn bị trốn hoặc đang trốn.

đ) Có hành động chuẩn bị tiêu hủy chứng cứ hoặc đang tiêu hủy chứng cứ, làm giả chứng cứ, có sự thông đồng giữa những kẻ phạm tội với nhau để trốn tránh pháp luật.

[...]