Sắc lệnh số 40 về việc bảo vệ tự do cá nhân do Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ban hành

Số hiệu 40
Ngày ban hành 29/03/1946
Ngày có hiệu lực 13/04/1946
Loại văn bản Sắc lệnh
Cơ quan ban hành Chủ tịch nước
Người ký Hồ Chí Minh
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng,Quyền dân sự

SẮC LỆNH

SỐ 40 CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ NGÀY 29 THÀNG 03 NĂM 1946 VỀ VIỆC BẢO VỆ TỰ DO CÁ NHÂN

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu theo Sắc lệnh ngày 10 tháng 10 năm 1945 giữ tạm thời các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung, Nam bộ, cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn quốc,

Theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả hiệp,

RA SẮC LỆNH:

TIẾT I VIỆC BẮT NGƯỜI VÀ GIAM CỨU

Điều thứ 1: Chỉ trừ khi nào có sự phạm pháp quả tang về khinh tội hay trọng tội còn bao giờ bắt người cũng cần phải có lệnh của thẩm phán viên.

Lệnh đó phải viết ra giấy và bao giờ cũng phải do nhân viên của các cơ quan chính thức đem thi hành.

Ở nơi nào chưa đặt thẩm phán viên thì chỉ có những cơ quan do luật pháp đã ấn định để thay cho thẩm phán viên, thì mới có quyền ra lệnh bắt người.

Điều thứ 2: Khi nào sự phạm pháp đương xẩy ra hoặc vừa xẩy ra trước mắt, hoặc khi nào kẻ phạm pháp còn đương bị công chứng theo đuổi hay còn đương cầm giữ tang vật, thì gọi là phạm pháp quả tang.

Trong trường hợp đặc biệt ấy thì bắt người không cần phải có lệnh trước của thẩm phán viên.

Tư nhân bắt được kẻ phạm pháp quả tang phải lập tức dẫn đến trình nhà chức trách ở gần đấy nhất.

Những nhân viên có trách nhiệm về việc tuần phòng có thể dẫn người bị bắt đến thẳng thẩm phán viên mà không cần phải hỏi cung trước. Bất kỳ vào trường hợp nào trong hạn 24 giờ kể từ lúc bắt, người bị bắt cũng phải được đem ra trước mặt thẩm phán viên để lấy cung.

Điều thứ 3: Việc giam cứu, trước khi xử, bao giờ cũng do các cơ quan tư pháp quyết định.

Từ nay việc giam cứu không được quá thời hạn sau đây:

1- Nếu người bị bắt bị truy tố về tiểu hình thì hạn giam cứu không được quá một tháng kể từ ngày bắt;

2- Nếu người bị bắt bị truy tố về đại hình thì hạn giam cứu không được quá ba tháng kể từ ngày bắt.

Điều thứ 4: Tuy nhiên, nếu xét ra cần phải giam cứu lâu hơn một tháng hay ba tháng như đã nói trong Điều 3, thì có quan tư pháp có thể quyết nghị gia hạn thêm hai lần nữa, mỗi lần thêm một tháng hay ba tháng tuỳ theo việc tiểu hình hay đại hình.

Việc gia hạn giam cứu chỉ được phép quyết định sớm nhất là tám hôm trước khi hết hạn giam và quyết nghị định gia hạn phải nói rõ lý do và thông đạt cho người bị giam muộn nhất là 24 giờ trước khi hết hạn giam. Trong hạn 24 giờ kể từ lúc nhận được thông đạt, người bị giam cứu có quyền kháng nghị lên toà thượng thẩm.

Toà Thượng thẩm sẽ xét việc kháng nghị ấy trong phòng hội đồng trong một phiên họp gần nhất; nghị quyết sẽ tuyên bố ở phiên công khai.

Điều thứ 5: Sự giam cứu sau khi toà trừng trị đã tuyên án không bao giờ được quá một hạn là ba tháng kể từ ngày tuyên án.

Quá hạn đó nếu chưa kịp xét lại án văn của toà trừng trị mà xét ra cần phải gia hạn giam cứu thì toà thượng thẩm phải tuyên bố một quyết nghị riêng. Nhưng dầu sao thì hạn giam cứu kể từ ngày bắt cũng không bao giờ được quá hạn tù do toà trừng trị đã tuyên phạt. Nếu bị cáo bị kết án về đại hình thì điều này không tái hàn.

Điều thứ 6: Trong khi bị giam cứu, người bị truy tố lúc nào cũng có quyền đệ đơn xin tạm tha, theo hình thức do pháp luật hiện hành ấn định.

TIẾT II NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐỀ PHÒNG ĐẶC BIỆT

Điều thứ 7: Trong tình thế đặc biệt hiện thời và cho đến khi có lệnh khác, Chủ tịch Uỷ ban hành chính kỳ đặc cách được phép ra lệnh bắt những người xét ra lời nói hay việc làm có thể làm hại cho sự đấu tranh giành độc lập, cho chế độ dân chủ, cho sự an toàn của công chúng và sự đoàn kết của quốc gia, để đem trừng trị trong những trại giam đặc biệt.

Chủ tịch Uỷ ban hành chính kỳ cũng có thể ra lệnh cấm những người kể trên không được ở luôn hoặc lui tới một hay nhiều nơi sẽ ấn định.

Điều thứ 8: Trước khi ký những lệnh kể trong Điều 7, Chủ tịch Uỷ ban hành chính phải thoả hiệp với một hội đồng đặt ở thủ đô một kỳ và gồm có các vị sau này:

1- 2 đại biểu hành chính (do nghị định Nội vụ cử ra)

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ