Sắc lệnh số 13 về việc tổ chức các toà án và các ngạch thẩm phán do Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành

Số hiệu 13
Ngày ban hành 24/01/1946
Ngày có hiệu lực 08/02/1946
Loại văn bản Sắc lệnh
Cơ quan ban hành Chủ tịch nước
Người ký Hồ Chí Minh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC SỐ 13 NGÀY 24 THÁNG GIÊNG NĂM 1946

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả thuận,

RA SẮC LỆNH:

Điều thứ 1: Cách tổ chức các toà án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ấn định như sau này:

Chương thứ nhất

TỔ CHỨC CÁC TOÀ ÁN

TIẾT THỨ NHẤT: BAN TƯ PHÁP XÃ

Điều thứ 2: Ở mỗi xã, ban thường vụ của Uỷ ban hành chính cấp xã, gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thư ký (theo Điều số 75 Sắc lệnh số 63 ngày 22-11-1945 tổ chức chính quyền nhân dân) sẽ kiêm cả việc tư pháp.

Cả ba uỷ viên trong ban tư pháp ấy đều có quyền quyết nghị. Thư ký giữ công việc lục sự: lưu giữ công văn, làm các giấy tờ, biên bản.

Khi một trong ba uỷ viên vắng mặt, Chủ tịch sẽ lấy một nhân viên khác ở Uỷ ban hành chính vào thay.

Mỗi tuần lễ, ban tư pháp phải họp ít nhất là một lần, họp công khai ở trụ sở của Uỷ ban.

Điều thứ 3: Ban tư pháp xã có quyền:

1- Hoà giải tất cả các việc dân sự và thương sự.

Nếu hoà giải được, ban tư pháp có thể lập biên bản hoà giải có các uỷ viên và những người đương sự ký.

2- Phạt các việc vi cảnh, những chỉ có quyền phạt tiền từ năm hào đến sáu đồng bạc.

Các tiền phạt sẽ do thủ quỹ nhận và phát biên lai. Tiền phạt sẽ bỏ vào quỹ làng tiêu dùng.

Nếu người phạm tội không chịu nộp phạt, thì ban tư pháp lập biên bản đệ lên Toà án sơ cấp xét xử.

3- Thi hành những mệnh lệnh của các thẩm phán cấp trên.

Điều thứ 4: Ban tư pháp xã không có quyền tịch thu tài sản của ai. Cũng không có quyền bắt bớ, giam giữ ai trừ khi có trát nã của một thẩm phán, hay khi thấy người phạm tội quả tang.

Điều thứ 5: Khi bắt người trong hai trường hợp kể trên, ban Tư pháp phải lập biên bản hỏi cung, và giải bị can lên ngay Toà án trên, trong hạn 24 giờ là cùng.

Điều thứ 6: Nếu cần, ban tư pháp có thể khám xét nhà các tư nhân, để thu giữ tang vật, song phải lập biên bản minh bạch và không được xâm phạm đến các đồ vật khác. Các tang vật thu giữ phải bao gói cẩn thận và niêm phong rồi đệ ngay lên Toà án trên.

TIẾT THỨ NHÌ: TOÀ ÁN SƠ CẤP (Ở CÁC QUẬN)

Điều thứ 7: Ở mỗi quận (phủ, huyện, châu) có một Toà án sơ cấp, quản hạt là địa hạt quận.

Nếu cần, một Nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể thay đổi quản hạt được.

Điều thứ 8: Tuỳ theo sự quan trọng, các Toà án sơ cấp sẽ chia ra làm bốn hạng do Nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Điều thứ 9: Toà án sơ cấp gồm có: một Thẩm phán, một Lục sự và một hay nhiều Thư ký giúp việc.

Điều thứ 10: Mỗi tuần lễ, ít ra phải có hai phiên toà công khai: một phiên hộ và một phiên hình. Tại phiên toà, Thẩm phán xét xử một mình, lục sự giữ bút ký, lập biên bản án từ.

[...]