Quyết định 1469/QĐ-BXD năm 2021 về Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2022 của Bộ Xây dựng

Số hiệu 1469/QĐ-BXD
Ngày ban hành 31/12/2021
Ngày có hiệu lực 31/12/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Nguyễn Văn Sinh
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1469/QĐ-BXD

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NĂM 2022 CỦA BỘ XÂY DỰNG

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17/07/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 03/2018/TT-BTP ngày 10/3/2018 của Bộ Tư pháp quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phbiến, giáo dục pháp luật;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2022 của Bộ Xây dựng”.

Điều 2. Giao Vụ Pháp chế là đầu mối tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch. Các đơn vị được giao chủ trì chủ động phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan để triển khai công việc cụ thể theo nội dung Kế hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Văn phòng Bộ và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị (để b/c);
- Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật-Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Sinh

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NĂM 2022 CỦA BỘ XÂY DỰNG
(Kèm theo Quyết định số 1469/QĐ-BXD ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

1.1. Thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong: (i) Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; (ii) Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW; số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL); (iii) Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

1.2. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện, góp phần đưa công tác PBGDPL, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và xã hội, góp phần thiết thực trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

1.3. Đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với hoạt động chuyển đổi số, từng bước đổi mới công tác PBGDPL, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

2. Yêu cầu

2.1. Quán triệt và thực hiện đầy đủ chủ trương của Đảng; quy định pháp luật về PBGDPL, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; bám sát nhiệm vụ được giao trong các văn bản pháp luật, các Nghị quyết của Quốc hội; chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gắn với nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật thuộc trách nhiệm Bộ, ngành xây dựng và từng đơn vị.

2.2. Bám sát và thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; phát huy vai trò của tổ chức pháp chế và trách nhiệm của đơn vị được giao chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, bảo đảm sự kết nối, lồng ghép các hoạt động.

2.3. Bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, chất lượng, hiệu quả; đa dạng hóa, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

[...]