Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 993/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020

Số hiệu 993/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/05/2014
Ngày có hiệu lực 22/05/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Võ Thành Hạo
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 993/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 22 tháng 5 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 83/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án”Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”;

Căn cứ Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bến Tre đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1108/TTr-SCT ngày 25 tháng 4 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển: Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo hướng: Phù hợp với tiềm năng, đặc điểm của địa phương, có tính đến liên kết với các tỉnh lân cận; thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh; khai thác tối đa vị trí địa lý, những tiềm năng sẵn có, đất đai và nguồn lao động tại địa phương, không khuyến khích các ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều diện tích đất.

2. Mục tiêu phát triển:

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, sử dụng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, tiêu chuẩn quốc gia, có khả năng xuất khẩu; phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh có bước phát triển trung bình về phát triển công nghiệp hỗ trợ so với cả nước và phát triển được các doanh nghiệp đầu tàu, có khả năng cung cấp những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn;

- Dự kiến: Đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ đạt 1. 712 tỷ đồng, chiếm 17, 51% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng bình quân 43, 81%/năm; đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ đạt 2. 995 tỷ đồng, chiếm 12, 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 11, 84%/năm.

3. Định hướng phát triển cụ thể các ngành công nghiệp hỗ trợ:

a) Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt - may: Nội địa hóa một số sản phẩm phụ trợ ngành dệt - may để thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao tính chủ động trong sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; đẩy mạnh và mở rộng thị trường xuất khẩu để phát triển nhanh sản xuất; thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt - may: Công nghiệp sản xuất thiết bị và phụ tùng cơ khí phục vụ ngành dệt - may; phát triển ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt - may: Chỉ, nút, dây khóa, nhãn mác, bao bì... phục vụ nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

b) Công nghiệp hỗ trợ ngành da - giày: Tập trung kêu gọi phát triển sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành da - giày bao gồm: Đế giày, dây giày, da thuộc; vải giả da; chỉ may giày, bao bì... nhưng phải chọn lọc các dự án sạch, không ô nhiễm môi trường, nhằm giảm số lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu, tăng tiêu thụ nguyên phụ liệu trên địa bàn tỉnh và cả nước.

c) Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử - tin học: Định hướng phát triển sản xuất thiết bị cho các ngành khác, nhất là các cơ phận tự động hóa cho công nghiệp chế biến, nghiên cứu lắp ráp các thiết bị tin học văn phòng như: Máy vi tính, máy in, photocopy... đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ mới; tạo môi trường và điều kiện chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất và kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành tin học.

d) Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo: Liên kết với các tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ,... kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mới hoặc đầu tư có chiều sâu tại các cơ sở cơ khí chế tạo hiện có để sản xuất các phụ tùng, bộ phận cho các loại: Máy nông nghiệp, máy công tác, máy móc thiết bị phục vụ cho ngành chế biến dừa, chế biến thủy sản, gia công chế tạo máy xay xát, lau bóng, máy nghiền, máy trộn, băng tải, cơ giới hóa khâu tưới, tiêu nước, … đóng mới và gia công sửa chữa phương tiện giao thông vận tải: Tàu thuyền, xà lan, xe ô tô và các sản phẩm kim loại khác nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng cũng như hỗ trợ cho ngành sản xuất, gia công cơ khí trong tỉnh và cả nước phát triển.

đ) Công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất lắp ráp ô tô: Tập trung phát triển các sản phẩm mà dự án đã đầu tư vào khu công nghiệp: Sản xuất kính ô tô, linh kiện trong hộp số xe ô tô, sản xuất bộ dây dẫn điện cho xe có động cơ. Đồng thời, liên kết với các công ty, nhà máy tại TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ phát triển thêm ngành công nghiệp sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho ô tô, xe máy. Bước đầu sẽ cung cấp cho các công ty mẹ, xuất khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh; sau sẽ nâng dần tỷ trọng sản phẩm cung cấp cho các ngành công nghiệp sản xuất xe ô tô, xe máy trong nước.

e) Ngành công nghiệp hỗ trợ ngành chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm: Tập trung phát triển đa dạng mẫu mã các sản phẩm bao bì, tiến hành nâng cấp, mở rộng các cơ sở sản xuất hiện có. Đồng thời, kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất bao bì phục vụ cho toàn bộ nhu cầu bao bì cho ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm của tỉnh và các tỉnh lân cận.

4. Danh mục dự án kêu gọi đầu tư: (Phụ lục 1 kèm theo).

5. Nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện Đề án: Nhu cầu về vốn đầu tư cho các ngành hỗ trợ khoảng 2. 220 tỷ đồng, cụ thể từng giai đoạn như sau:

- Giai đoạn 2014-2015: Nhu cầu khoảng 760 tỷ đồng. Trong đó:

+ Vốn đầu tư của doanh nghiệp: 750 tỷ đồng.

+ Vốn ngân sách (đào tạo nghề, hỗ trợ KHCN): 10 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2016-2020: Nhu cầu khoảng 1. 460 tỷ đồng. Trong đó:

+ Vốn đầu tư của doanh nghiệp: 1. 420 tỷ đồng.

[...]