Quyết định 974/QĐ-UBND năm 2011 về phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bến tre đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành

Số hiệu 974/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/04/2011
Ngày có hiệu lực 27/04/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Văn Hiếu
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 974/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 27 tháng 4 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Biên bản họp Hội đồng thẩm định số 27/BB-HĐTĐ ngày 28 tháng 10 năm 2009 về việc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bến Tre đến năm 2020;
Căn cứ Biên bản số 33/BB-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2010 về phiên họp thường kỳ tháng 12 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh, trong đó có thông qua Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bến Tre đến năm 2020;
Căn cứ Công văn số 305-CV/TU ngày 09 tháng 3 năm 2011 của Tỉnh uỷ về trích biên bản hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thông qua Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bến Tre đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 423/TTr-SCT ngày 18 tháng 4 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bến tre đến năm 2020 (kèm theo) với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu:

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp thuộc thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, trong đó chú trọng đầu tư công nghiệp chế biến dừa và chế biến thuỷ sản là hai ngành công nghiệp chủ lực chi phối đến sự phát triển công nghiệp của tỉnh; khuyến khích sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, tạo nguồn thu lớn cho Ngân sách và giải quyết nhiều việc làm cho xã hội; duy trì hợp lý các ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố, giảm dần công nghiệp sử dụng nhiều lao động, tăng dần các ngành công nghiệp cơ bản, ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ.

Phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994 đạt 14.400 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 24%/năm; đến năm 2020 đạt 34.410 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 19,02%/năm. Giá trị tăng thêm tính theo giá so sánh 1994 đạt 4.290 tỷ đồng năm 2015 và 12.550 tỷ đồng năm 2020.

2. Định hướng phát triển các ngành nghề và sản phẩm chủ yếu:

Chấp thuận các định hướng phát triển các ngành nghề chủ yếu mà Quy hoạch đề xuất, cụ thể:

a) Công nghiệp chế biến thuỷ sản: Hiện đại hoá máy móc thiết bị, đầu tư hoàn thiện các nhà máy chế biến thuỷ sản hiện có; kêu gọi đầu tư thêm các nhà máy chế biến thuỷ sản đông lạnh, thuỷ sản khô đóng gói mới ở các khu, cụm công nghiệp và ở gần vùng nguyên liệu, phấn đấu đến năm 2015 đạt 73.000 tấn; năm 2020 đạt 120.000 tấn thành phẩm thuỷ sản đông lạnh.

b) Công nghiệp chế biến dừa: Khuyến khích đầu tư sản xuất sữa dừa, bột sữa dừa, mụn dừa, thạch dừa tinh và các sản phẩm mới từ dừa có giá trị cao; duy trì sản xuất và nâng cao sản lượng các sản phẩm từ dừa khác nhất là cơm dừa nạo sấy, chỉ xơ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, kẹo dừa.

c) Công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi: Củng cố, duy trì đồng thời khuyến khích đầu tư nâng cấp, mở rộng các nhà máy chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản; phấn đấu đến năm 2015 đạt 280.000 tấn, năm 2020 đạt 430.000 tấn thức ăn chăn nuôi.

d) Công nghiệp hoá chất: Khuyến khích đầu tư sản xuất than hoạt tính, sản xuất thuốc tân dược. Phấn đấu đạt giá trị sản xuất ngành công nghiệp hoá chất khoảng 1.100 tỷ đồng năm 2015 và 2.900 tỷ đồng năm 2020; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 22,42%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 21,4%/năm.

đ) Công nghiệp cơ khí, điện tử, thiết bị điện: Phát triển hợp lý cơ khí phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn; tạo điều kiện cho các dự án đã và đang triển khai phát huy hiệu quả. Giá trị cơ khí thực hiện phấn đấu đạt 986 tỷ vào năm 2015 và 2.400 tỷ vào năm 2020; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 27,47%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 19,45%/năm.

e) Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Khuyến khích phát triển sản xuất gạch xi măng, gạch không nung, duy trì và phát triển hợp lý hoạt động sản xuất gạch nung. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt 188 tỷ đồng vào năm 2015 và 490 tỷ vào năm 2020; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 20,5%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 21,17%/năm.

g) Công nghiệp khai thác: Duy trì mức khai thác cát sông hợp lý để đáp ứng nhu cầu san lắp ở địa phương và bảo vệ môi trường. Phấn đấu giữ tốc độ tăng trưởng khoảng 8%/năm.

h) Công nghiệp may mặc - da giầy: Chú trọng phát triển các sản phẩm may mặc, giầy dép xuất khẩu. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành may mặc - da giầy đạt 400 tỷ năm 2015 và 1.050 tỷ năm 2020, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 21,55%/năm và giai đoạn 2016-2020 là 21,41%/năm.

i) Các ngành công nghiệp khác: Tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động công nghiệp in, sản xuất thuốc lá, sản xuất bao bì giấy, sản xuất nước đá, sản xuất đường, xay xát lúa gạo, công nghiệp nước; từng bước phát triển công nghiệp điện (nhiệt điện, điện gió).

k) Tập trung củng cố phát triển các ngành nghề truyền thống của tỉnh theo hướng sắp xếp lại mặt bằng sản xuất để hợp lý hoá sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kết hợp du lịch để mở rộng thị trường; đồng thời phát triển các ngành nghề mới trên cơ sở có thị trường tiêu thụ, nguồn nguyên liệu và lợi thế sẵn có, hình thành các làng nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn.

3. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2020:

a) Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011-2020 (bao gồm cả hạ tầng các khu, cụm công nghiệp): 45.812 tỷ đồng, trong đó:

- Giai đoạn 2011-2015: 19.880 tỷ đồng;

- Giai đoạn 2016 -2020: 25.932 tỷ đồng.

b) Nguồn vốn: Huy động các nguồn như: Ngân sách, tín dụng, liên doanh liên kết, vốn tự có của doanh nghiệp… trong đó chủ yếu là liên doanh liên kết.

4. Giải pháp phát triển công nghiệp:

Bao gồm 8 (tám) giải pháp chủ yếu về: Vốn, thị trường, nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực tổ chức quản lý ngành công nghiệp, bảo vệ môi trường, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực và làng nghề.

[...]