Quyết định 989/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt quy hoạch hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020

Số hiệu 989/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/05/2013
Ngày có hiệu lực 17/05/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Lê Minh Chiến
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 989/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 17 tháng 5 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HỆ THỐNG BÁN BUÔN, BÁN LẺ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển Thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 6184/QĐ-BCT ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Bộ Công Thương về phê duyệt “Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”;

Qua xem xét hồ sơ kèm theo Tờ trình số 12/TTr-SCT ngày 01 tháng 02 năm 2013 của Sở Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 và Tờ trình số 82/TTr-SKH ngày 09 tháng 5 năm 2013 của Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch), với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển thương mại bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh trước hết phải gắn với việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất trong tỉnh và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng phong phú, đa dạng của các tầng lớp dân cư trong xã hội.

- Phát triển thương mại bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh phải gắn với đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại và phát triển nhiều loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đồng thời, thiết lập các kênh phân phối để quá trình lưu thông hàng hóa diễn ra thông suốt, tạo điều kiện đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân.

- Phát triển thương mại bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh phải gắn với việc xây dựng nền thương mại văn minh, hiện đại trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, góp phần nâng cao tỷ trọng dịch vụ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại và dịch vụ trong cơ cấu GDP của tỉnh.

- Cần thực hiện phương châm phát triển hài hòa giữa thương mại bán buôn, bán lẻ hiện đại và thương mại bán buôn, bán lẻ truyền thống trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

Xây dựng hệ thống bán buôn, bán lẻ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch tổng thể phát triển thương mại; quy hoạch đô thị; quy hoạch giao thông và các quy hoạch khác có liên quan; đáp ứng nhu cầu của sản xuất, tiêu dùng và tác động tích cực đến các quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và tăng trưởng của ngành thương mại nói riêng.

b) Mục tiêu cụ thể

- Quy hoạch hệ thống phát triển hệ thống thương mại bán buôn, bán lẻ vừa đảm bảo phục vụ cho nhu cầu mua bán của dân cư, vừa đảm bảo tính liên kết theo hệ thống với các loại hình kinh doanh khác, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa được mở rộng và gắn kết với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, với thị trường khu vực và trên thế giới.

- Đảm bảo các điều kiện để hoạt động của các cơ sở bán buôn, bán lẻ (nhất là các trung tâm thương mại, siêu thị) trên địa bàn tỉnh phù hợp với yêu cầu tổ chức không gian kinh tế, không gian đô thị, phục vụ thuận tiện với chất lượng dịch vụ cao cho người tiêu dùng, đảm bảo an ninh, trật tự, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại.

- Đảm bảo vai trò của hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trong việc điều phối liên kết giữa sản xuất với thương mại và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

- Làm cơ sở cho lập kế hoạch thu hút đầu tư phát triển các cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại trên địa bàn tỉnh.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI BÁN BUÔN, BÁN LẺ CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2020

1. Định hướng phát triển các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm

- Trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm là khu vực bao gồm nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại, các nhà môi giới thương mại, kho của nhà sản xuất, tổng kho của các nhà bán buôn, bán lẻ, các văn phòng đại diện, các dịch vụ thương mại,… Và các doanh nghiệp hỗ trợ khác.

[...]