VỀ
VIỆC TRAO ĐỔI VĂN BẢN ĐIỆN TỬ TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 979/QĐ-UBND ngày 13/4/2015 của UBND
tỉnh Quảng Ninh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định cụ thể
về việc thực hiện trao đổi văn bản điện tử, sử dụng chữ ký số trong hoạt động
trao đổi công việc của các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này được áp dụng đối với các cơ quan nhà
nước thuộc Tỉnh bao gồm các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố thuộc Tỉnh; Các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang
làm việc trong các cơ quan nhà nước thuộc Tỉnh và những tổ chức, cá nhân có
liên quan áp dụng Quy định này trong việc trao đổi văn bản điện tử tại các cơ
quan, đơn vị.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. “An toàn thông tin” là sự bảo vệ thông tin và
các hệ thống thông tin tránh bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi
hoặc phá hoại trái phép nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả
dụng của thông tin.
2. "Chứng thư số" là một dạng chứng thư
điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp.
3. “Chứng thư số có hiệu lực” là chứng thư số chưa
hết hạn, không bị tạm dừng hoặc bị thu hồi.
4. "Chữ ký số" là một dạng chữ ký điện tử
được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã
không đối xứng theo đó người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khoá công
khai của người ký có thể xác định được chính xác.
5. “Chữ ký số hợp lệ” là chữ ký số được tạo ra
trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khoá công khai
ghi trên chứng thư số có hiệu lực đó.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Quy định về việc trao đổi văn bản điện tử trong các cơ
quan nhà nước tỉnh Quảng Ninh
1. Văn bản điện tử phải được thực
hiện trao đổi rộng rãi trên cơ sở các phần
mềm, thiết bị kỹ thuật và hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông được cài đặt, thiết lập để khởi tạo, sử dụng, gửi, nhận và lưu trữ văn bản điện tử.
2. Cơ quan nhà nước thực hiện trao
đổi văn bản điện tử phải thực hiện theo quy định này đồng thời tuân thủ các quy
định về Giao dịch điện tử, bảo vệ bí mật nhà nước và quy định về văn thư, lưu
trữ nhằm đảm bảo tính an toàn bảo mật, tin cậy, xác thực của dữ liệu.
3. Văn bản điện tử đã được ký bởi
chữ ký số hợp lệ có giá trị pháp lý như văn bản giấy, được tiếp nhận và xử lý
theo quy định; cơ quan phát hành không cần gửi bản giấy.
Điều 5. Quy định
về sử dụng chứng thư số
1. Chứng thư số của các cơ quan, đơn
vị, cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Ninh do cơ quan Chứng thực chữ ký
số chuyên dùng của Nhà nước cung cấp được sử dụng để xác thực thông tin, chứng
thực chữ ký số, bảo mật và an toàn thông tin với đầy đủ giá trị pháp lý trong
các giao dịch điện tử của nội bộ cơ quan và giữa các cơ quan thuộc hệ thống
chính trị tỉnh Quảng Ninh.
2. Các cơ quan nhà nước thuộc Tỉnh đã
được cấp chứng thư số hợp lệ dành cho đơn vị phải sử dụng để xác thực văn
bản điện tử cuối cùng trước khi chính thức phát hành.
Điều 6. Quy định
về ký số trên văn bản điện tử
1. Các cơ quan, đơn vị lựa chọn một trong
hai cách thức ký số vào văn bản điện tử:
a) Văn bản điện tử được ký số bởi
chứng thư số đơn vị:
Văn bản của các cơ quan, đơn vị sau
khi được thông qua, người có thẩm quyền ký tên, chuyển tiếp văn thư đóng dấu
của cơ quan, quét (scan) và lưu dưới dạng tệp tin PDF để thực hiện ký số
bởi chứng thư số còn hiệu lực của đơn vị và thực hiện gửi qua mạng Internet.
b) Văn bản điện tử được ký số đồng
thời bởi chứng thư số của người có thẩm quyền và chứng thư số của đơn vị:
Văn bản của các cơ quan, đơn vị sau
khi được thông qua, chuyển sang dạng tệp tin PDF, người có thẩm quyền thực hiện
ký số bởi chứng thư số cá nhân còn hiệu lực, chuyển tiếp văn thư đơn vị ký số
bởi chứng thư số còn hiệu lực của đơn vị và thực hiện gửi qua mạng Internet.
2. Vị trí ký và thông tin chữ ký số
trên văn bản điện tử:
a) Đối với chữ ký số của đơn vị: Ký
tại trang đầu tiên của tệp văn bản, tại khoảng trắng lề bên trái ngay dưới
nội dung “ký hiệu văn bản” hoặc các vị trí tương tự đối với văn bản trình bày
theo khổ ngang (như phụ lục, bảng biểu…); đảm bảo thể hiện tối thiểu các
thông tin (Tên cơ quan ký, thời gian ký).
b) Đối với chữ ký số cá nhân: Ký tại
vị trí ký tên như chữ ký tay thông thường; đảm bảo thể hiện tối thiểu các thông
tin (Tên cá nhân ký, tên cơ quan, thời gian ký).
3. Trong môi trường điện tử, chữ ký
số đảm bảo tính toàn vẹn của tệp văn bản điện tử (không phụ thuộc vào số
trang văn bản). Trong trường hợp nội dung gửi có nhiều tệp văn bản điện tử
khác nhau thì cần thực hiện ký số trên từng tệp văn bản đó.
Điều 7. Phương
thức trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng
Phương thức trao đổi văn bản điện tử
trên môi trường mạng phải bảo đảm độ tin cậy, tính kịp thời, chính xác và an
toàn, an ninh thông tin. Căn cứ vào điều kiện thực tế, các cơ quan, đơn vị chủ
động lựa chọn một hoặc nhiều phương thức trao đổi văn bản điện tử:
1. Phương thức bắt buộc phải thực
hiện đồng thời:
- Trao đổi qua hệ thống thư điện tử
tỉnh Quảng Ninh.
- Trao đổi qua hệ thống thông tin
và cơ sở dữ liệu quản lý văn bản Tỉnh.
2. Phương thức bổ sung:
- Đăng tải trên Cổng thông tin điện
tử của Tỉnh/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị (truy cập với tên
miền .gov.vn) để phục vụ công tác tra cứu, tìm kiếm văn bản, tài liệu điện
tử.
Điều 8. Quy định
về loại văn bản trao đổi dưới dạng điện tử
Ngoại trừ các văn bản mật, tối mật,
tuyệt mật, các loại văn bản sau đây sử dụng chữ ký số để trao đổi dưới dạng
điện tử:
1. Trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện
tử:
1.1. Trong phạm vi nội bộ các cơ
quan, đơn vị: Văn bản chỉ đạo, điều hành; lịch công tác; các chương trình, kế
hoạch; giấy mời họp nội bộ; tài liệu phục vụ họp; văn bản để biết, để báo cáo,
xin ý kiến; thông báo chung của cơ quan; các tài liệu cần trao đổi trong quá
trình xử lý công việc.
1.2. Giữa các cơ quan, đơn vị: Các
văn bản hành chính trao đổi công việc, chỉ đạo điều hành (công văn, thông
báo, chương trình, kế hoạch…); tài liệu, văn bản tham gia ý kiến, góp ý;
văn bản để biết, để báo cáo; báo cáo định kỳ, báo cáo số liệu thống kê, tổng hợp;
lịch công tác; giấy mời họp, tài liệu phục vụ họp.
2. Trao đổi dưới dạng điện tử kèm
văn bản giấy:
2.1. Văn bản quy phạm pháp luật.
2.2. Văn bản, hồ sơ, tài liệu trình
Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh và UBND Tỉnh.
Các văn bản trên sau khi phát hành
văn bản điện tử phải gửi kèm văn bản giấy tương ứng với nội dung văn bản điện
tử được ban hành.
3. Đối với các loại văn bản không
thuộc quy định tại Điều này nhưng bên gửi và bên nhận có đủ điều kiện kỹ thuật
cho phép để trao đổi dưới dạng điện tử thì các bên chủ động công bố và thực
hiện.
Điều 9. Tiếp
nhận, lưu trữ, quản lý, khai thác sử dụng thông tin
1. Bộ phận văn thư tại các đơn vị có
trách nhiệm kiểm tra thường xuyên các hệ thống thông tin tiếp nhận văn bản điện
tử để tiếp nhận và quản lý tài liệu lưu trữ điện tử theo Nghị định số
01/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật lưu trữ.
2. Khi nhận được văn bản điện tử, bộ
phận văn thư tại đơn vị có trách nhiệm kiểm tra chữ ký số trên văn bản. Nếu đảm
bảo tính xác thực về nguồn gốc, còn hiệu lực và đầy đủ thông tin thì vào sổ
công văn đến và xử lý như văn bản giấy theo quy trình xử lý văn bản của đơn vị.
3. Trường hợp văn bản điện tử gửi kèm
hồ sơ, văn bản giấy khác (Tờ trình, hồ sơ dự thảo…), văn thư tiếp nhận, hợp
nhất văn bản điện tử với hồ sơ, văn bản giấy, và xử lý theo quy định.
Điều 10. Lộ
trình thực hiện trao đổi văn bản điện tử
1. Tháng 5/2015: Vận hành thử nghiệm
việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong toàn Tỉnh kết hợp với
hình thức gửi văn bản giấy và hiệu chỉnh các vấn đề phát sinh trong quá trình
thử nghiệm.
2. Từ 01/6/2015: Bắt đầu thực hiện
trao đổi văn bản điện tử sử dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước của Tỉnh.
3. Các cơ quan, đơn vị phải công bố
rộng rãi về phương thức trao đổi văn bản điện tử của đơn vị mình, mẫu chữ ký số
của đơn vị, đầu mối tiếp nhận và các thông tin liên quan (chậm nhất
trước 01/5/2015).
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA
CƠ QUAN, ĐƠN VỊ VÀ CBCCVC
Điều 11. Trách
nhiệm của các cơ quan, đơn vị
1. Sở Thông tin và Truyền thông:
Tham mưu cho UBND Tỉnh triển khai
toàn diện quy định này; tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định này
trên phạm vi toàn Tỉnh.
Ban hành theo thẩm quyền văn bản
hướng dẫn các cơ quan, đơn vị về định dạng, biểu mẫu của thông điệp dữ
liệu; cách thức xác thực chữ ký số hợp lệ; các quy trình bảo đảm tính toàn vẹn,
an toàn và bí mật của giao dịch điện tử.
Quản lý việc cung cấp dịch vụ, phát
triển hạ tầng công nghệ thông tin trong hoạt động trao đổi văn bản điện tử. Đảm
bảo hạ tầng kết nối giữa các cơ quan nhà nước ổn định, thông suốt, an toàn, bảo
mật.
Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tổ
chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị về
trao đổi văn bản điện tử theo kế hoạch được duyệt.
2. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp
với Sở Tư pháp: Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị phát hành, lưu trữ văn bản
điện tử đảm bảo theo các quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ.
3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu
tư: Bố trí kinh phí; hướng dẫn Sở thông tin và Truyền thông và các đơn vị lập
dự toán kinh phí nhằm đảm bảo duy trì, vận hành hệ thống thông tin dùng chung
thường xuyên, liên tục.
4. Các sở, ban, ngành và UBND các
huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước: Chủ
động, tích cực thực hiện trao đổi văn bản điện tử theo Quy định này;
Ban hành Quy định nội bộ, danh mục cụ thể các văn bản được trao đổi hoàn toàn
dưới dạng điện tử và dưới dạng hỗn hợp đối với các đơn vị, tổ chức trực thuộc;
Số hóa các văn bản, tài liệu để phục vụ việc lưu trữ, trao đổi, tra cứu, tìm
kiếm và xử lý văn bản điện tử.
Điều 12. Trách
nhiệm của thủ trưởng cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị:
a. Chịu trách nhiệm trước UBND Tỉnh
trong việc chỉ đạo thực hiện Quy định này trong các cơ quan, đơn vị thuộc phạm
vi quản lý của mình;
b. Gương mẫu thực hiện và quán
triệt, chỉ đạo, đôn đốc, giám sát tất cả các đơn vị, cán bộ, công chức, viên
chức của cơ quan tăng cường sử dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử
nội bộ cơ quan và với các cơ quan đơn vị khác; tích cực sử dụng hệ thống thông
tin quản lý văn bản, hệ thống thư điện tử và hệ thống cổng thông tin điện tử và các hệ thống thông tin khác để trao đổi văn bản điện tử.
c. Ưu tiên nguồn lực (nhân lực,
hạ tầng kỹ thuật,...) trong việc trao đổi văn bản điện tử của cơ quan mình để cải
tiến thủ tục hành chính, tăng năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động, nâng
cao hiệu quả công vụ.
d. Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm
thực hiện nghiêm túc danh mục các tài liệu Mật không được phép thông tin trên mạng
theo quy định tại Pháp lệnh về Bảo vệ bí mật Nhà nước.
e. Phân công bộ phận hoặc cán bộ phụ
trách thường xuyên theo dõi việc thực hiện nhận và gửi văn bản điện tử.
2. Cán bộ, công chức, viên chức
và người lao động:
a. Thực hiện nghiêm các nội dung
của Quy định này và quy định nội bộ của cơ quan, đơn vị.
b. Sử dụng chứng thư số cá nhân
còn hiệu lực trong quy trình tham mưu, xử lý công việc và trao đổi văn bản điện
tử qua hệ thống thông tin quản lý văn bản, hộp thư điện tử công vụ.
c. Tích cực, chủ động thay đổi lề
lối làm việc dựa trên giấy tờ sang phong cách làm việc mới dựa trên môi trường
điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc.
d. Tuyệt đối tuân thủ các quy định
về an toàn, an ninh thông tin.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Khen
thưởng, xử lý vi phạm
1. Các cơ quan, đơn vị và các cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động có thành tích xuất sắc trong việc thực
hiện Quy định này được xét khen thưởng theo quy định.
2. Tổ chức, cá nhân không thực hiện
hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ theo Quy định này, tùy theo tính chất,
mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
Điều 14. Tổ chức
thực hiện
1. Định kỳ hàng năm tổ chức tổng kết,
đánh giá tình hình thực hiện việc trao đổi văn bản điện tử trong các cơ quan
nhà nước tỉnh Quảng Ninh.
2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông
tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện quy định này; định kỳ
tổng hợp báo cáo UBND Tỉnh.
3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ
chức triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định này. Trong quá trình thực hiện,
nếu có khó khăn, vướng mắc, phát sinh cần sửa đổi, bổ sung, đề nghị các cơ
quan, đơn vị kịp thời báo cáo về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp trình
Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.